Thời nhà giáo Văn Tâm còn sống, tôi đã nhiều lần đến thăm ông ở gác hai trên con phố Phan Bội Châu. Nhà ông không rộng gì, chỉ một gian chừng hai mươi mét vuông. Nhưng ông bày khá nhiều tranh, đặc biệt tranh của các họa sĩ lớp trước: Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Hứa Kiệm, Lương Xuân Nhị, Bùi Xuân Phái... Ngày đó tôi cũng không mấy am tường hội họa. Thấy màu sắc tươi tắn, thấy thiếu nữ e ấp, dịu dàng trên mặt toan là thích. Tôi hỏi thầy Tâm:
- Tranh ông Phái ngộ nhỉ. Nhà xiêu, tường đổ, cứ hiu hiu thế nào.
- Đấy là phố Phái. Người ta liệt ông vào bậc danh họa Việt Nam nhờ vào mấy cái xiêu xiêu ấy đấy.
Năm ấy chúng tôi biên soạn một số tạp chí về Hà Nội, trong đó có giới thiệu ít nhiều tranh của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Bài mở đầu cho tranh ông, tôi đặt nhà phê bình mỹ thuật đầy uy tín Thái Bá Vân viết. Gặp nhà phê bình lúc ông đã bước vào cõi… ngà ngà. Giọng Nghệ của ông đã nhuốm chút men khê khê.
- Rồi. Tôi nghe rồi. Ông không đặt bài thì tôi cũng viết. Một nhà xuất bản tận Paris vừa fax cho tôi một đề nghị tương tự.
Tuần sau tôi đã gặp ông ở cái quán “chồm hổm” vỉa hè.
- Tôi làm xong cái sự vụ ông giao rồi đây. “Hà Nội rất hội hoạ, ở những phố phường xưa…” được chưa.
Tuyệt vời. Tôi thầm nghĩ và lắng để nghe ông đọc tiếp. Nhưng dường như ông quên phắt tôi ngồi bên cạnh, sốt ruột vì thời hạn gấp gáp của số tạp chí.
- Rồi sao nữa, anh đọc tiếp đi. Em nghe đây.
- Thế thôi.
- Em muốn nghe cả bài.
Nhà phê bình hội họa chợt tỉnh hẳn, nhìn tôi như nhìn một vật lạ.
- “Hà Nội rất hội họa…” thế thôi. Mình phải mất cả mấy năm làm bạn với cụ Phái mới có cái câu rất Phái ấy đấy.
Ông viết thế này: “Là người Hà Nội, ông sinh ra để gắn bó, để cảm hóa chúng ta về một thế giới thể hình và màu sắc của riêng ông. Phố Phái là phố chung của tất cả mọi người, mà ông chỉ là người đầu tiên phát hiện ra nó… Như một mạch nước ngầm, phố Phái ngày càng lan rộng và thẩm thấu chân thành đến tận cùng những tâm hồn xa lạ…”.
May sao, chí ít tôi cũng biết một người cảm được “Phố Phái” của danh họa. Nhưng hiển nhiên không chỉ có một Thái Bá Vân. Không thế, sao đến nay vẫn không ít người săn tìm “Phố Phái”, đặc biệt là mấy vị Việt kiều ở Pháp.
Một người bạn Pháp, chuyên gia ngôn ngữ của tạp chí, nơi tôi làm việc sắp về nước. Ông muốn được đến nhà một người Hà Nội, rất Hà Nội. Khi chúng tôi mời ông đến thăm họa sĩ Bùi Xuân Phái, thì bỗng người ngoại quốc đã có nhiều năm làm việc ở Hà Nội reo lên:
- Đúng rồi mà. Ông ấy là Hà Nội, mà chỉ một Hà Nội thôi. Năm vừa rồi tôi được xem một triển lãm của người họa sĩ ấy. Tranh mặt nạ hề chèo, tranh bột màu, thuốc nước, ông tài hoa lắm. Nhưng tranh phố của ông thì… tôi muốn có một bức để tôi luôn có Hà Nội.
Nhà của danh họa trên con phố cổ Thuốc Bắc. Là phố cổ, nên tối và hẹp. Lại thêm nết nghệ sĩ nên vô cùng bừa bộn. Ông không cho bất cứ ai đụng vào tranh, màu, bút vẽ trong căn phòng của mình. Đến nhà không biết ngồi vào góc nào cho tiện. Quanh bàn, trên ghế… bừa bộn tranh. Có những bức tranh lớn, và có vô vàn tranh nhỏ xíu chỉ bằng bao thuốc lá.
Và ngay trên vỏ bao, dáng dấp xiêu xiêu phố cổ vẫn hiện lên. Ông không cần giá vẽ, ngắm nghía nơi ngã ba ngã tư. Phố Hàng Bè, Hàng Rươi, Hàng Khoai, Hàng Mắm, Hàng Chỉnh, Quốc Tử Giám… Đừng vội tin vào những con phố của ông mà thất vọng. Ông gợi nhớ mà không miêu tả và phố Phái miên man trong cõi thực hư mà hiện lên. Ông cảm và ông đưa đẩy ngọn bút, cây cọ để nó lên nét, lên màu Hà Nội theo cách riêng trong miền ký ức man mác, phiêu diêu. Người ta nói, ông là người nghiện vẽ. Dường như trong túi ông lúc nào cũng có cây viết, đỏ có, xanh, đen có. Ông vẽ nghĩa là ông hít thở, nghĩa là ông đang sống với Hà Nội của riêng ông.
Bài viết của Thái Bá Vân như người chỉ đường đã cho tôi tìm đến nhà danh họa Hà Nội. Ông sống với phố phường Hà Nội theo cách ông cảm để cho chúng ta một Hà Nội hội họa, bên một Hà Nội ngày ngày ta vẫn nhận biết. Hà Nội của ông mang một cái tên, có lẽ chỉ riêng ông có: Phố Phái.
ĐOÀN TỬ DIỄN