Một sáng đầu năm, khi ánh mặt trời bắt đầu dát bạc ngoài khơi, cũng là lúc chúng tôi lên đường, thực hiện chuyến khảo sát vòng quanh Bán đảo Sơn Trà (BĐST) bằng thuyền gỗ.
Đi để thấy những gì chưa làm được
“Biển Thái Lan không đẹp bằng Sơn Trà, thế mà du lịch của họ mang về cho Thái nguồn thu ngoại tệ rất lớn. Dịch vụ phát triển rầm rộ, những resort cao cấp nằm dày đặc. Đến Thái Lan không chỉ tham quan, giải trí mà còn là nơi để bạn tiêu tiền. Điểm đặc biệt của du lịch Thái Lan là họ biết cách “móc tiền trong túi của khách” đến đồng cuối cùng. Là một người làm du lịch, thấy thế ‘thèm” lắm. Đà Nẵng mình đẹp thế, mất không bao nhiêu phút để đặt chân đến Sơn Trà, vậy thì tại sao Đà Nẵng vẫn chưa thu hút được khách?”. Ngồi trên thuyền, chòng chành giữa những đợt sóng, ông Hồ Minh Phương, Trưởng ban Quản lý BĐST và các bãi biển du lịch Đà Nẵng không ngớt “so sánh” Sơn Trà với một số nước mà ông đã có dịp đi tham quan, học hỏi.
Theo thông tin từ Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đà Nẵng, hiện có 3 công ty đăng ký khai thác du lịch tuyến biển tại BĐST. Trong số đó, Công ty Du lịch Huy Khánh (Danangbeach Travel) đã trang bị 4 ca nô 12 chỗ ngồi, 1 tàu gỗ 35 chỗ, 2 tàu du lịch 30 và 150 chỗ ngồi, 15 mô-tô nước, 1 du thuyền. Theo kế hoạch, trong năm 2010, công ty sẽ trang bị thêm 10 thuyền chuối, dù lượn… nhằm đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí biển của du khách khi đến Đà Nẵng.
Ông Nguyễn Ngọc Hiệp, Giám đốc công ty cho biết, các loại hình dịch vụ du lịch biển đang được khuyến khích đầu tư tại Sơn Trà như trung tâm ẩm thực biển, CLB du thuyền, Nhà trưng bày sinh vật biển, Du lịch lặn biển, Du lịch mạo hiểm... bởi sự đa dạng và phong phú của các loài tảo, bào ngư, ốc đụn đến các rặng san hô, những đàn cá biển nhiều chủng loại. Chúng tôi đang kết hợp giữa thế mạnh của mình và những ưu đãi của thành phố để hướng tới mục tiêu khai thác những tour, tuyến thám hiểm biển chuyên nghiệp, nhằm mang lại lợi nhuận kinh tế cho ngành du lịch biển Đà Nẵng nói riêng và vực dậy tiềm năng về du lịch, cảnh quan của BĐST nói chung.
Khơi dậy một tiềm năng
Ở Hòn Sụp, Bãi Bụt, Bãi Nồm, Bãi Trẹm... những dãy phao thả chập chờn trên mặt biển. Ông Huỳnh Đức Trung, Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch Đà Nẵng cho biết, cuối tháng 6-2009, chính quyền thành phố ra quyết định khoanh vùng bảo vệ và cấm đánh bắt hải sản, khai thác san hô khu vực biển thuộc BĐST. UBND thành phố Đà Nẵng cũng chỉ đạo ngành Nông nghiệp & Phát triển nông thôn xây dựng phương án bảo vệ rạn san hô và hệ sinh thái thủy sản quanh khu vực Nam bán đảo, bảo vệ nghiêm ngặt các khu vực có rạn san hô quý ở Hòn Sụp, Bãi Bụt, Bãi Nồm. Đây là việc làm tích cực nhằm khôi phục lại những rạn san hô quý đã bị tàn lụi.
Theo kết quả nghiên cứu của Viện Hải dương học Nha Trang và Công ty Coral Reef Center, rạn san hô ở vùng biển Đà Nẵng không hề thua kém vịnh Hạ Long và Nha Trang. Vùng biển từ Hòn Chảo đến Nam Hải Vân và quanh BĐST có gần 200 loài san hô cứng tạo rạn thuộc 47 giống, 15 họ và 3 giống san hô mềm, 72 loài rong biển, 53 loài động vật thân mềm, hơn 200 loài thực vật phù du, 3 loài cỏ biển, 23 loài da gai kích thước lớn. Riêng vùng biển Mũi Nghê có 42 loài san hô màu sắc sặc sỡ… Thế nhưng, do tác động của nhiều nguyên nhân, rạn san hô nằm trong bán kính khoảng 100ha, vòng quanh BĐST chỉ còn khoảng 10% ở tình trạng tốt.
Du khách đang tham gia chuyến lặn biển ngắm san hô. |
Theo ông Huỳnh Đức Trung, nét đặc trưng của những tour, tuyến này là xuyên rừng, khám phá những thảm thực vật còn tương đối nguyên vẹn. Nhưng nếu xét về mặt kinh tế, những tour này không mang nhiều giá trị lợi nhuận. Hiện nay lãnh đạo thành phố đưa ra nhiều chính sách khuyến khích đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khai thác BĐST. Đã có nhiều dự án du lịch phát triển quy mô, nhưng “Sự phát triển loại hình dịch vụ du lịch không phải ngày một, ngày hai. Cái quan trọng nhất, là những người làm du lịch đã biết nhận ra những điểm yếu của mình để cùng chung tay vực dậy một tiềm năng lâu nay bị chính con người lãng quên”, ông Trung nhấn mạnh.
TIỂU YẾN