Ông Nguyễn Phú Mười đã nguôi ngoai thương nhớ sau khi tìm được hài cốt anh ruột mình.
Tôi đã nhiều lần lặng nghe giọng nói đượm buồn của cô phát thanh viên trong chuyên mục “Nhắn tìm đồng đội” trên ti-vi và nhận biết nhiều cuộc đoàn viên cay mắt đã trở thành hiện thực. Nhưng cũng có bao người không chờ đợi được, đã mang giọt nước mắt xót thương vào lòng đất khi chưa tìm thấy người thân.
1- Bác tôi thứ ba, tên khai sinh là Lê Công Vĩ, người trong làng quen gọi là Ba Vĩ, 19 tuổi đã là xã đội trưởng. Bác cùng với hai người em trong họ tộc là những đảng viên đầu tiên của chi bộ đầu tiên ở xã Điện Dương, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Tháng 7 năm 1955, hai mươi tám tuổi, bác tập kết ra Bắc. Sau khi tốt nghiệp Trường Lục quân Việt Nam, bác được phân về Sư đoàn 224 đóng ở Nghệ An.
Năm 1961, bác nhận lệnh đi B, chiến đấu ở Phú Yên. Chừng 5 năm sau, nghe tin bác đã hy sinh, ông bà nội tôi mỏi mòn đợi chờ, lòng thầm mong tất cả những tin chẳng lành về bác chỉ là chuyện nhầm lẫn khó tránh thời chiến tranh. Ngày thống nhất đất nước, những người con xa quê quay về đoàn tụ cùng gia đình, trong đó có cả những người trước đó đã được báo tử bằng văn bản. Bà nội tôi hết đứng lại ngồi, thấp tha thấp thỏm. Cho đến khi hai bác Lê Văn Ban, Lê Văn Thuận về mang theo thư cùng với hồ sơ lý lịch, chân dung của bác tôi, cả nhà mới thôi hy vọng vào một điều kỳ diệu nào đó.
Lần đầu tiên tôi thấy người anh trai của ba tôi qua tấm chân dung đã ố mất một góc. Đôi mắt rực sáng trên gương mặt cương nghị. Quân hàm, huân chương, huy chương lấp lánh trên ngực áo. Thế rồi, những cuộc tìm kiếm hài cốt của bác tôi suốt hơn 3 thập kỷ vẫn không kết quả. Bác Lê Văn Thuận lúc còn đương chức Phó Tổng biên tập Báo Quảng Nam-Đà Nẵng, đã nhờ nhiều nơi tìm kiếm nhưng vẫn bặt vô âm tín.
2- Trưởng phòng Lao động-TB&XH huyện Hòa Vang Trần Văn Hà có người anh vợ là liệt sĩ Lê Văn Phi. Thời đó, anh Phi là Xã đội trưởng Hòa Tiến, bị thương, được đồng đội đưa lên chữa trị ở trạm xá Hòa Vang đóng ở thôn Diệm Sơn, xã Điện Tiến. Anh hy sinh vì vết thương nhiễm trùng, được chôn cất phía sau trạm xá. Máy bay Mỹ phát hiện, ném bom phá nát trạm xá rồi đem xe cày ủi sạch sành sanh. Chưa hết, sau đó một trận lũ lớn càn quét qua nơi này, xóa sạch mọi dấu vết. Hòa bình, thân nhân liệt sĩ Phi đi tìm, người ta chỉ vô nghĩa trang xã Điện Hòa, nơi đó có nhiều mộ vô danh, biết đâu mà lần. Giỗ, đành lấy ngày 27-7 vậy.
Phó Trưởng phòng Lao động-TB&XH quận Liên Chiểu Vũ Ngọc Thanh có cha và chú đều là liệt sĩ. Cha anh tên là Võ Mẹo, người Hòa Liên, bộ đội Công binh, một lần đi đánh tàu lửa qua hầm Hải Vân, bị địch phục kích bắn chết. Tối, đồng đội vào tìm, đưa thi hài cha anh lên chôn vội vàng trên đồi gần hầm số 2. Thế mà, thời bình, chính những người đó mấy lần quay lại vẫn không sao xác định được chỗ người nằm lại năm xưa. Chú anh tên là Võ Văn Vịt, Trung đội phó thuộc Trung đoàn Ba Gia, hy sinh ở Hiệp Đức. 2 năm liền, 1967-1968, ông bà nội anh mất hai người con, cái từ “mất” này có nghĩa rất đau xót: mất cả hài cốt.
Anh Hà, anh Thanh, với chức trách công tác hiện tại, đã gặp nhiều thân nhân liệt sĩ và chia sẻ nỗi đau chung như thế. Cơ quan anh Hà đã tổ chức nhiều chuyến đi khảo sát, tìm kiếm, thu thập thông tin từ người dân, từ các đồng đội xưa... để tìm tông tích hài cốt các liệt sĩ. Từ thực tế nhà mình, anh nghiệm ra một điều rằng: “Hy sinh ở ngay quê mình mà đã tìm không ra hài cốt, huống chi ở xa”. Anh Thanh, mỗi lần viếng hương cha và chú mình tại nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Liên, lại chạnh lòng trước ngôi mộ không hài cốt. Anh bảo, dân gian gọi đó là “cô hồn ấp nấm” hay “mộ gió”, những từ ngữ chỉ những ngôi mộ được lập để tạm thời làm yên lòng người sống trước nỗi mất mát vì người đã khuất.
3- Ba anh em ông Nguyễn Phú Mười ở thôn Yến Nê, xã Hòa Tiến, đều đi làm cách mạng, nhưng chỉ có mỗi ông là được về với gia đình khi hòa bình lập lại. Anh ông, Nguyễn Phú Cước, hy sinh ở Tây Nguyên; chị ông, Nguyễn Thị Ngọ, hy sinh ở Đại Lộc. Ông và con trai người anh từng nằm lại mười mấy ngày trên Tây Nguyên, hỏi thăm khắp nơi vẫn không biết người thân phiêu dạt nơi đâu. Mới đây, sau gần nửa năm mấy bận đi về, ông và người cháu dâu đã tìm ra hài cốt người thân ở buôn Gia Vằm, huyện Cư M’Nga, tỉnh Đăk Lăk. Ông được Phòng Lao động-TB&XH huyện Hòa Vang hỗ trợ để vượt quãng đường xa lắm nỗi vất vả.
Ngày đưa hài cốt về, xã, thôn, bà con lối xóm, tộc Nguyễn Phú làm lễ truy điệu, đưa về nghĩa trang liệt sĩ xã Hòa Tiến. Từ nay, mộ anh ông đã “có người”, nhưng mộ chị ông bên cạnh thì vẫn còn là “mộ gió”.
Ở nghĩa trang liệt sĩ Hòa Hiệp, quận Liên Chiểu, vừa rồi cũng có hai ngôi mộ “có người” như thế. Đó là hai đồng đội, một người dân tộc Kinh tên là Bùi Văn Nam, quê Xuân Thiều, Hòa Hiệp Nam; một người dân tộc Cơtu tên là Alăng Mớp, quê xã Hơ Ngây, huyện Đông Giang, Quảng Nam. Cả hai đều nhập ngũ tại đơn vị A274 Tỉnh đội Quảng Đà, cùng hy sinh năm 1969 trong một trận địch tập kích bằng máy bay vào căn cứ bên sông Kôn. Họ nằm lại bên nhau ở đó hơn 40 năm trong sự mòn mỏi đợi chờ của người thân. Tháng 4 vừa qua, kết hợp qua các nguồn tin, thân nhân và các đồng đội xưa đã tìm dấu tích cũ và đưa các anh về Hòa Hiệp trong một lễ truy điệu đầy nghĩa tình.
Ngoài ra, theo lời anh Phạm Trưng, cán bộ văn hóa – xã hội phường Hòa Hiệp Nam, các đơn vị của phường đã phối hợp với Ban liên lạc Đại đội Độc lập (cánh Bắc Hòa Vang) tổ chức nhiều đợt đi tìm, bốc được 4 mộ liệt sĩ và đưa về quê ở các tỉnh phía Bắc, riêng liệt sĩ Phạm Hồng Sơn vì không có gia đình nên đã được quy tập vào nghĩa trang liệt sĩ Hòa Hiệp.
Tôi vẫn hoài trông có ai đó đọc được những dòng này, biết đâu, sẽ thông báo những tin tức tốt lành để những cuộc đoàn viên cay mắt làm nguôi ngoai nỗi nhớ thương.
Ghi chép của VĂN THÀNH LÊ