.
Thời sự và bàn luận

Đãi ngộ tốt hơn với người có công

Nếu tính từ sắc lệnh đầu tiên “Quy định chế độ hưu bổng, thương tật và tiền tuất tử sĩ” do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký ngày 16-2-1947 thì đến nay, Nhà nước ta đã ban hành 1.400 văn bản về việc đãi ngộ, ưu đãi thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công (gọi tắt là người có công).

Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và xã hội, đến nay 20.000 thương binh, bệnh binh; 60.000 bố, mẹ liệt sĩ cô đơn, già yếu; 100% các Bà mẹ Việt Nam anh hùng được Nhà nước chu cấp, các cơ quan, đoàn thể phụng dưỡng suốt đời; hàng triệu vợ, con, cháu thương binh, liệt sĩ được chăm sóc; 14.500 cán bộ lão thành cách mạng được giải quyết nhà ở; 1.104.000 người được cấp bảo hiểm y tế. Hàng chục vạn thanh niên xung phong, người bị nhiễm chất độc da cam được trợ cấp. Cũng có thêm hàng vạn hài cốt liệt sĩ được tìm thấy, được tìm ra danh tính, quê quán từ 1975 đến nay.

Với truyền thống uống nước nhớ nguồn, Nhà nước và nhân dân ta đã không tiếc công sức, tiền của để thực hiện việc đền ơn, đáp nghĩa với nhiều hình thức phong phú như xây nhà tình nghĩa (đã tặng được 244.000 nhà), xây và chỉnh trang nghĩa trang liệt sĩ (hơn 3.000 nghĩa trang), xây nhà bia (1.995 nhà), lập vườn cây tình nghĩa (14.700 vườn), lập quỹ đền ơn đáp nghĩa (1.400 tỷ đồng), lập quỹ học bổng, quỹ chăm sóc y tế, v.v… Nhờ sự quan tâm này, 90% gia đình, người có công đã có cuộc sống ổn định, bằng hoặc hơn mức sống trung bình tại địa phương, con em người và gia đình có công được học hành, nhiều em đạt thành tích cao trong học tập, công tác.

Tuy thành tích là rất lớn nhưng cũng còn không ít những thiếu sót, khuyết điểm cần được khắc phục trong công tác chăm sóc, đền đáp người và gia đình có công. Trước đây, khi đời sống của người dân nói chung còn khó khăn, mức hỗ trợ tiền tuất, tiền thương tật và các loại tiền chính sách khác như vậy là thỏa đáng. Nhưng ngày nay, khi mức sống bình quân được nâng lên, đi cùng với nó, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu cũng tăng theo, chẳng hạn như giá điện, nước, lương thực-thực phẩm, vật liệu xây dựng, vật tư sản xuất nông nghiệp tăng gấp ít nhất 2 lần trong 10 năm qua thì mức trợ cấp tuy đã tăng nhưng trên thực tế là sút giảm so với trước. Sự sút giảm về đãi ngộ và tình trạng thiếu vốn sản xuất đã khiến nhiều người, gia đình có công rất khó khăn trong việc thoát nghèo.

Cũng từ tình hình đời sống của người dân và ngân sách Nhà nước đã được cải thiện, cần mở rộng hơn diện người và gia đình có công, từ đó mở rộng hơn diện đãi ngộ. Chẳng hạn, cần mở rộng diện đãi ngộ với dân quân, du kích, công an xã, cán bộ xã, thanh niên xung phong; các gia đình vì che giấu, bảo vệ cán bộ, ủng hộ cách mạng mà phải hy sinh, thương tật; những người bị chất độc da cam và di chứng đau thương trong gia đình họ; những người không ở chiến trường nhưng chiến đấu nhiều năm ở khu 4 cũ, vùng vô cùng ác liệt trong chiến tranh phá hoại... Nếu mở rộng tới những diện vừa kể, sẽ có thêm hàng chục triệu người được cách mạng đền bù, đãi ngộ vì công lao của họ.

Cần nói thêm rằng tuy đã có chủ trương, nhưng cho tới nay, mới có 50% cựu TNXP trong diện được hưởng chế độ đãi ngộ, vài chục vạn trong số hàng triệu người bị ảnh hưởng chất độc da cam được chăm sóc, đền bù những thiệt thòi trong đời sống vật chất và tinh thần trong khi chiến tranh đã đi qua 35 năm.

Thời gian trôi nhanh, những người có công nay đều đã già, nhiều người đã mất, đòi hỏi công tác đền ơn đáp nghĩa ngày càng phải khẩn trương và nâng cao chất lượng.

Thanh Bình

;
.
.
.
.
.