Thiếu tướng Đỗ Hữu Hạnh gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thăm Quân khu 5 (10-1989).
Ông lìa xa cõi đời đã mười mấy năm, nhưng cái ông để lại cho đời là những chân tình không thể đem ra cân, đo, đong, đếm. Đồng đội dành cho ông sự kính trọng và tình bạn thủy chung. Ông chính là Thiếu tướng Đỗ Hữu Hạnh, một người con của vùng núi Ấn, sông Trà, tỉnh Quảng Ngãi.
Trong suy nghĩ của Đại tá Huỳnh Hàng, 85 tuổi, ở phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu (nguyên Trưởng phòng Cán bộ Quân khu 5), Thiếu tướng Đỗ Hữu Hạnh dù nắm giữ cương vị lãnh đạo nào, cũng vẫn sống thật bình dị với anh em. Có lần, thấy chiến sĩ mình bị sốt rét xanh tái cả người mà miếng ăn không có, ông đã cùng đồng đội đi cõng gạo. Trên đường về, ngang qua con suối sâu, nước chảy xiết, ông Hạnh phải đội gạo lên đầu, đứng giữa suối hàng tiếng đồng hồ để chờ nước êm rồi mới dám nhấc chân đi tiếp. Khi ông về đến cơ quan, ai cũng bật khóc vì cảm động trước tình cảm của ông dành cho chiến sĩ.
Không những lo cho chiến sĩ có cái ăn, có sức khỏe để chiến đấu, ông Hạnh còn xoắn tay giải quyết bao tình huống phát sinh trong cuộc chiến. Gia đình Đại tá Lê Công Thạnh sẽ không bao giờ quên được mốc thời gian đầu năm 1969. Lúc bấy giờ, vợ con ông Thạnh (nguyên Phó phòng Cán bộ Quân khu 5) lặn lội từ Sài Gòn về quân khu thăm chồng. Giữa cuộc chiến, mọi tác phong trong quân đội đều cơ mật. Trong lúc ông Thạnh không biết sắp xếp để vợ con mình ở đâu thì ông Hạnh xuất hiện, đã giải quyết cho vợ chồng ông về ở tại khu lưu trú cán bộ. Cô con gái được bố trí vào nấu cơm, phục vụ bộ đội. Sự quan tâm này đã khiến cho những người lính như ông Thạnh yên tâm công tác, hoàn thành nhiệm vụ.
Suốt 10 năm cùng ăn, cùng ở, cùng làm với Thiếu tướng Hạnh, Đại tá Đinh Văn Xứng, nguyên trợ lý nhân sự của Thiếu tướng luôn xem ông là hình mẫu của người bộ đội Cụ Hồ. “Ông là một người rất hiền lành, mẫu mực và sống tình cảm với anh em. Ông quan tâm giải quyết mọi vấn đề khúc mắc trong sinh hoạt, đời sống cán bộ. Vì thế mà mỗi khi chúng tôi có điều gì không thể chia sẻ, không giải quyết được, chúng tôi lại tìm đến ông để xin ý kiến”.
Thiếu tướng Đỗ Hữu Hạnh (hàng dưới, thứ 3 từ phải qua) chụp ảnh lưu niệm cùng Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp vào thăm Quân khu |
Được cấp trên tin tưởng, giao phó đảm trách nhiều nhiệm vụ quan trọng, Thiếu tướng Đỗ Hữu Hạnh đã vượt qua những khó khăn để hoàn thành trách nhiệm của mình.
Là người cầm chịch trong công tác bổ nhiệm, xây dựng đội ngũ cán bộ tại chiến trường Quân khu 5, Thiếu tướng Đỗ Hữu Hạnh đã mạnh dạn đề bạt và bổ nhiệm cán bộ kịp thời để bổ sung cho chiến trường. Ông đã đề xuất mở các lớp đào tạo ngắn ngày cho cán bộ cấp tiểu đoàn, trung đoàn; đưa nhiều cán bộ trẻ ra học tập tại miền Bắc. Nhiều đồng chí đã trưởng thành và về nắm giữ nhiều chức vụ quan trọng trong bộ máy lãnh đạo của chiến trường Quân khu 5.
Có một kỷ niệm mà Đại tá Huỳnh Hàng nhắc đi nhắc lại. Đó là vào năm 1974, thời điểm chuẩn bị cho kế hoạch đánh trực tiếp vào Đà Nẵng. Lúc này ở Sư đoàn 2 lại xuất hiện tình trạng thiếu người trong chiến đấu nhưng lại thừa đội ngũ cán bộ nội trú. Bằng kinh nghiệm và niềm tin vào các chiến sĩ của mình, ông Hạnh đã cất nhắc các vị trí từ trung đội phó lên nắm giữ chức danh đại đội phó, tiểu đội trưởng lên cấp trung đội trưởng, những hạ sĩ quan có đạo đức, tư tưởng chính trị rõ ràng ông cho lên làm tiểu đội trưởng. Phương án này của ông đã đáp ứng được nhu cầu về con người của chiến trường. Những cán bộ nội trú chưa được giao nhiệm vụ, ông Hạnh đã động viên, giao nhiệm vụ cho họ vận chuyển, chăm sóc thương bệnh binh, tạo tâm lý tốt cho anh em hoàn thành nhiệm vụ…
Những năm tháng hòa bình, khi đã về hưu, bị mù hai mắt, Thiếu tướng Đỗ Hũu Hạnh vẫn thường xuyên nhờ con trai chở đi thăm đồng đội. Trong câu chuyện của những người lính già, là cả một quãng đời xanh mà họ đã sống và chiến đấu. Giờ đây, khi ông đã đi xa, những câu chuyện chất chứa nhiều tình cảm yêu mến và sự nể trọng của những người còn sống về đồng đội, về vị Thiếu tướng tận tâm và đầy tình nghĩa vẫn còn tiếp nối...
TIỂU YẾN