.

Mong đợi một Ban Chấp hành chịu làm việc

.

Đại hội Hội Nhà văn Việt Nam lần thứ 8 diễn ra từ ngày 3 đến ngày 6-8-2010 tại Hà Nội. Đoàn nhà văn thành phố Đà Nẵng có 11 người tham dự. Dịp này, ĐNCT xin giới thiệu cùng bạn đọc một số ý kiến của các nhà văn trong thời gian diễn ra Đại hội.

Nhà thơ Thanh Quế: Cái chính của Đại hội là lo vấn đề tổ chức

Nhiều người nói rằng, trong Đại hội Hội Nhà văn, vấn đề cần bàn là làm sao để viết văn hay. Theo tôi, không có Đại hội, mỗi nhà văn, từng nhóm nhà văn cũng đã bàn vấn đề này rồi. Cái chính của Đại hội là lo vấn đề tổ chức để giúp cho việc viết của từng nhà văn.

Trong Đại hội lần 7, chúng ta đã bầu tới 2 lần mới được 6 ủy viên Ban Chấp hành (BCH). Vậy mà nghe nói trong các cuộc họp, các ủy viên BCH chia thành 2 phe phái chống lại các ý kiến của nhau. Thậm chí, có ủy viên đã 2, 3 năm nay không dự họp vì bất đồng việc gì ấy. Thế thì sẽ xảy ra tình trạng gì? Có người sẽ ôm đồm công việc, do đó sẽ có nhiều thiếu sót, có người cứ nhởn nhơ chẳng làm việc gì cả. Thành ra công việc Hội lủng củng, hội viên sẽ mất nhờ, nhất là những hội viên ở xa, nơi chẳng có một ủy viên nào để mình đề đạt, phát biểu ý kiến với Hội cả. Vậy thì bầu bán ra một BCH để làm gì?

Từ đó, tôi mong muốn rằng, trong Đại hội 8 này, chúng ta tập trung vào việc bầu một BCH đủ mạnh, chuyên tâm làm công tác Hội. Người trong BCH không cần là một nhà văn giỏi (có nhà văn giỏi mà chuyên tâm làm công tác Hội càng tốt) mà là nhà văn có điều kiện, có nhiệt tình, có tính công bằng trong công tác Hội. Nên có các nhà văn ở các vùng miền để BCH sát với hội viên hơn, hiểu được tâm tư, tình cảm, đời sống của họ mới giúp họ sáng tác tốt được. Không có chuyện ông “đánh xuôi” bà “thổi ngược” như khóa 7 vừa rồi. Có như thế mới cần tới BCH, cần tới Đại hội, nhất là Đại hội toàn thể như lần này, nếu không thì cứ 5 năm Đại hội một lần làm gì cho tốn tiền của nước, của dân?

Nhà văn Trần Kỳ Trung: Tác phẩm và sự quan tâm của bạn đọc

Theo tôi, tôi vẫn coi Đại hội Hội Nhà văn lần thứ VIII là một sự kiện trọng đại đối với mỗi nhà văn là hội viên. Cứ 5 năm mới có một lần để được gặp nhau, hàn huyên, phải chăng riêng điều này cũng thấy "đáng trọng". Hơn nữa, Đại hội Hội Nhà văn lần này lại là Đại hội toàn thể, không phải Đại hội đại biểu như các lần trước, cũng làm cho các nhà văn vui, háo hức.

Điều ưu tư, trăn trở của mỗi nhà văn là tác phẩm và sự quan tâm của bạn đọc. Có một điều tôi thấy rất lạ: Trước Đại hội, có nhiều luồng dư luận, những bài viết tập trung vào chuyện... bầu cử ai sẽ vào BCH? Ai là Chủ tịch khóa tới? Cả chuyện vận động hành lang, v.v… và v.v... Thực tình, tôi nghĩ thấy buồn. Chẳng lẽ "chức vụ" của Hội lại thành một sự đam mê lớn đến vậy sao? Tôi chắc rằng, những người suốt ngày chỉ nghĩ mình sẽ "thế này", “thế nọ", họ còn thời gian đâu mà nghĩ đến sáng tác, và như vậy chức năng "Nhà văn" liệu có thể xứng với vai trò của họ không? Thời gian, tác phẩm và bạn đọc sẽ là thước đo chính xác trả lời câu hỏi này.

Tôi vẫn mong, cứ 5 năm một lần, sẽ tổ chức một Đại hội Hội Nhà văn thật hoành tráng, các nhà văn, nhà thơ tham dự thật vui trong không khí đoàn kết, tôn trọng nhau và vui hơn, nếu như trong Đại hội vinh danh được nhiều tác phẩm lớn, được bạn đọc trong và ngoài nước quan tâm.

Điều mong ước đó tôi muốn bắt đầu từ Đại hội Hội Nhà văn lần này.

Điều này liệu có thể trở thành hiện thực không?

Nhà văn Bùi Tự Lực: Việc phát triển hội viên ở một số vùng quá chậm

Tôi nhất trí quan điểm của một số nhà văn: BCH không cần nhiều, không nhất thiết phải trẻ, nhưng phải là những ai chịu làm việc (cần từ 9 đến 11 người là vừa). Đại hội cần phải chọn Chủ tịch giỏi về công tác quản lý, khôn khéo trong bang giao và tâm huyết với công tác hội.

Việc xét kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam hằng năm đều đặn, nhưng cùng đều đặn có nhiều chuyện lình xình đi theo sau đó; thậm chí có những quan điểm dễ gây mất đoàn kết, tạo góc nhìn nhận không hay cho một tổ chức - Theo như nhiều người nói là một cánh cửa hẹp vào “Ngôi đình thiêng”.

BCH và các hội đồng chuyên môn của Hội ở Trung ương sống rất xa với các nhà văn ở địa phương, nhưng lại là những người cầm và bỏ lá phiếu quyết định về sinh mệnh ứng cử viên xin vào hội. Lại rất nhiều người xin gia nhập, cho nên việc bỏ phiếu theo cảm tính, theo nhắn gửi, theo áp lực là không tránh khỏi. Sau cuộc bầu, người tưởng đậu mười mươi lại rơi, người xướng tên bổ sung lại được. Trong khi đó, Chi hội là tổ chức gần các nhà văn ở địa phương, cùng hoạt động văn nghệ với nhau, biết nhiều, hiểu hết năng lực sở trường, văn phong, tác phẩm… của nhau, lại đứng ngoài cuộc thấp thỏm ngóng trông. Họ đang độ sung sức bút nghiên, nộp đơn xếp hàng ở Văn phòng Hội Nhà văn Việt Nam và… chờ bảo lưu. Chờ đến khi đến lượt thì đã “thất, bát tuần”; vào được Hội là sức lực đã thuyên giảm nhiều bề. Những năm qua, việc kết nạp hội viên mới, Chi hội và Liên chi hội có tiếng nói khi giới thiệu, nhưng chỉ là ý kiến tham gia đề nghị.

Việc phát triển hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ở một số vùng quá chậm, số lượng quá ít (có những nơi mươi lăm năm nay chỉ kết nạp được ba, bốn người). Trong khi đó, đội ngũ viết văn trẻ đang cố gắng thể hiện mình; viết khỏe, viết hay và đang có nguyện vọng tha thiết vào Hội, dù biết rằng đó là cánh cửa hẹp.

Nhà thơ Nguyễn Kim Huy: Hội Nhà văn Việt Nam vẫn sẽ còn tồn tại lâu dài

Nói gì thì nói, tôi nghĩ Hội Nhà văn Việt Nam vẫn là một Hội bề thế sang trọng và sẽ còn tồn tại lâu dài, chừng nào nước mình còn có... các nhà văn và những người cầm bút muốn gia nhập Hội (mà xem chừng càng ngày càng đông, BCH còn phải xét mệt nghỉ!). Nhiều người bảo cụ Nguyễn Du có là hội viên đâu vẫn cứ là đại thi hào, Truyện Kiều có được Hội nào trao giải đâu vẫn cứ là tác phẩm bất hủ! Nếu Nguyễn Du mà sống vào thời chúng ta, chắc gì cụ đã không hồi hộp chờ BCH họp hằng năm xét giải... Truyện Kiều, dù có khi cụ cười ruồi từ chối không nhận giải khi được trao vì “lý do tế nhị”...

Hội Nhà văn có thể vẫn còn nhiều những hội viên “chưa xứng tầm”, nhưng hầu như mọi tên tuổi lớn của văn học Việt Nam hiện đại đều đã hoặc đang là hội viên Hội Nhà văn. Đó là niềm tự hào chính đáng, là giá trị và cũng là điều tạo nên sức sống lâu dài và sức cuốn hút mạnh mẽ của Hội. Là hội viên, chắc ai cũng có niềm tự hào chính đáng rằng mình ở trong một Hội với những tên tuổi như Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nam Cao, Tô Hoài, Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Tế Hanh...

Với tôi, ngày được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam luôn là một ngày đẹp, đầy ý nghĩa và rất khó quên trong cuộc đời. Tôi tự hào được là một hội viên của Hội Nhà văn, và tự biết mình còn phải cố gắng nhiều trong viết lách sáng tạo mới xứng đáng với danh hiệu nhiều vinh dự nhưng rất khắt khe này!

PHƯƠNG MAI (lược ghi)

;
.
.
.
.
.