.

Thùng rác cảnh quan trên đường phố: Bao giờ?

.

Người dân Đà Nẵng hiện đổ rác tại các thùng rác trên đường phố, thế nhưng nhiều người vẫn không quên điệu nhạc được gọi đùa là “ò e” vang lên 10 năm trước mỗi khi xe thu gom rác chậm rãi đi qua nhà mình. Giờ đây, một đề án thu gom rác đang được xây dựng trên cơ sở dùng lại hình thức... “ò e” cũ.

Xóa những điểm ô nhiễm cố định...

Các xe ba gác đạp sẽ được thay bằng ba gác máy để bớt nhọc nhằn cho công nhân và nâng cao hiệu suất thu gom rác trong kiệt hẻm.

Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng hiện có khoảng 4.500 thùng rác, trong đó gần 60% đang trong tình trạng xuống cấp. Đổ bể, mất nắp, rác nửa trong nửa ngoài. Một thành phố có mục tiêu chiến lược đến năm 2020 sẽ chính thức công bố danh hiệu “Thành phố môi trường” không thể duy trì một hình thức thu gom rác vừa lạc hậu vừa mất mỹ quan như thế.

Trong một phiên họp gần đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đà Nẵng Võ Duy Khương đã đề nghị chuyển đổi cách thu gom rác mới sao cho tiên tiến hơn và giao cho Sở Tài nguyên-Môi trường thành phố lập đề án. Theo nhận định ban đầu của ông Lê Thanh Bình, Phó Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị (MTĐT) Đà Nẵng, đơn vị trực tiếp xây dựng đề án có tên là “Chuyển đổi phương thức thu gom rác từ xe thô sơ sang xe cơ giới”, sự chuyển đổi này có một số khó khăn nhất định cần sự hợp tác, tháo gỡ từ nhiều phía.

Các thùng rác 240 lít trên đường phố Đà Nẵng hiện được đưa bằng xe ba gác đạp về các địa điểm tập kết trung chuyển. Nếu “xóa” thùng rác thì đường phố sẽ sạch, đẹp và thông thoáng hơn, nhưng đồng thời lại đặt ra một số vấn đề cần giải quyết. Khi xe ép rác đến lấy rác trực tiếp theo một thời gian nhất định trong ngày như trước thì liệu có gây khó khăn cho các hộ vắng nhà? Không còn thùng thì công nhân ban ngày “đi tua” (duy trì giữ sạch đường phố) và công nhân quét đường ban đêm đổ rác vào đâu?

Ông Phạm Đình Hải, Phó Giám đốc Xí nghiệp Môi trường Hải Châu 2 (Công ty TNHH MTĐT Đà Nẵng) cho biết, thực ra giải quyết vấn đề đổ rác cho các hộ thường xuyên vắng nhà vào ban ngày không khó, vì trước đây đơn vị cũng đã từng làm rồi. Các hộ này có thể đổ rác vào ban đêm trên các xe thô sơ có tên là “cải tiến lật” do công nhân đẩy đến phục vụ tận nhà, mỗi xe có thùng chứa 300 lít, đang được hoạt động thí điểm tại các phường Hòa Cường Nam, Hòa Cường Bắc, Nam Dương.

Tại phiên họp toàn xí nghiệp triển khai phương án chuyển đổi phương thức thu gom rác sáng ngày 28-7 vừa rồi, anh em công nhân đã đề nghị làm xe kéo tay tự chế có 1 thùng chứa đến 660 lít hoặc 2 thùng loại 240 lít. Đây là phương án rất khả thi về mặt kinh tế, theo đánh giá của ông Hải, nó vừa tái sử dụng được các thùng rác cũ thu hồi về, vừa tận dụng được các xe ba gác đạp chuyển thành xe kéo tay. Việc thu gom rác theo phương-thức-mới-mà-cũ sẽ thuận lợi hơn, và những thùng rác xuống cấp bị người dân cho là “những điểm ô nhiễm cố định” trên đường phố sẽ không còn làm vẩn đục không gian đô thị.

… nhưng đừng tạo ra những điểm ô nhiễm di động

Các thùng rác sinh hoạt trên đường phố sẽ bị “xóa sổ” trong thời gian tới.

Rồi đây, khi đề án “Chuyển đổi phương thức thu gom rác từ xe thô sơ sang xe cơ giới” được cấp thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện, trên đường phố Đà Nẵng sẽ thường xuyên xuất hiện xe rác: Xe chuyên dụng thu gom gác trên các đường phố, xe ba gác máy (tất nhiên là loại xe được phép đăng ký và tham gia giao thông, thay xe ba gác đạp hiện nay) thu gom rác trong các kiệt hẻm.

Nhưng, như thế, xe thu gom rác sẽ chạy suốt cả ngày trong thành phố?

Giải quyết bài toán này, theo ông Bình, cần phải có sự tiếp sức của người dân trong việc phân loại rác, đó cũng là cách thể hiện nếp sống văn minh. Rác vô cơ như ni-lông, kim loại, thủy tinh, vải, giấy... có thể tái sản xuất thì cho vào túi màu xanh lá cây. Rác hữu cơ như thức ăn thừa, bã trà, cà-phê... không thể tái sản xuất thì cho vào túi màu vàng cam. Nếu rác trong dân được phân loại tốt ngay từ khi được thải ra thì sẽ tránh được đáng kể mùi hôi và xe thu gom rác sẽ không phải tất bật chạy nhiều chuyến mỗi ngày.

Hai công đoạn nặng nhất của Công ty TNHH một thành viên MTĐT Đà Nẵng hiện nay là thu gom và vận chuyển rác, thực hiện theo hình thức khoán trắng. Ông Bình cho biết, công ty vốn đã không đủ tiền mua thùng rác, giờ bỏ thùng chuyển qua lấy rác trực tiếp bằng xe cơ giới thì tiền đâu mua xe? Chỉ mới tiến hành chuyển đổi phương thức thu gom rác ở hai quận nội thành Hải Châu và Thanh Khê thì, theo ước tính của ông Bình, sẽ phải bỏ ra từ 1,5 đến 2 tỷ đồng để sắm khoảng 20 xe gom rác mới có tải trọng từ 3,5 đến 5 tấn.

Vì sao phải sắm xe mới? Hiện các thành phố trên thế giới đã dùng xe gom rác có kết cấu gần như khép kín, nhận rác một bên hông, nếu có bốc mùi thì thẳng lên trời chứ không thải ra phía sau như loại xe Việt Nam đang sử dụng. Xe rác không thu được nhiều tiền để tái đầu tư, nhưng không phải vì không có tiền mà đưa các xe ép rác cũ kỹ và xuống cấp đang chạy ở vùng ven vào sử dụng trong nội thành. Những điểm ô nhiễm di động không khéo lại hình thành!

“Thành phố môi trường” vào năm 2020 là một mỹ từ được xây dựng từ nhận thức đến hành động của công dân thành phố nhằm xóa bỏ những cái chưa đẹp trong môi trường sống. Rác không bao giờ là chuyện nhỏ. Phấn đấu sao trong 10 năm nữa, Đà Nẵng chỉ còn các thùng rác cảnh quan và hoàn toàn không còn thùng rác sinh hoạt trên đường phố, cũng không là chuyện nhỏ.

VIÊN PHÚC QUÂN

 

 

;
.
.
.
.
.