.

Rác trung chuyển - ráng chuyển

.

Trong suy nghĩ của mỗi người, những trạm rác trung chuyển nằm trong lòng thành phố là những điểm nóng về ô nhiễm. Chẳng ai muốn ở chung với trạm rác trung chuyển đi ngang qua nó, và nhìn thấy nó.

Rác trung chuyển - Chuyển ngay

Những thùng rác không có nắp, bị hư hỏng nặng gây phản cảm trên đường phố.

Đó là câu mà các đội trưởng ở các trạm trung chuyển rác nằm trong địa bàn thành phố khẳng định. Điểm rác trung chuyển trên đường Ngô Gia Tự nằm sát cổng số 6 của sân vận động Chi Lăng đang vận hành. Nhưng nếu không vào sát phía trong thì cũng khó nhận ra nơi đây đang nén chặt gần chục tấn rác vào container để chuyển lên bãi rác xử lý. Đối diện là một số phòng mạch tư khám bệnh cho trẻ em. Xung quanh nhiều hàng ăn, quán giải khát vẫn bình thường hoạt động.

Điểm trung chuyển rác ở gần chợ Đống Đa đã được cải tạo, bọc kín. Mặc dù máy ép rác bị hỏng đang sửa chữa, nhưng 30 tấn rác bình quân mỗi ngày vẫn được nhiều chuyến xe điều chuyển kịp thời để giải phóng rác, không để lượng rác tồn đọng qua đêm.

Trạm rác trung chuyển ở 61 đường Nguyễn Đức Trung, quận Thanh Khê nằm ở vị trí khá thuận lợi, thông thoáng về không gian, quanh trạm có cây xanh bao phủ. Đội trưởng Đội môi trường số 1 Phạm Xuân Trịnh cho biết: Bình quân 16 tấn rác trong một ngày, chất đầy hai container. Nếu phát sinh thùng thứ 3 thì cũng gom nhặt chuyển ngay, không bao giờ để rác tồn đọng, chỉ cần vệ sinh không bảo đảm để mùi hôi phát tán thì người dân sẽ “gõ cửa” hỏi thăm ngay.

Theo Phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị Đà Nẵng Nguyễn Thanh Hùng thì 5 năm trước đây việc giải phóng rác còn chậm là có thực. Nhưng hiện nay, các trạm rác trung chuyển trên địa bàn thành phố không bao giờ có rác tồn đọng qua đêm, công nhân thu gom rác hoạt động từ 1 đến 2 giờ sáng. Nếu có rác rơi vãi hoặc người dân đổ rác sau khi xe thu gom rác đi qua thì sẽ có một chuyến xe thu vét, tua lại lần cuối để bảo đảm mỹ quan cho thành phố.

Rác ở các quận Thanh Khê, Hải Châu được vận chuyển ngay trong đêm. Các quận khác, xe chở rác được bố trí tuyến đường chạy riêng tránh đi vào trung tâm thành phố. Xe rác được phun hóa chất để khống chế mùi hôi, có bạt phủ kín để tránh phản cảm.

Điều bức xúc hiện nay là nhiều tuyến đường có hiện tượng tràn rác do rút bớt số lượng thùng. Thời hạn sử dụng của mỗi thùng đựng rác là 36 tháng nhưng 10 năm nay chưa được thay thế. Những thùng bị hư hỏng nặng gây rò rỉ nước thải ô nhiễm cục bộ và làm mất mỹ quan khu vực. Xe chở rác đã cũ, mỗi khi chạy, gió lùa mùi hôi phát tán là điều không tránh khỏi. Nhưng tất cả vẫn đang trông chờ vào ngân sách và dự án nâng cấp công nghệ xử lý rác thải trong tương lai.

Phương tiện phải ngang tầm

Vận hành máy nén rác vào container tại trạm trung chuyển đường Ngô Gia Tự.

Vất vả trên chiếc xe chở rác với những thùng rác không còn nắp đậy, những túi rác chất cao thành ngọn, người công nhân có tên là Phạm Được (46 tuổi, nhà ở tổ 31 phường Hòa Phát, quận Cẩm Lệ) ráng sức đẩy về trạm trung chuyển. Mỗi sáng thức dậy từ 3 giờ, anh kéo xe từ Tượng đài Mẹ Dũng sĩ đến đường Lê Độ rồi từ đường Lê Độ qua Thái Thị Bôi, về đường Kỳ Đồng, đến trạm trung chuyển. Một ngày anh thực hiện từ 5-10 chuyến chở rác trên chiếc xe thô sơ với chặng đường trên 12km, lượng rác thu gom 2 tấn.

Trước trạm rác trung chuyển là xưởng sửa chữa xe và thùng rác. Những chiếc xe long bánh gãy càng được hàn nối. Những vỏ thùng nứt vỡ được vá dán. Xưởng thợ chỉ có một công nhân duy nhất tu sửa tên là Võ Khanh Tú, nhà ở đường Trưng Nữ Vương. Anh đã có 7 năm theo nghề hàn, nẹp cho hàng trăm chiếc thùng và xe chở rác của Đội Môi trường số 1 quận Thanh Khê.

Thành phố hiện nay có khá nhiều thùng rác, xe rác xuống cấp. Nhiều điểm tràn rác gây ô nhiễm nặng. Nhiều xe chở rác đã quá lạc hậu. Việc đầu tư trang thiết bị, công nghệ kỹ thuật, cơ giới hóa công tác thu gom, vận chuyển rác thải, nâng cấp các trạm trung chuyển, ứng dụng các biện pháp giảm thiểu tối đa mùi hôi, đang là đòi hỏi cấp thiết hiện nay.

Lê Gia Thụy

;
.
.
.
.
.