.

Thay đổi cách làm

.
Một vấn đề được bà Nguyễn Thị Thanh Hưng, Giám đốc Sở LĐ-TB-XH thành phố thẳng thắn nêu lên tại diễn đàn Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố, là cần phải thay cơ chế giao chỉ tiêu giảm nghèo bằng nghị quyết hằng năm cho các địa phương bằng cơ chế đăng ký chỉ tiêu giảm nghèo.
 
Mô tả ảnh.
Lãnh đạo phường Nam Dương (quận Hải Châu) đối thoại với hộ đặc biệt nghèo để có chính sách hỗ trợ hợp lý.
 
“Mỗi địa phương, mỗi cộng đồng dân cư có đặc điểm riêng, có nguồn lực khác nhau và nguyên nhân tác động đến người nghèo cũng rất khác nhau. Để khắc phục tình trạng nói trên, thành phố cần hướng dẫn địa phương dưới tổ, thôn thảo luận, bàn bạc, để đi đến thống nhất rằng, trong năm, với thực lực của mình, địa phương sẽ giúp cho bao nhiêu hộ có thể thoát nghèo, sau đó mới đăng ký chỉ tiêu với các cơ quan có thẩm quyền. Cách làm như vậy sẽ giao được sự chủ động cho các địa phương và công tác giảm nghèo thực chất hơn” - Bà Thanh Hưng kiến nghị.

Lý giải cho ý tưởng của mình, lãnh đạo của ngành này cho rằng, thực tế hiện nay, do áp lực phải hoàn thành chỉ tiêu trên giao và vẫn còn bệnh thành tích trong công tác giảm nghèo, cho nên cấp trên giao bao nhiêu, cuối kỳ báo cáo, cấp dưới cũng “ép” số liệu, báo cáo hoàn thành mục tiêu bấy nhiêu. Vì thế, việc kiểm soát số người thoát nghèo chưa đầy đủ, dẫn đến nguy cơ tái nghèo cao. Nghĩa là, đôi lúc người nghèo thoát nghèo nhờ “thành tích” chứ không phải họ được hỗ trợ để lao động tăng thu nhập, vươn lên trong cuộc sống. Đó là một thực tế đáng buồn và đáng lo ngại.

Thực ra, vấn đề này không mới, nhưng đây là lần đầu tiên, một lãnh đạo phụ trách công tác xóa đói giảm nghèo của thành phố nhìn nhận thẳng vào thực trạng và nêu lên như là một đề tài gây tranh luận tại diễn đàn quan trọng là Đại hội Đảng bộ thành phố. Đây cũng là thể hiện của sự thay đổi cách nghĩ để từ đó thay đổi hành động nhằm đem đến một kết quả tích cực, thực chất, hiệu quả-là cách làm lâu nay trên một số lĩnh vực mà thành phố đã nghĩ và làm được.

Từ ý tưởng đó, có thể nhìn lại rằng, công tác giảm nghèo vẫn còn những lỗ hổng mà lâu nay nhiều người không dám nhìn thẳng vào đó. Chỉ có chính quyền ở cơ sở là phải chịu nhiều áp lực trước những chỉ tiêu mang tính hình thức này và dĩ nhiên, hậu quả là người nghèo “phải thoát nghèo” lãnh đủ. Ví dụ, trên thực tế, số người nghèo ở vài địa phương có lúc tăng lên chứ không thể giảm đi theo chỉ tiêu được giao như phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu), phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà)… do các địa bàn này thường xuyên phải hứng chịu làn sóng người nghèo di cư đến trong quá trình giải tỏa, chỉnh trang đô thị. Thế nhưng, theo chỉ tiêu được giao hằng năm, lãnh đạo các địa phương này phải nghĩ ra “con số đẹp” để giảm tỷ lệ hộ nghèo, trong khi chính họ cũng không muốn làm việc đó! Việc giao chỉ tiêu, cũng gây không ít khó khăn cho chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư trong việc bình xét hộ nghèo hằng năm, bởi khoảng cách giữa hộ nghèo và không nghèo rất mong manh, trong khi các chính sách hỗ trợ như bảo hiểm y tế, miễn giảm học phí, vay vốn… lại rất khác nhau.

Cũng cần thấy rằng, việc nhìn nhận đúng thực chất và nêu lên vấn đề là rất quan trọng; thế nhưng điều quan trọng hơn là cần nghiên cứu, phản biện và bắt tay vào thực hiện ý tưởng đó một cách hiệu quả. Trong ý tưởng mới về giảm nghèo của lãnh đạo ngành lao động-thương binh-xã hội thành phố, cần phải tính toán đến các yếu tố liên quan như: Quá trình chỉnh trang đô thị tác động đến làn sóng di cư của người nghèo giữa các địa phương, mối quan hệ cộng đồng dân cư; nhận thức và hành động của chính quyền địa phương về công tác giảm nghèo; xóa bỏ tâm lý trông chờ, ỷ lại của một bộ phận người nghèo…

Anh Quân
;
.
.
.
.
.