Di tích lịch sử - văn hóa Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng, được xếp hạng cấp quốc gia từ năm 1980. Đó là tài sản quý giá của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, là một bộ phận của di sản văn hóa quốc gia.
Cán bộ Viện Nghiên cứu Hán – Nôm tìm hiểu di tích Chămpa trong động Huyền Không, Ngũ Hành Sơn. (Ảnh: V.T.L) |
Núi non, chùa chiền, hang động hòa quyện giữa cảnh trí thiên nhiên cùng với các di vật, cổ vật, văn bia, cổ tự, các nhóm tượng in đậm dấu tích văn hóa Đại Việt, văn hóa Chămpa đang hiện hữu tại Danh thắng Ngũ Hành Sơn là lớp trầm tích hội tụ các giá trị văn hóa trong kiến trúc, trong điêu khắc, là hơi thở, tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của ông cha ta trong buổi đầu đi khai hoang, mở đất.
Tấm kim bài hình trái tim của vua Minh Mạng ban tặng chùa Tam Thai, cột gỗ lim neo thuyền khi nhà vua vi hành đến Ngũ Hành Sơn còn lưu giữ tại chùa Quan Âm, đền thờ Công chúa Ngọc Lan (em gái vua Minh Mạng), đền thờ Công chúa Huyền Trân, các văn bia trên Vọng Giang đài, Vọng Hải đài, cổng trụ biểu bằng đá sa thạch trên đường lên Thủy Sơn… đã mang lại phần nào sự khả tín đối với những truyền thuyết dân gian, tạo nên sức hấp dẫn cho Ngũ Hành Sơn.
Làng đá mỹ nghệ Non Nước là một trong những làng nghề truyền thống tồn tại và phát triển trên 300 năm nay. Từ các thế kỷ trước, những thợ điêu khắc đá nơi đây, qua bàn tay điêu luyện của mình, đã để lại những tác phẩm, những công trình có giá trị nghệ thuật cao. Thời nhà Nguyễn, cụ Huỳnh Văn Nên được triều đình chiêu mộ về điêu khắc, trang trí lăng Tự Đức và được phong hàm Cửu phẩm.
Ngoài các giá trị văn hóa vật thể, Ngũ Hành Sơn còn là vùng đất khai sinh các giá trị văn hóa phi vật thể thông qua các lễ hội và sinh hoạt văn hóa dân gian như: Lễ hội Làng đá tại Hòa Hải, Lễ hội Vu lan tại động Âm phủ, Lễ hội Quán Thế Âm tại chùa Quan Âm. Với quy mô và nội dung, hình thức tổ chức, Lễ hội Quán Thế Âm đã trở thành là một trong 15 lễ hội cấp quốc gia.
Nằm giữa các Di sản văn hóa thế giới gồm Huế-Hội An-Mỹ Sơn, Ngũ Hành Sơn như một nàng tiên bước ra từ quả trứng rồng thần thoại, những mảnh vỡ từ quả trứng hoang đường ấy hóa thân thành năm hòn núi ngọc như năm khối vàng ròng mà tạo hóa đã hào phóng ban tặng cho con người, cho Đà Nẵng.
Từ khi Luật Di sản văn hóa có hiệu lực, Ban Quản lý Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn càng thực hiện nghiêm túc hơn việc quản lý, khai thác, sử dụng khu danh thắng để phục vụ khách tham quan du lịch. Ban đã cùng với Bảo tàng Đà Nẵng, các cơ quan chức năng đề ra các giải pháp hữu hiệu hơn nhằm bảo tồn, trùng tu, tôn tạo để Ngũ Hành Sơn nguyên vẹn những giá trị vốn có.
Trước di sản văn hóa, từ ý thức đến trách nhiệm không những thuộc về những người làm công tác quản lý mà là ý thức trách nhiệm của cả cộng đồng xã hội. Những gì làm được cho Ngũ Hành Sơn hôm nay chỉ là những đóng góp nhỏ bé trong quá trình tiếp biến văn hóa để bồi đắp, vun bồi cho kho tàng văn hóa địa phương thêm đa dạng, phong phú.
Lê Quang Tươi