.

Xếp hàng chờ xếp hạng

.

Theo cán bộ Phòng Quản lý di sản - Bảo tàng Đà Nẵng, năm 2010 có thêm 4 di tích trên địa bàn có giá trị về mặt niên đại, kiến trúc nghệ thuật, lịch sử - văn hóa… được xét duyệt xếp hạng di tích cấp thành phố.

Mô tả ảnh.
Đình làng đã góp phần khôi phục những nét văn hóa truyền thống dân tộc. (Ảnh: V.T.L)

Đó là các di tích: đình Khuê Bắc (phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn), đình Hòa Mỹ (Hòa Minh, Liên Chiểu), miếu Cây Sung (Tổ 29, Hòa Thọ Đông, Cẩm Lệ) và đình Phước Hưng (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang). Ngoài ra, còn có không ít di tích đang chờ được xếp hạng, tiêu biểu như đình Phước Lý (phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu), Nhà thờ Làng nghề cá Thanh Khê (Thanh Khê Đông, Thanh Khê), Lăng Ông Kim Liên (tổ 14, Hòa Hiệp Bắc, Liên Chiểu)…

Di tích và truyền thống

Các di tích này, cán bộ Phòng Quản lý di sản (Bảo tàng Đà Nẵng) cho biết, đều có kiểu dáng kiến trúc đơn giản, hoa văn họa tiết trang trí giản dị. Thời gian, tác động của môi trường tự nhiên khắc nghiệt và sự tàn phá của chiến tranh đã làm một số di tích xuống cấp trầm trọng, một số đã được trùng tu lại một phần hoặc xây mới toàn bộ nhưng vẫn giữ được các yếu tố kiến trúc truyền thống.

Miếu Cây Sung hay còn gọi là miếu “Trung Sơn thượng ấp”, theo lời các cụ, xuất hiện khoảng giữa thế kỷ XV. Đây là nơi hội họp của cán bộ cách mạng nằm vùng với số đảng viên cơ sở chuẩn bị cho tổng tuyển cử hiệp thương trong những năm 1955 – 1957. Các sắc phong, hồ sơ liên quan đến miếu đều bị tiêu hủy hoàn toàn trong cuộc kháng chiến chống Pháp.

Khi biết tin miếu Cây Sung là một trong 4 di tích đang được xét duyệt xếp hạng là di tích cấp thành phố, cụ Lê Đông, ban quản lý di tích miếu Cây Sung phấn khởi: “Mừng lắm cháu ạ, cuối cùng thì tâm huyết của những người trong làng cũng được đền đáp.

Miếu sẽ được quan tâm, bảo vệ, không lo bị di dời, xâm phạm nữa. Con cháu trong làng cũng hiểu thêm được lịch sử, thuần phong mỹ tục qua những lễ hội, lễ bái…”.

Đình Hòa Mỹ không biết có tự bao giờ. Năm 1946, đình bị Pháp phá hủy, tháo dỡ các cấu kiện gỗ mang ra làm cầu, đường cho xe của chúng tiến quân. Mãi đến năm 1970, cụ Nguyễn Phúc cùng một số bô lão trong làng đứng ra vận động xây dựng lại đình để có nơi kính ngưỡng tiền nhân. Tháng 5-2006, đến lượt ngôi đình này xuống cấp, hư hỏng, phải tháo dỡ để xây mới theo kiến trúc cũ nhưng với quy mô lớn hơn.
Khi biết tin đình được xét duyệt xếp hạng trong năm nay, cụ Nguyễn Nghĩa (81 tuổi), Trưởng các gia tộc làng Hòa Mỹ, Trưởng ban Tổ chức Lễ hội đình làng Hòa Mỹ không giấu niềm vui: “Đó là niềm vinh dự lớn nhất cho các tộc họ và nhân dân Hòa Mỹ. Đây chính là cái gốc để giữ lại truyền thống uống nước nhớ nguồn của con cháu trong làng”.

Trùng tu và… chờ

Hiện nay, việc tu bổ các di tích gần như hoàn toàn dựa vào ngân sách địa phương và sự đóng góp của nhân dân theo kiểu “có được đến đâu làm đến đó”, dẫn đến tình trạng nhiều nơi làm chưa đúng với kiến trúc truyền thống hoặc phần lớn đã bị bê-tông hóa.

Miếu Cây Sung, theo ông Lê Kim Anh, cán bộ văn hóa – xã hội phường Hòa Thọ Đông, chiến tranh và thiên tai đã làm miếu xuống cấp trầm trọng. Cơn bão Xangsane năm 2006 đã quật ngã cây đa gần 500 tuổi đằng sau miếu, cành nhánh đập vỡ hết phần ngói trên nóc. Xót xa, bà con cùng nhau chung sức tu sửa lại, vẫn giữ nguyên kích thước, mẫu mã, kiến trúc như trước. Tuy nhiên do kinh phí có hạn, phần ngói âm dương đã phải thay bằng tôn dập giả ngói. Những người cao tuổi như cụ Lê Đông vẫn ao ước “có thêm kinh phí lợp lại ngói âm dương để phục hồi kiến trúc miếu trở về nguyên trạng, để con cháu thế hệ sau biết rõ hơn về lịch sử của xóm làng”.

Đình làng Phước Hưng có trên 284 năm, đã được trùng tu nhiều lần từ tranh tre nứa lá ban đầu. Sau đợt trùng tu năm 2006 theo kiến trúc cổ bằng kinh phí bà con trong vùng, đình đã khang trang, bề thế hơn. Ông Phạm Toán (70 tuổi), trưởng ban quản lý đình Phước Hưng cho biết: “Trùng tu rồi, bà con phân công người trông giữ, quản lý, quét dọn, thắp hương vào ngày rằm, mùng một. Thấy trong xã có nhiều đình làng được xếp hạng cấp thành phố, bà con trong làng ai cũng háo hức chờ đến phiên đình làng mình được xếp hạng”.

Thực tế cho thấy, do kinh phí hạn hẹp, nhiều di tích tu sửa theo kiểu “nóng đâu phủi đó” nên chưa đồng bộ, chưa đảm bảo chất lượng theo yêu cầu và luôn trong tình trạng xuống cấp, khi làm hồ sơ để xếp hạng di tích luôn trong tình trạng “chờ”. Đơn cử như miếu Cây Sung, đã làm hồ sơ một lần vào năm 2002 – 2003, khi miếu chưa bị bão phá hỏng, do chưa hoàn chỉnh nên chưa được… xét đến. Mãi đến năm 2009 làm hồ sơ hoàn chỉnh thì miếu đã được dân làng trùng tu từ năm... 2006!

Phần lớn các di tích trên địa bàn thành phố đều được trùng tu dựa trên cái cũ, tuy nhiên cũng có một số di tích không giữ được quy mô và kiến trúc như ban đầu. Tuy xét về góc độ kiến trúc nghệ thuật (vật thể) thì các di tích này chưa đạt nhưng về giá trị tinh thần (phi vật thể) thì đóng góp của chúng đối với đời sống văn hóa của người dân địa phương là to lớn thông qua các lễ hội được duy trì hằng năm.

 Năm 1994, đình làng Hòa Mỹ được biết đến với “kỷ lục” là địa phương đầu tiên trên đất Đà Nẵng khôi phục lễ hội đình làng, mở đầu cho việc khôi phục hội làng ở nhiều địa phương khác, góp phần làm phong phú đời sống văn hóa tâm linh, văn hóa tinh thần cho người dân. Và, một khi di tích nói chung, đình làng nói riêng được xếp hạng thì có nghĩa rằng, lịch sử - văn hóa truyền thống của dân tộc đang được cẩn trọng bảo tồn.

THU HÀ

 

;
.
.
.
.
.