.
Chuyện xưa xứ Quảng

Hai người Quảng Nam và hai lá cờ Tổ quốc

.

Ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ thất thủ. Năm 1862, triều đình nhà Nguyễn bất đắc dĩ phải cắt đất để nhường cho Pháp. Năm 1863, nhà vua cử một Sứ bộ do Tổng đốc Vĩnh Long Phan Thanh Giản (người Ba Tri, Bến Tre) làm Chánh sứ, Tham tri Bộ Lại Phạm Phú Thứ (Điện Bàn, Quảng Nam) làm Phó sứ và Án sát Quảng Nam Ngụy Khắc Đản (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) làm Bồi sứ, mang theo rất nhiều lễ vật sang Pháp để xin chuộc lại ba tỉnh đã mất.

 

Mô tả ảnh.
Cụ Phạm Phú Thứ, Phó sứ trong Sứ bộ đi Pháp năm 1863. (Ảnh tư liệu)

Trên danh nghĩa là Chánh sứ nhưng Phan Thanh Giản lúc này đã già yếu (68 tuổi) lại không chịu nổi sóng gió, nên mọi việc trong đoàn đều do Phạm Phú Thứ quán xuyến.

Ngày 21-6-1863, Sứ bộ đi nhờ trên tàu Echo của Pháp vào Sài Gòn, ba ngày sau vào đến Gia Định. Sau 5 ngày thăm viếng Sài Gòn, sứ đoàn được Súy phủ Sài Gòn đặt tiệc tiễn hành và chuyển sang tàu Européen lớn hơn để tiếp tục cuộc hành trình.

Sau hơn một tháng lênh đênh trên biển, ngày 17-8 tàu đến cảng Suez, địa phận Ai Cập. Khi tàu sắp vào cảng, Rieunier, viên sĩ quan Pháp có nhiệm vụ hướng dẫn đoàn cho biết là bắt đầu từ đây sang Pháp, những nơi Sứ bộ đi qua đều có bắn đại bác để chào mừng, vì vậy đoàn cần giương cờ để đáp lễ. Phạm Phú Thứ có thuật lại việc này trong “Tây hành nhật ký”:

“Mồng 5 giờ Thân, Lãnh sự Pháp ở Khu-et (Suez) là E-vi-gia-a cùng Phó lãnh sự ở Le-xong (Alexandrie) là Kha-lôi-ni-y đáp một chiếc xuồng máy đến mời thần đẳng lên bộ. Trước khi sắp sửa lên bộ, quan viên trong tàu ngỏ lời từ biệt, binh sĩ đứng xếp hàng trước cột buồm, hô to khẩu hiệu: “Vi-vơ-ưng-phi-giơ” (Vive l’Empereur, nghĩa là chúc Quốc vương trường thọ). Hô xong năm lần, lá cờ Khâm sứ được từ từ kéo lên ở cột buồm chính giữa. Nguyên khi tàu sắp vào cảng thì Ly-a-nhe cho biết rằng: “Đây sang Pháp, những nơi nào Sứ bộ đi qua sẽ đều có nổ súng đón chào. Vì thế cần phải có cờ Sứ bộ trương lên đáp lễ”. Thần đẳng trả lời: “Chúng tôi hiện chỉ đem theo có lá quốc kỳ”. Viên đó xem xong bảo rằng: “Cờ này về phần màu sắc, lẫn lộn với cờ các nước, sợ khó phân biệt, vậy xin Sứ bộ viết thêm mấy chữ của quý quốc vào đó thì hơn”. Thần đẳng nghe viên ấy nói như vậy, bàn nhau lấy ngay tơ đỏ thêu thêm bốn chữ “Đại Nam khâm sứ” vào giữa quốc kỳ, rồi treo lên cột buồm giữa, còn cờ của nước Y-Diệp (Egypte – Ai Cập) thì treo ở trước mũi tàu”.

Nên nhớ nước ta vào thời đó không có cờ riêng, chỉ nhà vua mới có lá cờ màu vàng. Vì thế việc treo cờ để bắn đại bác chào mừng là một nghi thức mới và còn xa lạ. Do vậy nhiều người thắc mắc không biết ngày ấy Phạm Phú Thứ lấy đâu ra cờ và lá cờ mà ông treo lên có màu sắc, hình dạng như thế nào.

Chung quanh sự việc này có nhiều giả thiết và giai thoại lý thú.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân thì đó là chiếc khăn gói trầu của cụ Phan Thanh Giản còn mới được tạm dùng trong lúc cấp bách (theo sáng kiến của Lương Doãn, người hầu của cụ Phan Thanh Giản). Có tài liệu lại bảo đó là chiếc khăn màu đỏ dùng để phủ lên các chiếc quả đựng lễ vật theo sáng kiến của cụ Phạm Phú Thứ.

Gần đây theo một vài thông tin trên Internet cho rằng đó là lá cờ màu vàng được vua Tự Đức ban cho Sứ bộ và sau này Hoàng đế nước Pháp là Napoléon III đã thừa nhận lá cờ này là quốc kỳ chính thức của Đại Nam.

 

Mô tả ảnh.
Nguyễn Trọng Hiền cắm cờ ở Nam Cực tháng 9-1994. (Ảnh do nhân vật cung cấp)

Giả thiết về chiếc khăn trầu của Phan Thanh Giản và chiếc cờ màu vàng của Tự Đức ít người chấp nhận vì chiếc khăn trầu thì quá nhỏ, còn lá cờ của Tự Đức màu vàng, nhưng theo “Tây hành nhật ký” thì lá cờ của Sứ bộ là màu đỏ, trùng với màu cờ của Ai Cập treo ở mũi tàu.

Màu sắc và nguồn gốc của lá cờ thì còn bàn cãi nhưng chắc chắn một điều là lá cờ mà Phạm Phú Thứ treo lên cột buồm của tàu Européen ngày đó là lá cờ đầu tiên biểu trưng cho nước Việt Nam được thế giới biết đến và họ đã bắn 19 phát đại bác để chào mừng.

131 năm sau, một người Quảng Nam khác cũng đã mang cờ Tổ quốc lần đầu tiên treo ở tận Nam Cực. Đó là tiến sĩ Nguyễn Trọng Hiền, sinh năm 1963 tại Hải Châu, Đà Nẵng. Anh là học sinh Trường THPT Trần Phú Đà Nẵng, sau đó sang Hoa Kỳ và tốt nghiệp tiến sĩ tại Đại học Princeton. Hiện anh công tác ở phòng thí nghiệm sức đẩy phản lực thuộc Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA), đồng thời là giáo sư về vật lý tại Viện Công nghệ California, Hoa Kỳ. Vào tháng 9-1994, trong lần công tác thứ 2 lên Nam Cực, anh đã tự may một lá cờ Tổ quốc và đem treo ở đó.

Điều trùng hợp khá lý thú là hai người Quảng Nam lần đầu tiên treo cờ Tổ quốc ra thế giới đều là vào khoảng tháng 9 dương lịch và đều là hai lá cờ tự làm. Phạm Phú Thứ đã cho thêu thêm 4 chữ “Đại Nam Khâm sứ” vào cờ, còn Nguyễn Trọng Hiền lại tự tay may lấy.

LÊ THÍ

;
.
.
.
.
.