.

Nơi gặp nhau của hai dòng sông

.
Trong thinh không sực nức hương hoa, tôi chạm vào khoảng mỏng manh của tâm hồn như tỉnh như say giữa không gian xa lạ. Đó là cảm giác mơ hồ, hoang mang tôi có được như nỗi hẹn hò từ thuở trước, khi đặt chân xuống sân bay quốc tế Pochentong của thủ đô Phnom Penh.

Mô tả ảnh.
Trước tượng đài tưởng niệm quân tình nguyện Việt Nam.
PUC-con cá nhỏ vẫy vùng giữa biển lớn

Như một sự tình cờ đầy cố ý, tôi có mặt trong đoàn công tác của ĐH Đông Á (Đà Nẵng) sang làm việc với ĐH Quốc tế PUC (Pannasastra University of Cambodia) - một mô hình giáo dục đào tạo từ cấp 1 đến thạc sĩ, dạy bằng tiếng Anh đầu tiên ở Campuchia. PUC được thành lập vào năm 1997 và đi vào hoạt động từ 1-1-2000, bởi một nhóm người Campuchia sống tại Mỹ.

PUC được điều hành bởi một Hội đồng Quản trị được bổ nhiệm bởi các cổ đông lớn và các viện sĩ hàn lâm, bên cạnh một Hội đồng cố vấn học thuật. Khóa đầu (2000 - 2001) chỉ có 100 sinh viên chia thành ba lớp, nay đã có 600 lớp với hơn 20.000 học viên, trong đó có 16.000 học sinh phổ thông và dự bị ĐH, 5.000 sinh viên ĐH, 350 học viên cao học. PUC giảng dạy bằng tiếng Anh cho tất cả các môn học và đã áp dụng chương trình chuẩn quốc tế được các nước có nền giáo dục tiên tiến như Mỹ, Đức, Anh, Pháp, Nhật Bản thừa nhận. Học sinh phổ thông được đào tạo ở đây, có thể vào học bất kỳ trường ĐH nào trên thế giới mà không cần phải đào tạo lại. 50% đội ngũ giảng viên đến từ nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Canada, Úc, Đức, Pháp, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Philipines. Những năm qua, trường đã có quan hệ hợp tác với nhiều trường ĐH nổi tiếng ở Ý, Úc, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên, trong đó có ba trường lớn ở Mỹ là University of Massachusetts at Lowell, Troy University of Alabama, California State University and Dominguez Hills.

Về cơ sở vật chất, trường có bảy cơ sở đóng ở nhiều khu vực trung tâm ở thành phố Phnom Penh và hai cơ sở ở hai tỉnh lớn thứ nhì và thứ ba là Battambang và Siem Riep. Giáo sư-Tiến sĩ Cha San Chanthan, Chủ tịch Hội đồng Quản trị PUC cho biết: “Nền tảng cho sự thành công của chúng tôi là có sự chuẩn bị tốt về tiếng Anh ở hệ phổ thông trước khi vào ĐH, tạo điều kiện cho người học tiếp cận được tri thức hiện đại một cách trực tiếp, nhanh nhất và tốt nhất. Tốt nghiệp trường này có thể làm việc ở bất cứ quốc gia nào”.

Mô tả ảnh.
Tháp Chàm bốn mặt tại trung tâm thành phố Phnom Penh.
 
Khởi đầu cho một mối quan hệ

Bắt đầu là một trường Trung cấp đào tạo nghề, sau đó lên Cao đẳng rồi trở thành ĐH, từ năm 2007 ĐH Đông Á được công nhận là một thành viên trong hệ thống giáo dục ĐH của cả nước. Từ đó đến nay, Ban lãnh đạo ĐH Đông Á đã không ít lần tham quan học hỏi, có mối quan hệ hợp tác với một số trường ĐH ở nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Anh, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan. Nhưng với điều kiện kinh tế-xã hội còn quá thấp như nước ta, những mô hình đào tạo ở các nước đó không thể vận dụng phù hợp.

Nhớ lại thời Campuchia dân chủ, người trí thức Campuchia đã bị săn đuổi một cách tàn nhẫn, bị lao động khổ sai và giết chết cùng với toàn bộ gia đình của họ. Trong số hơn ba triệu người bị hành quyết, không ít người “mang tội vì nói tiếng nước ngoài”. Thạch Dara, hướng dẫn viên du lịch cho chúng tôi ở Siem Reap, trước học bậc phổ thông ở Trà Vinh, sau học ĐH ở Phnom Penh, nhưng dưới thời Khmer đỏ đã bị bắt lao động khổ sai, anh phải giả vờ bị bệnh tâm thần mới thoát chết. Sự hồi sinh của Campuchia hiện nay, có thể nhìn thấy ở lĩnh vực ngôn ngữ. Tất nhiên ở trường quốc tế PUC, mọi người đều có thể sử dụng tiếng Anh, kể cả người giữ xe, người nhận giữ điện thoại di động cho sinh viên, đến lao động tạp vụ và nhân viên vệ sinh. Trên đường phố, tất cả các tên đường, các bảng hiệu đều viết bằng hai thứ tiếng Khmer và tiếng Anh, kể cả các hiệu giặt là quần áo cho đến bến đỗ xe tuk tuk (xe lôi)... Họ coi tiếng Anh là công cụ để hội nhập với thế giới. Tuy sử dụng tiếng Anh phổ biến, nhưng người Campuchia vẫn giữ truyền thống dân tộc. Bằng chứng là ở PUC, trong chương trình đào tạo quốc tế, chỉ những môn khoa học tự nhiên mới dạy trực tiếp bằng tiếng Anh, còn những môn khoa học xã hội vẫn dạy bằng tiếng Khmer.

Đối với ĐH Đông Á, ngoài cơ sở đào tạo ở Đà Nẵng còn có chi nhánh ở các tỉnh như Daklak, Gialai, Quảng Nam, Quảng Ngãi và đang chuẩn bị mở rộng ra các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Khánh Hòa. Vì vậy, khi bắt gặp mô hình của PUC, ĐH Đông Á đã tiếp nhận và vận dụng. Bà Nguyễn Thị Anh Đào, Hiệu trưởng Trường ĐH Đông Á cho biết: “Tại PUC, chúng tôi thấy không chỉ làm tốt việc giảng dạy và giao tiếp trong nhà trường bằng tiếng Anh, mà còn ở mức thu học phí với giá thấp, phù hợp với mức sống của con em lao động”.

Tổ chức ĐH quốc tế ở Việt Nam không phải là mới, nhiều nơi ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh cũng đã làm, nhưng cái mới của ĐH Đông Á là lấy Đà Nẵng làm trung tâm, các cơ sở ở các tỉnh chỉ là vệ tinh để tạo nguồn cho một trường ĐH tương lai mang tầm vóc quốc tế. Đó là tính khả thi của một tầm nhìn chiến lược trong tương lai.

Trong bài phát biểu của GSTS. Kol Pheng, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị PUC, khẳng định: “Hai nước chúng ta có truyền thống văn hóa - lịch sử tương đối giống nhau. Xuất phát từ lối sống, ăn ở, nghề nghiệp, lại từng cùng bị thực dân Pháp xâm lược. Mục tiêu của chúng ta là làm sao xây dựng niềm tin cho thế hệ tương lai, không phải là vấn đề chính trị, mà là văn hóa, là con người, thông qua sự nghiệp giáo dục”.

PHẠM PHÚ PHONG
;
.
.
.
.
.