Đà Nẵng hiện có 17.032 người thuộc 9 nhóm đối tượng bảo trợ xã hội (BTXH) sống tại cộng đồng (do xã, phường quản lý) được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng theo Quyết định số 21/2010/QĐ-UBND ngày 19-7-2010 của UBND thành phố về chính sách trợ giúp các đối tượng BTXH trên địa bàn. Chủ trương của thành phố là từng bước nâng dần mức trợ cấp để cả những hộ nghèo lẫn những hộ đặc biệt khó khăn cũng có thể có một cuộc sống có chất lượng hơn.
Đi tìm nguồn hỗ trợ ngoài ngân sách
Với chính sách an sinh xã hội của thành phố, nhiều người như anh Lãi thoát nghèo bền vững.
Quận Ngũ Hành Sơn hiện có 1.456 đối tượng được nhận trợ cấp hằng tháng theo QĐ 21. Bà Mai Thị Nga, Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận cho rằng, với mức trợ cấp hiện nay (thấp nhất là 180 nghìn đồng/người/tháng) thì cũng chỉ ở mức tối thiểu đối với nhu cầu bản thân của các đối tượng, muốn nâng cao chất lượng cuộc sống cho họ, quận đã tranh thủ nguồn tài trợ của các tổ chức phi chính phủ. Trong đó, đáng kể nhất là Tổ chức Trẻ em Việt Nam (Children of Vietnam) tại Đà Nẵng với Dự án “Hy vọng cho người khuyết tật”, giúp cho 100 đối tượng là người khuyết tật từ 5-25 tuổi.
Qua 2 năm triển khai, Dự án đã can thiệp nhiều mặt cho người khuyết tật: can thiệp chuyên sâu về y tế, khám và đưa ra những biện pháp nâng cao thể trạng; cải tạo môi trường sống như nâng cấp công trình vệ sinh, nhà bếp, xây nhà mới, sửa nhà xuống cấp...; phụ nữ có con khuyết tật được vay vốn không lãi, hỗ trợ phương tiện làm ăn như con giống, xe bánh mì, nồi nấu sữa…
Huyện Hòa Vang, với 4.001 đối tượng hiện được nhận trợ cấp hằng tháng theo QĐ 21, cũng đã chọn cách làm tương tự như thế. Ông Trần Văn Hà, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết, chỉ riêng trong năm ngoái, các tổ chức phi chính phủ như Trẻ em Việt Nam, Tầm nhìn Thế giới khu vực Hòa Vang, AOG... đã hỗ trợ về nhiều mặt cho người nghèo, người đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện với mức kinh phí trên 3 tỷ đồng. Ngoài ra, Đảng ủy khối Doanh nghiệp thành phố hỗ trợ gần 2 tỷ đồng về sinh kế cho 209 hộ đặc biệt nghèo trên địa bàn.
Anh Ngô Văn Lãi ở thôn Phú Hòa 2, xã Hòa Nhơn, bị bệnh đau cột sống, vợ đau dạ dày. Năm 2007, anh được hỗ trợ 15 triệu đồng xây nhà, cuối năm 2009 được cấp một con bò, Tết 2010 được cấp thêm 8 triệu đồng (hai đợt) để tổ chức nuôi heo, gà. Có nhà, có việc làm, có thu nhập, bệnh tự nhiên giảm dần. Ông Bùi Tấn Sĩ, cán bộ xóa đói giảm nghèo xã Hòa Nhơn nhận xét: Ngoài chăn nuôi, vợ chồng anh còn đi làm thuê, nuôi 3 đứa con ăn học, nay đã thoát nghèo.
Chị Trần Thị Thanh Ba ở thôn Bồ Bản 1, xã Hòa Phong, có hai con, chồng bị bệnh tâm thần không tự phục vụ được. Năm 2008, chị được tặng nhà tình thương; năm sau được hỗ trợ 5 triệu đồng để làm chuồng và nuôi heo. Bán heo, chị mua máy bơm nước lên đổ nước thuê, làm vệ sinh quầy hàng cho các hộ bán cá, thịt, mua 10 cái cân cho những người buôn bán nhỏ thuê hằng ngày ở chợ Túy Loan. Bà Trần Thị Duẫn, cán bộ xã Hòa Phong cho biết, hiện mỗi ngày chị Ba thu nhập ổn định được 100 nghìn đồng, trong tương lai sẽ thoát nghèo bền vững.
Thêm mức trợ cấp xã hội tại cộng đồng
Ông Lê Văn Thơ, 56 tuổi, ở tổ 36 phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, bị cụt chân trái, trước còn lọ mọ đi mài đá mỹ nghệ, mấy năm trở lại đây sức yếu phải nghỉ lao động. 3 con ông đã lớn, vợ ông làm nội trợ, nhà còn có một mẹ già mất sức. Hôm trước, ông Nguyễn Cất, cán bộ văn hóa – xã hội phường gặp ông, hướng dẫn ông làm đơn xin trợ cấp BTXH hằng tháng theo Quyết định 21. Ông Thơ vui mừng ra mặt: “Chưa biết mức trợ cấp chừng mô, nhưng nghe nói được hưởng chính sách của thành phố là cả nhà vui rồi”.
Hiện vẫn có nhiều người như ông Thơ không biết rằng diện đối tượng hưởng BTXH (theo Quyết định 21) ở Đà Nẵng đã được mở rộng hơn so với Trung ương (quy định tại Nghị định 13/NĐ-CP). Bà Nguyễn Thị Thu Hương, Trưởng phòng BTXH – Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Sở LĐ-TB&XH thành phố Đà Nẵng) đơn cử như các đối tượng nhóm 1 (trẻ em), nhóm 2 (người cao tuổi) và nhóm 6 (người có HIV), Trung ương quy định phải thuộc hộ nghèo, nhưng Đà Nẵng mở rộng ra cả hộ nghèo lẫn hộ đặc biệt khó khăn. Nhóm 3, Trung ương quy định người cao tuổi từ 85 tuổi trở lên không có lương hưu hoặc trợ cấp BHXH được hưởng mức trợ cấp 180 nghìn đồng/người/tháng, nhưng thành phố quy định làm 4 mức từ 180 đến 300 nghìn đồng/người/tháng.
Bà Hương cho hay, theo chỉ đạo của UBND thành phố, Sở LĐ-TB&XH đang soạn thảo QĐ sửa đổi, bổ sung QĐ 21/QĐ-UBND theo hướng tăng mức trợ giúp các đối tượng BTXH trên địa bàn thành phố lên 15% so với mức trợ giúp đang thực hiện. Tất cả đang ở bước hoàn thiện cuối cùng về pháp lý trước khi trình UBND thành phố phê duyệt và, theo bà Hương, 17.032 đối tượng BTXH đang hưởng trợ cấp tại cộng đồng sẽ được tính tiền tăng 15% này ngay từ ngày 1-1-2011.
Với mức tăng 15% trợ cấp xã hội này, bà Mai Thị Nga hy vọng rằng sẽ góp phần giảm hộ nghèo ở Ngũ Hành Sơn từ 10,4% xuống còn 7 - 7,5% trong năm nay theo Nghị quyết của Đảng bộ quận. Ông Trần Văn Hà thì cho rằng, việc HĐND thành phố quyết định tiếp tục lấy năm 2011 là “Năm giải tỏa, đền bù, bố trí tái định cư và an sinh xã hội” cùng với những chính sách hỗ trợ cho đối tượng BTXH sẽ giúp cho người nghèo ở Hòa Vang thoát nghèo bền vững hơn.
17.032 đối tượng BTXH đang được hưởng trợ cấp theo QĐ 21 với tổng kinh phí 3,537 tỷ đồng/tháng (42,449 tỷ đồng/năm), nếu tăng thêm 15% thì tổng kinh phí là 4,101 tỷ đồng/tháng (49,215 tỷ đồng/năm).
QĐ 21 quy định người cao tuổi (NCT) từ 85 tuổi trở lên mà không có lương hưu hoặc trợ cấp BHXH thì được trợ cấp xã hội hằng tháng. Nếu hạ mức tuổi NCT được hưởng trợ cấp xuống 80 theo Luật NCT (có hiệu lực từ ngày 1-1-2011) thì toàn thành phố có khoảng 4 nghìn người từ 80 - 84 tuổi đủ điều kiện được hưởng với kinh phí 840 triệu đồng/tháng (10 tỷ đồng/năm).
Nguồn: Sở LĐ-TB&XH thành phố Đà Nẵng
VĂN THÀNH LÊ