.

Lãng du vùng cao Bắc Hà

.
Mù sương lớp lớp, mận tam hoa nở trắng trên những sườn non chìm khuất trong sương sớm, chỉ có tiếng cười tiếng nói của các thiếu nữ H’mông, Dao, Tày, Phù Lá… xôn xao trên đường tưởng chừng khuấy động cái lớp mây mù đặc quánh trên khắp núi non thôn bản kia.
 
Mô tả ảnh.
Tác giả và thiếu nữ H’Mông.
 
Đường từ Bản Phố, đường từ Nậm Mòn, Nậm Đét, từ Lùng Phìn, Tà Chãi, Tả Củ Tỷ…, mọi con đường trên đỉnh non cao, lưng chừng núi thấp hay dưới thung sâu, tất cả thức giấc, tất cả xuôi về Bắc Hà. Họp chợ phiên đông một, họp chợ Tết đông mười, núi rừng thâm nghiêm và bí ẩn bỗng dưng bừng nở huyền ảo trong cái giá rét. Không chỉ rừng mận, rừng táo, vườn hồng và hoa hoang cỏ dại thiên nhiên tốt tươi mà người cũng trổ hoa, ô dù, váy xòe áo hoa rực rỡ các màu sắc như những cành hoa dắt dìu di động, như những ánh lửa ấm áp xua cái mùa đông giá rét nhanh qua. Từng tốp từng đoàn sông suối chảy về phiên chợ Tết Bắc Hà, mà nào nam thanh nữ tú không đâu, những người mẹ địu con trên lưng, những chú ngựa thồ và cả những chiếc Win, chiếc Wave, nam nữ đèo chở nhau từ các bản xa, vượt qua những đỉnh núi bềnh bồng mây trắng cho kịp ngày hội chợ Tết.

Bạn đã nghe tên gọi vùng cao Bắc Hà lần nào chưa? Đến Lào Cai – vùng đất biên giới địa đầu của đất nước, người ta đã quen thuộc với cái địa chỉ Sapa trên non cao. Sapa tuyết rơi, Sapa thị trấn lung linh trong sương mờ. Thậm chí tuổi tên Sapa như cái khuyên son còn lấn lướt hơn cả thành phố Lào Cai - xứ sở thấm đẫm tình yêu trong câu hát Anh ở biên cương, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt. Vâng, Sapa ngày nay hiện đại lắm rồi, lâu đài khách sạn đan kín, những cô gái các dân tộc làm du lịch nói tiếng Tây như gió. Sapa cũng có chợ tình, nhưng là nơi để làm du lịch, một thứ sân khấu không đủ sức gieo vào tâm hồn người ta niềm xao xuyến.

Bắc Hà cũng là một cao nguyên của Lào Cai, một vùng đất nằm cách Lào Cai về phía Đông Bắc độ chừng 70 cây số. Chợ vùng cao Bắc Hà nức tiếng không phải vì sự ồn ã hiện đại, mà chính là nét hoang sơ của núi rừng chưa bị đánh mất, nó như một niềm bí mật được gieo vãi và lưu dấu trên khắp đất đai thôn bản, trên cả những gương mặt người nơi đây.

Tạp chí Serendib của Sri Lanka vừa có bài viết bình chọn và giới thiệu 10 chợ hấp dẫn nhất ở Đông Nam Á như chợ vùng cao Bắc Hà (Lào Cai - Việt Nam), chợ đêm Ban-ga, chợ Oangkê-li-an và chợ Gay-a (Ma-lay-xi-a), chợ Ti-ongba-ru (Sing-ga-po), chợ Luông-pa-băng (Lào), chợ Be-du-gun (In-do-ne-si-a), chợ Chat-tu-chac và chợ Chiềng Mai (Thái Lan), chợ di sản PhnômPênh (Cam-pu-chia). Tạp chí Serendib có con mắt tinh đời đã nhìn ra chợ vùng cao Bắc Hà  đứng hàng đầu trong danh sách bình chọn là chợ phiên “in đậm nét sinh hoạt cộng đồng của người các dân tộc vùng cao Tây Bắc Việt Nam. Lưu giữ những giá trị bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo, thu hút được đông đảo du khách trong và ngoài nước”.

Ở Bắc Hà có đến hơn 80% dân tộc thiểu số, trong số các sắc tộc đó người H’mông chiếm phân nửa, lại phần đông là H’mông Hoa, thế nên chợ phiên hằng tuần, và đặc biệt nhất là chợ Tết là cả một rừng hoa sáng rực nổi bật lên giữa trùng điệp núi rừng mênh mông. Mà nào chỉ phố chợ không đâu, còn trên khắp những đèo cao dốc thẳm, mọi con đường thôn bản lũ lượt các cô gái H’mông Hoa đi hội chợ Tết. Gọi đấy là những con đường hoa thì chẳng có gì là nói quá. Cánh đàn ông trai tráng thì chỉ độc có màu đen, những chiếc áo đen ba lá dài tận gối phủ bên ngoài, quần thì vải màu gì cũng được, lụp xụp chiếc bê-rê đen đội trên đầu, vậy thôi. Phái nữ mới đúng nghĩa là hoa của núi, là chủ nhân của cái đẹp ngàn đời của cả Đông Bắc và Tây Bắc. Vắng họ là vắng cái đẹp, vắng bếp lửa ấm, hoặc giả có lửa thì cũng là thứ lửa âm u lạnh lẽo, thiếu sức sống. Hãy vào một bản nào đó mà xem các mế, các chị dệt thổ cẩm.

Những bàn tay da dẻ gân guốc chai ra với nương rẫy, vậy mà khi xe sợi kéo chỉ dệt, thêu thùa từng tấm vải thổ cẩm, lập tức những ngón tay ấy trở nên mềm mại uyển chuyển như những nghệ sĩ múa tài hoa.

Thổ cẩm, không cần phải vào đến bản xa, chợ Tết Bắc Hà tràn ra đấy cả thôi. Cả vòng bạc, vòng đồng đeo tay, đeo cổ, khuyên tai và các thứ trang sức dành cho các thiếu nữ dân tộc. Đương nhiên hàng hóa trong các gian hàng người Kinh không thiếu thứ gì, ngày Tết lại càng chất đầy ra khắp lối đi. Hàng hóa từng loại xếp theo từng khu trong chợ, nơi này các cô gái H’mông bày ra cải mèo rau xanh, nơi kia người Dao bày các loại cây thuốc (dược liệu), mật ong. Những can rượu ngô Bản Hồ, rượu táo mèo người Thái, cho đến lợn cặp nách, gà, dê, cả chợ ngựa, chợ trâu, càng về trưa càng đông kín người, tất cả rợp trong sắc màu H’mông Hoa tràn ngập phố. Khu ẩm thực là ồn ả hơn cả. Nghe cái món thắng cố lạ đời trên các chợ vùng cao, nhưng tôi không còn thời gian để nhẩn nha thưởng thức, xe về xuôi đã giục ầm lên cả rồi.

Chợ Tết, và cả những phiên chợ phiên đông hằng tuần ở vùng cao Bắc Hà không chỉ là nơi mua bán trao đổi hàng hóa mà còn là ngày hội, ngày vui chơi, ngày gặp nhau hò hẹn. Nhiều chàng trai cô gái ở các làng bản chẳng mua bán gì cũng xúng xính đồ mới đổ về khu trung tâm Bắc Hà để được hội hè, đưa duyên, trao gửi tâm tình. Nét văn hóa độc đáo ở vùng cao Bắc Hà không dừng lại ở phiên chợ Tết mà còn kéo dài ra giêng. Cùng với hoa táo, hoa mận tam hoa nở trắng rừng là những lễ hội mùa xuân của các dân tộc H’mông, Dao, lễ hội Lồng tồng của người Tày… khắp nơi được tổ chức liền sau Tết Nguyên đán, kéo dài từ ba đến bảy ngày. Tất cả, hẹn thầm một ngày trở lại. Xe chạy lên đèo rồi mà mây núi vùng cao Bắc Hà còn ùa theo giăng giăng kín đường như tiễn tôi qua bên kia cổng trời.

Bút ký NGUYỄN NHÃ TIÊN
;
.
.
.
.
.