.

Cửa sổ tri thức: Thái sư hóa hổ

.
*Có một truyền thuyết ở Hồ Tây (Hà Nội) nói về việc một vị Thái sư hóa hổ đuổi theo vua nhà Lý. Xin cho biết vị Thái sư đó là ai? (Nguyễn Hùng, Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng).

Mô tả ảnh.
Ngai thờ Thái sư Lê Văn Thịnh. (Ảnh: Bee.net.vn)
- Đó là Thái sư Lê Văn Thịnh, được xem là “Đệ nhất khai khoa của Việt Nam”, người làng Đông Cửu, huyện Gia Định; nay là thôn Đông Cửu, xã Đông Cửu, huyện Gia Lương, Bắc Ninh.

Theo bài viết “Đệ nhất khai khoa của Việt Nam” đăng trên báo Khoa học Đời Sống Online ngày 9-4-2010 thì Lê Văn Thịnh đỗ đầu khoa thi “Minh kinh bác học và nho học tam trường” do vua Lý Nhân Tông chiếu mở năm Ất Mão, niên hiệu Thái Ninh thứ tư (1075). Đây là khoa thi nho học đầu tiên trong lịch sử khoa cử Việt Nam nên Lê Văn Thịnh trở thành bậc đệ nhất khai khoa trong làng khoa bảng nước nhà.

Năm 1078, vua sai Đào Tống Nguyên đem 5 con voi thuần biếu nhà Tống, đồng thời đề nghị thương lượng về đường biên giới giữa hai nước.

Năm 1084, Lê Văn Thịnh giữ chức Thị lang Bộ Binh dẫn đầu đoàn Sứ bộ nước ta đến trại Vĩnh Bình ở Quảng Tây - Trung Quốc cùng với Sứ bộ nhà Tống là Tuần kiểm ty Thành Trác thương thuyết về việc hoạch định đường biên giới giữa hai nước.

Trong đàm phán, ông luôn giữ thái độ mềm dẻo, tự tin, dùng lý lẽ mà giải thích, đưa ra nhiều luận cứ xác đáng. Khi Thành Trác tỏ thái độ căng thẳng, trịch thượng thì ông khiêm tốn: “Kẻ bồi thần này không dám tranh giành” nhưng rất kiên quyết “đất biên cương tuy xa xôi nhưng từ xưa đã có chủ, thần sợ tổ tiên không cho phép nhân nhượng”.

Vua Tống khen là người biết cung kính, biết lẽ phải bèn hạ chiếu trả lại cho ta đất Thuận Châu tức là châu Quảng Nguyên cùng 6 huyện thuộc châu Bảo Lạc và 3 động thuộc đất Túc Tang mà nhà Tống đã chiếm giữ của nước ta từ trước. Thời đó trong dân gian người Tống có câu ca lưu truyền: “Nhân tham Giao Chỉ tượng/ Khước thất Quảng Nguyên kim” (Vì tham voi Giao Chỉ/ Bỏ mất vàng Quảng Nguyên).

Lê Văn Thịnh là vị sứ giả đầu tiên đàm phán đường biên giới với Trung Quốc trong lịch sử nước ta. Từ đó đường biên giới giữa hai nước được giữ vững cho đến đời vua Lê Cung Hoàng (1527).

Theo sách “Việt sử giai thoại” của Nguyễn Khắc Thuần (NXB Giáo dục) thì Lê Văn Thịnh lúc đầu được vào giảng học cho vua, sau giữ chức Thị lang Bộ Binh rồi thăng đến chức Thái sư, lừng lẫy thiên hạ. Nhưng đến tháng 3 năm Bính Tý (1096), ông phạm tội, bị bắt đi đày (có sách nói là ở Phú Thọ nhưng cũng có sách nói là ở Thanh Hóa ngày nay).

Vụ án này thoạt nghe cứ như là chuyện đùa nhưng lại là một vụ án có thật, được sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục (chính biên, quyển 4, tờ 1 và 2) ghi lại như sau:

“Trước, Văn Thịnh có một tên gia nô người nước Đại Lý (vùng Vân Nam, Trung Quốc ngày nay). Tên này có pháp thuật lạ, nhân đó, Văn Thịnh manh tâm mưu sự khác. Bấy giờ, nhà vua chơi hồ Dâm Đàm (Hồ Tây, Hà Nội), đi chiếc thuyền con xem đánh cá. Bỗng nhiên hồ nổi sương mù, rồi có chiếc thuyền từ trong đám sương mù ấy lao tới, sát đến thuyền ngự. Nhà vua cầm giáo phóng tới thì đám sương mù tan  đi, trong thuyền hiện ra một con hổ. Mọi người sợ hãi. Ông chài Mục Thận quăng lưới chụp lấy thì té ra lại là Thái sư Lê Văn Thịnh. Nhà vua cho rằng Văn Thịnh là bậc đại thần có công lao nên không nỡ giết, chỉ bắt đi an trí ở trại Thao Giang (vùng Phú Thọ). Vua thưởng quan tước cho Mục Thận và ban cho đất Dâm Đàm để làm thái ấp”.

ĐNCT
;
.
.
.
.
.