.

Quốc tự Tam Thai

.
Những bậc đá mòn nhẵn, từ xa xưa đến giờ đã nâng đỡ biết bao bàn chân con người, mỗi bậc lấy đi của con người một chút bụi trần, một chút phiền muộn, để rồi khi lên tới chùa Tam Thai, lòng cơ hồ phiêu diêu thoát tục…

Mô tả ảnh.
Tam quan chùa Tam Thai.
 
Quốc tự và ân sủng vua ban

Trong quần thể Ngũ Hành Sơn (NHS) thì Thủy Sơn, theo thượng lệnh của các vua triều Nguyễn, là ngọn núi của quốc gia, được vua Minh Mệnh ngự du nhiều nhất với 3 lần. Đó là các năm Minh Mệnh thứ sáu (1825), thứ tám (1827) và thứ mười tám (1837). Hai tháng sau lần vãn cảnh đầu tiên, vua đã cho xây dựng hai con đường bằng bậc đá dẫn lên núi, một ở phía tây nam (nay là cổng số 1) lên chùa Tam Thai và một ở phía đông (cổng số 2) lên chùa Linh Ứng. Cũng năm này, vua đã đặt tên chùa là Tam Thai và phong là quốc tự.

Đến nay, theo lời Hòa thượng Thích Huệ Mãn, hiện trụ trì Tam Thai tự, chùa đã qua 12 đời trụ trì. Trong đó, người có đạo hạnh, công đức nhất là Hòa thượng Từ Trí (1852-1921), tác giả của “NHS lục”, một cuốn sách rất có giá trị lịch sử về các thắng tích cũng như tiểu sử chư Hòa thượng hoằng hóa tại NHS.

Tự nhận mình chỉ là kẻ hậu sinh, thầy Huệ Mãn bảo rằng những gì diễn ra trước đây ở chùa mà thầy biết được là do xem qua thư tịch và nghe các sư thầy lớp trước kể lại. Như chuyện vua Minh Mệnh ban lệnh xây chùa, đúc 9 pho tượng và 3 quả chuông lớn, tặng “quả tim lửa”, cho xây gần chùa một hành cung để vua và các quan lại triều đình có chỗ nghỉ ngơi mỗi khi vãn cảnh...

Bà Thái hậu, ngoài việc hiến cúng tiền và vàng cho chùa, còn khuyên vua cấp ruộng đất cho nhà chùa trích từ công điền của hai xã sở tại để những người xuất gia ở đây sinh sống. Sách “NHS lục” chép rằng, năm Minh Mệnh thứ mười tám, Thái hậu ban cho hai chùa Tam Thai và Linh Ứng hai thẻ vàng có khắc dòng chữ “Truyền chí vạn niên, hữu phúc tu tích” (truyền đến vạn năm để đạt phúc quả tu trì). Bề mặt một thẻ vàng ghi “Minh Mệnh thông bửu” (tiền Minh Mệnh thông dụng); thẻ kia ghi “Phú, thọ, đa nam” (giàu, sống lâu, nhiều con trai nối dõi”. Những thẻ vàng này đính dây lụa treo trong hai chùa, bị một tên trộm là Đinh Quật lấy mất, sau đó truy nã lấy lại được và đem về Huế lưu giữ.

Mô tả ảnh.
Đình lục giác, nơi vua Minh Mệnh dừng chân trước khi lên vãn cảnh chùa Tam Thai.
 
Gia Long phát nguyện, Minh Mệnh lập chùa

Theo bi ký và thư tịch lưu lại thì chùa Tam Thai được dựng bằng tranh tre nứa lá vào cuối thế kỷ XVI, thời điểm đô thị cổ Hội An mới hình thành. Sau khi vua Minh Mệnh cho xây dựng bằng gạch ngói khang trang, đến năm 1901 chùa bị một cơn bão phá sập, 6 năm sau mới được phật tử gần xa đóng góp trùng tu. Trong đời mình, thầy Huệ Mãn đã trải qua 4 đợt làm chùa: năm 1964, lúc thầy 19 tuổi, được hòa thượng trụ trì cao tuổi giao hết mọi việc; năm 1995 đại tu chùa, tất cả đều được đúc bê-tông hết; năm 2004 xây nhà phương trượng; năm 2010 xây nhà tăng trên khu đất xưa là hành cung.

Vì sao Thủy Sơn nói chung, chùa Tam Thai nói riêng lại được sự ưu ái đặc biệt đến thế? Thầy Huệ Mãn giải thích rằng, một phần vì các bậc chân tu đạo hạnh, một phần vì nơi này có người em gái vua Minh Mệnh là công chúa Ngọc Lan đến ẩn tu.

Các thiền sư xưa lánh lên núi, lập chùa tranh, tịnh tu trong các hang động. Tương truyền, khi chúa Nguyễn Ánh (vua Gia Long sau này) một lần tránh quân Tây Sơn chạy ra một hòn đảo ngoài biển, nguyện có một dòng nước ngọt thì sẽ tạ ơn Trời Phật. Nước ngọt tuôn ra, cứu chúa và tùy tùng thoát chết. Cả đoàn ghé vào đất liền thì gặp cảnh núi non tráng lệ, theo đường mòn lên núi gặp các thiền sư đang thuyết giảng trong động. Chúa phát nguyện, nếu thắng Tây Sơn sẽ về lập cảnh chùa. Vì thế, dân gian quanh vùng có câu: Gia Long phát nguyện, Minh Mạng lập chùa. Vâng theo di huấn của vua cha, vua Minh Mạng sức cho quan dân đưa gạch đá, vật liệu lên xây chùa, biến cảnh hoang vu của núi non thời đó thành một nơi phát triển đạo Phật.

Giữa cảnh nhộn nhịp, đông đúc dưới chân Thủy Sơn ngày nay, ít ai nghĩ rằng đã một thời nơi này là vùng đất hoang vu. Trong chùa Tam Thai hiện còn một tấm ảnh chụp cảnh NHS thời trước, một cái đình lục giác đứng quạnh hiu giữa đồng không nhà trống. Dân gian gọi đó là “nhà lục giác”, thầy Huệ Mãn giải thích, nằm dưới chân Thủy Sơn, là chỗ vua quan ngày trước nghỉ chân trước khi leo núi. Sau năm 1975, ngói tan hết, chỉ còn trơ cái sườn gỗ, về sau cũng bị phá dỡ nốt.

Hơn ba thế kỷ trước, trong một lần ghé thăm NHS, nhà sư Trung Hoa Thích Đại Sán đã ghi lại cảm xúc trong bài “Chơi núi Tam Thai”: Biển khơi xanh ngắt một màu/Xa xa nghe tiếng chuông đâu vang rền… Ngày nay, khách lên hết 156 bậc đá, dừng chân trước cảnh chùa từng được phong là quốc tự, lắng lòng nghe tiếng chuông chùa, sẽ có dịp mường tượng về những năm tháng thăng trầm dâu bể của chùa Tam Thai, nơi ghi lại dấu ấn lịch sử - văn hóa của NHS trên đỉnh Thủy Sơn.

Mô tả ảnh.
Hòa thượng Từ Trí (1852-1921) (ảnh), húy danh Nguyễn Viết Lư, quê huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Năm Đinh Hợi (1887), ngài được triều đình bổ nhiệm trụ trì chùa Linh Ứng. Năm Ất Mùi (1895), triều đình sắc phong ngài giáo phẩm Tăng cang, cai quản hai chùa Tam Thai và Linh Ứng, trở thành vị Tăng cang đầu tiên trong lịch sử Phật giáo tại Ngũ Hành Sơn.

Tưởng thưởng công đức, đạo hạnh của ngài, vua Thành Thái ban tặng hai chiếc “Ngũ phước Ngân tiền” (1897), tấm biển với 4 chữ “Hữu tâm tượng giáo” (1900). Đặc biệt, vào năm Nhâm Dần (1902), khi ngài tổ chức trai đàn tại chùa Linh Ứng, vua Thành Thái ngự vào dự lễ và ban cho sáu chiếc cà sa để thưởng cho Phật sự này. Năm Tân Dậu (1921), ngài viên tịch, thọ 70 tuổi. Bảo tháp của ngài hiện còn ở phía Nam ngọn Thủy Sơn.

Nguồn: “Tìm hiểu sự hình thành và phát triển của Thiền phái Lâm Tế Chúc Thánh tại Quảng Nam” của Thích Giải Nghiêm.

 
VIÊN PHÚC QUÂN
;
.
.
.
.
.