.

Trồng mai ở Đà Nẵng

.
Ở Đà Nẵng, có hàng trăm hộ sinh sống bằng nghề trồng mai cảnh. Họ đến với mai bằng niềm đam mê cái đẹp. Hoa mai tượng trưng cho sự may mắn, thịnh vượng và niềm hy vọng sang năm mới làm ăn phát đạt.

Mô tả ảnh.
Cụ Cân hy vọng cây mai này sẽ nở đúng Tết Tân Mão.
 
Ông Nguyễn Phan Vinh ở xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) gắn bó với nghề trồng mai đã 40 năm và là người trồng mai cảnh đạt hiệu quả kinh tế cao nhất xã. Sớm chiều, ông miệt mài bên các chậu mai, mải mê uốn nhánh, sửa ngọn, tỉa tót từng chiếc lá. Ông bảo, điều then chốt để tạo ra một cây mai đẹp là phải biết ghép cành. Nếu cây mai có các nhánh không cân đối, bị khuyết một phía, phải ghép thêm một cành vào chỗ khuyết ấy. Ông Vinh thường áp dụng phương pháp ghép mắt và ghép nem. Ghép mắt là khoét vỏ chỗ cần ghép, rồi chọn một mắt (chồi) mai ở cây khác cắt ra, gọt cho vừa khít, đặt vào chỗ cần ghép và lấy dây buộc chặt lại. Sau thời gian từ 15-20 ngày, tháo dây ra, chỗ mắt ghép sẽ dần dần nứt lên một cành mới, làm cho cây mai hết bị khuyết. Ghép nem là cắt bỏ cành xấu, vát ngàm trên đầu cành, rồi chọn cành đẹp ở cây mai khác vát nhọn như lưỡi mác, sao cho đặt vào vừa khớp trong ngàm của cành cần ghép, rồi cũng lấy dây buộc chặt. Chừng nửa tháng sau, cành mai đẹp đã sống tươi tốt trên cây mai mà chỉ có người giàu kinh nghiệm mới có thể nhận biết đó là kết quả của công việc ghép cành.

Một ngày đầu năm, chúng tôi tìm đến phường Hòa Phát gặp anh nông dân nổi tiếng với nghề trồng mai cảnh là Nguyễn Thành Thiệt. Lúc này, anh đang cắm cúi uốn cành trong một khu vườn rộng, có nhiều cây mai cảnh các loại. Anh Thiệt chơi mai từ năm 1990 và là người nổi bật nhất ở quận Cẩm Lệ trong nghề ươm trồng, kinh doanh mai cảnh. Cái duyên anh đến với cây mai cũng rất tình cờ. Hồi đó, trong một lần đến TP. Hồ Chí Minh, anh đã làm quen với một cụ ông chuyên sống bằng nghề trồng mai cảnh. Sau khi tìm hiểu cặn kẽ về kỹ thuật trồng mai, anh đã mua một lon hạt giống đem về ươm. Từ một lon giống ấy, bây giờ anh đã có cả khu vườn rộng với hàng ngàn chậu mai lớn nhỏ.

Đã gần 80 tuổi, nhưng cụ Huỳnh Đức Cân ở xã Hòa Phong vẫn nguyên vẹn niềm đam mê chơi mai. Cụ thường xuyên có 50 chậu mai cảnh, hễ bán đi chậu nào là lại lấy cây nhỏ mới ươm bổ sung vào. Ngày ngày ngồi chăm chút mai, uốn cành tạo thế, gửi gắm lòng mình trong từng kiểu dáng đã trở thành niềm vui thú tuổi già của cụ.

Tương tự, ông Võ Bẩm ở xã Hòa Châu say mê chơi mai từ hồi còn đương chức và ông đã xin về hưu sớm để sớm hôm bầu bạn cùng mai. Trong vườn ông bây giờ đã có 360 chậu mai thường, 150 chậu mai cổ thụ và làm dịch vụ cho thuê mai cảnh. Theo ông, để có được một chậu mai đẹp là cả một quá trình lao động công phu, tỉ mẩn suốt cả năm trời.

Hoa mai có nhiều giống, loài như bạch mai, hoàng mai, thanh mai, mai đa cánh, mai tứ quý. Người trồng mai không thụ động chờ hoa nở mà vận dụng kiến thức khoa học để canh cho hoa nở đúng vào dịp Tết. Đó là sử dụng các phương pháp ngắt lá, tăng giảm lượng nước tưới và điều chỉnh mức độ tiếp xúc với ánh sáng. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng canh trúng, bởi vì mai nở sớm hay muộn phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Chưa ai dám khẳng định là cây mai mình hãm sẽ nở rộ đúng vào Mồng một Tết. Nhưng, như một sự bù trừ, chơi mai được cái tiện là nếu mai nở đúng Tết thì bội thu, còn nhỡ không đúng thì lại chờ Tết sau, không phải lo sợ chuyện thừa ế. Mai càng già thì giá trị càng tăng, chẳng vậy mà thành ngữ đã có câu “mai lão, đào tơ”.

Cây mai có hoa đẹp, thế đẹp, nhiều bông, nhiều nụ thì đắt mấy cũng có người mua. Ngoài giá trị kinh tế, chơi mai còn là một nghề hết sức công phu, đầy tính sáng tạo và nhất thiết phải có sự say mê, tâm huyết. Đó là điều mà anh Nguyễn Thành Thiệt thường nói với người con trai của mình là Nguyễn Thành Công đang quyết tâm nối nghiệp bố. Hằng ngày, Công vừa phụ giúp bố chăm mai, vừa làm người học trò ngoan của bố. Bây giờ, cậu cũng đã biết nhiều kỹ thuật về cách trồng và chăm sóc mai. Công cho biết, mai cảnh có nhiều thế như thế xiên, thế bay, thế thác đổ, nhưng thông dụng là thế trực. Thế trực là thế có ngọn thẳng so với tâm gốc, nhánh từ thân mọc thẳng ra và cành lá các phía cân phân.

Theo anh Thiệt, trong bộ tứ “tùng, cúc, trúc, mai” thì cây mai được nhiều người ưa chuộng hơn cả, bởi mai ẩn chứa một triết luận về cuộc đời, về mùa xuân, đánh thức khát vọng sống và cống hiến ở con người. Trước khi chia tay, Công hồ hởi nói với chúng tôi: “Dù khó thế nào, em cũng cố học cho bằng được cái nghề này”.

LÊ VĂN THƠM
;
.
.
.
.
.