* Xin cho biết trong hai cách viết “tai vách mạch dừng” và “tai vách mạch rừng” thì cách viết nào đúng? Vì sao? (Hoàng Ngọc Tú, Hải Châu, Đà Nẵng)
- Hiện nay, trên các tài liệu, sách báo (bằng tiếng Việt) tồn tại cả hai cách viết đang xét. Việc truy tìm xuất xứ của thành ngữ này cho thấy nhiều điều thú vị.
Từ điển Thành ngữ và tục ngữ Việt Nam của GS Nguyễn Lân (NXB Khoa học Xã hội, 1997) không có mục từ “tai vách mạch rừng”, chỉ có “tai vách mạch dừng” nhưng không giải thích ngay mà hướng dẫn xem giảng nghĩa ở mục từ “dừng mạch vách tai”. Theo đó, “dừng mạch vách tai” nghĩa là: “Phải cẩn thận khi nói chuyện với người khác vì có thể lời nói của mình lọt vào tai người thứ ba. (Thường nói: Tai vách mạch dừng)”. Từ điển chua thêm: Dừng là nan tre hay nứa làm cốt để trát vách.
Người xưa làm vách nhà bằng đất (chưa xây tường gạch hoặc đổ bê-tông như ngày nay), đan ngang dọc các thanh tre vào nhau để làm cốt, sau đó trát đất sét lên. Từ đó hình thành thành ngữ “dừng (có) mạch, vách (có) tai” và dần dần tỉnh lược thành “dừng mạch vách tai”.
Vậy là, lâu nay ta thường nghe/nói “tai vách mạch dừng”, nhưng theo GS Nguyễn Lân (trong từ điển nói trên) thì dạng chuẩn ban đầu của thành ngữ này là “dừng mạch vách tai”. Điều này cũng đã được Tô Hoài tán thành khi nhà văn lưu ý với bạn đọc về các thành ngữ gốc và đưa thành ngữ này ra làm ví dụ. Ca dao cũng dẫn: Ở đây tai vách mạch dừng/ Những điều bí mật xin đừng ba hoa. Và cả Truyện Kiều của Nguyễn Du: Ở đây tai vách mạch dừng/ Thấy ai người cũ cũng đừng nhìn chi.
Dừng cũng được từ điển này nói đến trong mục từ “rút dây động dừng”. Theo đó, “rút dây động dừng” nghĩa là: “(Dừng là cốt để trát bức vách). Ý nói: Đả động đến điều này thì ảnh hưởng đến điều khác. (Có người nói lầm là: Rút dây động rừng)”. Tuy nhiên, với thành ngữ này, có người cho rằng phải viết là “rút dây động rừng” mới đúng. Bởi lẽ, dừng là cốt để trát vách thì làm gì có dây; trong khi đó nếu rút một dây ở rừng thì sẽ kéo theo nhiều dây khác bị động làm chim chóc bay lên, thú rừng nhốn nháo...
Quay lại với thành ngữ đang xét. Hiện có một số từ điển, như Từ điển tiếng Việt trực tuyến (tratu-vn) cho rằng “tai vách mạch dừng” đồng nghĩa với “tai vách mạch rừng”.
Tuy nhiên, theo ý kiến chúng tôi, nên viết dừng cho “tai vách mạch dừng” hoặc “dừng mạch vách tai” và rừng cho “rút dây động rừng”, như thế sẽ rõ nghĩa hơn.
Nồi da xáo thịt
* Thành ngữ “nồi da xáo thịt” có xuất xứ như thế nào? (Nguyễn Thị Mỹ, Cẩm Lệ, Đà Nẵng).
- “Nồi da xáo thịt” hoặc “nồi da nấu thịt” có lẽ xuất phát từ một hình thức sinh hoạt cộng đồng của người nguyên thủy. Con người lúc đó sống chủ yếu bằng nghề săn bắn. Mỗi khi săn bắn được một con mồi, người ta làm thịt ngay tại chỗ, lột da của chính con vật để làm nồi nấu chín thịt của nó. Hình thức này hiện vẫn còn lưu lại dấu tích trong lễ hội dân gian ở một số địa phương vùng thượng du.
Từ đó, thành ngữ này được hình thành với nghĩa bóng nói về cảnh chém giết, sát hại lẫn nhau giữa những người cùng thuộc một gia tộc, một cộng đồng, một dân tộc hay một quốc gia.
Nói thêm, cùng nghĩa với “nồi da xáo thịt” trong tiếng Việt còn có hai thành ngữ gốc Hán là “huynh đệ tương tàn” (anh em sát hại lẫn nhau) và “cốt nhục tương tàn” (người có quan hệ ruột thịt sát hại lẫn nhau). Các thành ngữ này đều được dùng tương đối phổ biến với những sắc nghĩa ít nhiều có khác nhau.
ĐNCT