.

Một phụ nữ khả kính

.
Bà có tên thật là Huỳnh Thị Thái, bút hiệu Bảo Hòa hay Huỳnh Thị Bảo Hòa, sinh năm 1896 tại xã Hòa Minh, huyện Hòa Vang, nay thuộc thành phố Đà Nẵng. Theo nhà báo Đoàn Bá Từ thuật lại: Nữ sĩ Bảo Hòa là một phụ nữ có uy tín nhất ở Đà Nẵng. Do vậy, khi cần việc đóng góp tài vật cứu trợ hay một công tác từ thiện nào, chỉ cần bà lên tiếng kêu gọi là mọi người, nhất là chị em buôn bán trong chợ Hàn vui vẻ đóng góp.

Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.
Nữ sĩ Bảo Hòa, người phụ nữ Đà Nẵng đầu tiên cắt tóc ngắn. Ông bà Khả Lãm và Bảo Hòa lúc về hưu.
 
Về việc học hành của bà, dù cố gắng sưu tra, người gia đình và bạn bè của bà hầu như không ai biết rõ mà chỉ biết lúc nhỏ bà học chữ Hán do thân sinh dạy tại nhà, sau đó bà học chữ Quốc ngữ, chữ Pháp. Bà rất thông minh, học đâu nhớ đó nên chữ Hán bà học chỉ một thời gian ngắn là có thể làm thơ Đường luật.

Sau này, bà theo chồng là ông Vương Khả Lãm, một công chức ngành thương chánh về sống tại trung tâm thành phố. Tuy là gái quê, nhưng bà rất sớm thích nghi với đời sống văn minh thị thành và nổi tiếng sau khi bà cho in tiểu thuyết “Tây Phương Mỹ Nhân”. Sách này được Tiến sĩ Trung Kỳ Nhân dân Viện, Viện trưởng Huỳnh Thúc Kháng viết “Bài tựa”; Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu viết “Mấy lời tặng Tây Phương Mỹ Nhơn” và Bùi Thế Mỹ bỉnh bút Đông Pháp Thời Báo viết “Bài tựa cuối cùng”. Cả ba vị này đương thời xem như là đại diện có giá trong làng báo ở ba miền Nam - Trung - Bắc, đều cùng một lời khen nữ sĩ Bảo Hòa là một phụ nữ đầu tiên viết tiểu thuyết bằng chữ Quốc ngữ.

Mô tả ảnh.
Thẻ phóng viên Thực Nghiệp Dân Báo cấp.
 
Sau đấy, chỉ trong vòng 10 năm từ 1927 đến 1936 bà đã in ấn các tác phẩm thuộc bốn thể loại sau:

1- “Tiểu thuyết Tây Phương Mỹ Nhân” – In tại Imprimerie Bảo Tồn 36 Bis, Boulevard Bonnard, 1927.
2- Tuồng “Hát bội Huyền Trân Công Chúa” in năm 1933.
3- Biên khảo “Chiêm Thành Lược Khảo” – in tại Nhà in Đông Tây, 193 phố Hàng Bông, 1936.
4- Bài báo “Bà Nà Du Ký” – in trong tạp chí Nam Phong số 163, tháng 6 năm 1931.
Ngoài ra, nữ sĩ còn làm Thông tín viên cho Báo “Thực Nghiệp Dân Báo” nên bà còn nhiều bài báo viết cho các báo khác cùng thời.

Một phụ nữ năng động

Đối với phụ nữ Đà thành, nữ sĩ Bảo Hòa là Hội trưởng Hội Phụ nữ. Ở cương vị ấy, bà luôn luôn hô hào chị em học chữ Quốc ngữ, tranh đấu đòi bình quyền với nam giới trong mọi sinh hoạt cộng đồng. Nữ sĩ từng đăng đàn diễn thuyết hô hào chị em học theo nếp sống mới. Chính nữ sĩ từng lấy xe đạp đầm của mình đem đến Hội tập cho chị em phụ nữ để biết đi xe đạp. Bà khuyến khích chị em cách tiết kiệm chi tiêu trong gia đình, nuôi con, bày cách dùng bời lời chế mực viết, bồ hòn thay xà phòng.

Đối với phong trào yêu nước đương thời như Phong trào Duy Tân, Duy Tân Hội… bà mạnh dạn hô hào chị em phụ nữ nâng cao trí thức tham gia. Việc làm này của nữ sĩ từng được Bí thư đầu tiên của Tỉnh Đảng bộ Quảng Nam Phan Văn Định ghi lại trong hồi ký và được đưa vào tác phẩm “Buổi đầu gieo hạt”, NXB Đà Nẵng, 1980: “… đến năm 1926 khi được tin cụ Phan Châu Trinh về Sài Gòn và tạ thế đột ngột, anh em công nhân trong các Hội Ái hữu cùng một số người có thanh thế ở Đà Nẵng lúc bấy giờ như Nguyễn Tùng, Phạm Doãn Điềm, Nguyễn Đình Thuần, Huỳnh Thị Bảo Hòa… đứng ra tổ chức lễ truy điệu cụ Phan Châu Trinh rất trọng thể. Hàng mấy ngàn người kéo về trụ sở Hội đồng thành phố để dự lễ tang cụ…”.

Người mẹ có chí hướng

Nữ sĩ Bảo Hòa luôn truyền cho các con: Học để phục vụ cho nhân dân, cho Tổ quốc. Nữ sĩ sớm truyền cho các con tinh thần yêu nước ngay từ lúc ấu thơ, nên khi trưởng thành, cụ thể, năm 1945 người con trưởng của bà là ông Vương Khả Hàn đỗ Tú tài toàn phần, tình nguyện tham gia cách mạng, từng làm cán bộ Đại đội của Trung đoàn 96 Đà Nẵng rồi làm cán bộ Đại đội Sĩ quan Liên hợp Chiến trường LK9, rồi tập kết ra Bắc. Tháng 5-1975, ông được điều về Đà Nẵng làm Giám đốc Sở Điện lực Đà Nẵng. Năm 1983, ông được cử làm chuyên gia điện lực giúp Campuchia (1). Đến tháng 10-1984 ông trở lại phục vụ tại Đà Nẵng và qua đời ngày 9-2-2000.

Người con gái kế tiếp của nữ sĩ là cô Vương Thị Nguyệt Thu, tình nguyện nhập ngũ phục vụ y tá chiến trường lúc vừa tròn 21 tuổi (1945) ở Trung đoàn 93. Đầu năm 1951, cô được thuyên chuyển vào Trung đoàn 120 địa phương tại Quảng Ngãi; tham gia cuộc hành quân lên Sơn Hà dẹp một nhóm người H’rê hiểu lầm chính sách rồi manh động. Ngày 25-11-1951, trong một cuộc chạm súng, cô bị trọng thương tại chiến trường. Vết thương quá nặng, cô hy sinh cùng ngày. Năm 1979, ông Phạm Cảnh Phó, Trưởng Ty Thương binh-Xã hội đã lập phiếu hồ sơ cấp tiền tuất Gia đình liệt sĩ cho cô Vương Thị Nguyệt Thu với ấn ký ngày 17-9-1979 (2).

Kế tiếp cô Vương Thị Nguyệt Thu, nữ sĩ còn có một thứ nam Vương Khả Thụy sinh ngày 17-9-1928. Ông Thụy cùng anh tham gia kháng chiến rồi cùng tập kết ra Bắc năm 1955, học và tốt nghiệp bác sĩ Thú y. Sau năm 1975, ông Thụy về lại Đà Nẵng phục vụ trong ngành Y tế rồi qua đời tại Đà Nẵng ngày 13-11-2006.

Đưa các con lên đường tham gia cách mạng và sau một thời gian ngắn tản cư, ông bà Vương Khả Lãm-Huỳnh Thị Bảo Hòa trở lại  Đà Nẵng với cô gái út Vương Thiên Hương.

Hạnh phúc như là một sự mầu nhiệm thiêng liêng đến với gia đình nữ sĩ. Sau ngày thống nhất đất nước, hai người con trai (cùng gia đình) trở về phục vụ tại Đà Nẵng, trùng phùng niềm vui đoàn tụ trong nỗi thương nhớ không nguôi Vương Thị Nguyệt Thu không còn nữa!

Tiếp đấy, nữ sĩ thực hiện một cuộc Bắc du thăm các cố hữu ở Hà Nội, từng giao lưu với nữ sĩ theo dòng văn học thời những thập niên đầu thế kỷ XX, rồi trở về với các con cháu, sống ở căn nhà 18 Phan Châu Trinh-Đà Nẵng. Bấy giờ đôi mắt bà bị hỏng và sau căn bệnh cao tuổi, nữ sĩ âm thầm đi vào cõi vĩnh hằng ngày 8-2-1982.

Cuộc đời và sự nghiệp của nữ sĩ Bảo Hòa đáng được xã hội tôn vinh bởi nữ sĩ có nhiều tài năng cống hiến cho xã hội. Đó là tài văn chương, là tinh thần cầu tiến và phát huy tinh thần ấy trong giới phụ nữ  Đà thành ở ngay thời kỳ phong kiến chưa sụp đổ hoàn toàn và đặc biệt có tinh thần yêu nước kiên cường, không vì cuộc sống xô bồ ngoài xã hội mà mất lập trường nuôi dạy con hiến thân cho đại nghiệp cách mạng.

Tất cả sự thành công đáng kể ấy của nữ sĩ là vết son, tự nó khẳng định vị trí của nữ sĩ trong lòng thị dân Đà Nẵng, trong lòng dân tộc.

Người viết bài này rất mong được các cấp chính quyền thành phố Đà Nẵng ngày nay nên cụ thể việc tưởng niệm nữ sĩ một cách thích đáng bằng một quyết định đặt tên nữ sĩ Huỳnh Thị Bảo Hòa cho một con đường trong thành phố, đó là sự biết ơn thiết thực đối với một phụ nữ đặc biệt có công với Đà Nẵng vậy.

Thy Hảo Trương Duy Hy
(1) Trích báo cáo của ông gửi lên Bộ.
(2) Tác giả có lưu những văn bản này.
;
.
.
.
.
.