Làng Tuyên, là tên gọi mật danh của Ban Tuyên huấn Khu 5 thời chống Mỹ, nơi tôi luyện một thế hệ cán bộ, chiến sĩ làm công tác văn hóa – tư tưởng, trưởng thành từ trong máu lửa của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Ông Nguyễn Đình An, nguyên Ủy viên Ban Tuyên huấn Đặc khu Quảng Đà là người trực tiếp phân công nhiệm vụ cho họa sĩ Nguyễn Đức Hạnh trong những ngày đầu mới gia nhập Làng Tuyên. Ông xúc động kể: Anh Hạnh là người nhanh nhẹn tháo vát, là người ném vào hoàn cảnh nào cũng sống được. Là người năng nổ, gan dạ, đi nhiều vẽ nhiều, dọc ngang khắp mọi nơi có thể đến được trên mảnh đất Quảng Đà, gần gũi gắn bó với nhân dân, đùm bọc tin yêu đối với đồng đội.
Từ trái sang phải: Ông Nguyễn Đình An, nhà điêu khắc Phạm Hồng, nhạc sĩ Trần Hồng - những đồng đội của Làng Tuyên gặp gỡ trong triển lãm tranh của họa sĩ Nguyễn Đức Hạnh kỷ niệm một năm ngày mất. |
Họa sĩ Nguyễn Đức Hạnh sinh ngày 1-2-1940 tại Yên Thành – Nghệ An, là sinh viên khóa 3 Trường Cao đẳng Mỹ thuật công nghiệp – Hà Nội. Tốt nghiệp năm 1967, ông tình nguyện lên đường ra chiến trận. Mặt trận Quảng Đà những tháng ngày đầy cam go ác liệt sau thử thách Mậu Thân lại là nơi hun đúc nơi ông những phẩm chất trung kiên của người chiến sĩ và tinh thần lạc quan của người nghệ sĩ cách mạng.
Cởi mở, chân thành, tương thân tương ái, sống hết mình vì nhiệm vụ và sáng tác, chỉ quên đi những gì đầy cam go nghèo khó mà bản thân và gia đình đang gồng mình gánh chịu. Đó là những gì mà bạn bè, đồng chí thường hoài niệm về ông.
Đời thường trồng cây, làm vườn của người họa sĩ. |
Suốt 25 năm qua từ ngày ông khởi dựng cho đến lúc đi xa, căn nhà vẫn không có gì thay đổi. Căn nhà nằm cách quốc lộ 14B chừng non cây số, lối vào uốn lượn qua một mảnh ruộng, dựng trên sườn đồi thoai thoải, không gian vắng lặng tĩnh mịch, để cho ông yên tĩnh sáng tác và cũng đủ đất đai để ông cuốc xới làm vườn trồng cây. Tiêu ông trồng, lạc ông thu hoạch ông gói ghém mang xuống phố làm quà biếu bạn bè rồi ông mang những bức tranh mới vẽ gửi in ở các báo và tạp chí, ông lấy đó làm niềm vui, một niềm vui bình dị mà thanh tao. Lâu lâu không thấy chiếc xe đạp cà tàng của ông dựng trước trụ sở tòa báo, không thấy nụ cười và cái giọng Nghệ sang sảng của ông, bạn bè thân quen lại tìm vào núi thăm ông. Có khi thấy ông đang nằm đọc sách, có lúc thấy ông quần cộc áo may ô lúi húi sau vườn, cũng có khi thấy ông tựa bóng độc ẩm bên chai rượu và đĩa lạc rang. Thấy bạn đến đôi mắt ông vụt sáng lên, không gian đang tĩnh lặng chợt rạng lên tiếng cười, tiếng nói. Nếu gặp người bạn mới, ông chẳng ngại ngần lội bộ trong đêm ra tận quốc lộ xách về vài chai bia và dăm quả vịt lộn để đãi khách, mặc dù bữa cơm của ông chỉ đậm đà mấy quả cà muối hoặc một bát canh dưa.
Năm 2004, ông cùng họa sĩ Mai Ngọc Chính về Tây Nguyên đi thực tế để vẽ tranh ở Binh đoàn 15. Họa sĩ Mai Ngọc Chính kể: Có hôm ông đi vẽ đến tận trưa, tới giờ ăn cơm vẫn chưa thấy ông về, mọi người đổ đi tìm thì thấy ông đang buộc dây treo mình ở giữa một con suối để chọn một góc đẹp mà vẽ. Ông vẽ say mê như thời còn trai trẻ, hơn nữa với ông được vẽ ở suối, ở rừng là gợi lại cảm xúc của một thời gian khổ đã qua nhưng không thể nào quên. Trong khi đó, vợ ông, bà Nguyễn Thị Hợp với tấm thân gầy yếu lại phải một mình ở nhà chặt cây, đập một phần nhà để giải tỏa phần công trình nằm dưới hành lang của lưới điện cao áp đi qua...
Ông về, đâu lại vào đấy, thu xếp gọn cửa nhà xong, họa sĩ của dân làng -mọi người vẫn yêu quý gọi ông như thế - lại tìm gặp bạn bè khoe những gì ông đã vẽ được cùng những dự định cho một cuộc triển lãm ở một miền quê nào đó hoặc chuẩn bị tổ chức cho lớp năng khiếu của thiếu nhi huyện nhà. Đến đâu, làm gì, nụ cười của ông, tranh vẽ của ông và nhiệt tâm của ông cũng tràn đầy sinh lực. Ông nói: Tranh vẽ cũng như con người phải gắn liền với cuộc sống.
Ký họa Bước vào trận đánh của họa sĩ Nguyễn Đức Hạnh. |
Là bạn học cùng khóa với ông, cùng tình nguyện vào chiến trường với ông, nhà điêu khắc Phạm Hồng tâm sự: Anh Hạnh sống rất tình cảm, dáng người tuy nhỏ nhắn nhưng trên đường hành quân gùi hàng tải gạo, anh vẫn thường mang vác giúp cho những người sức yếu. Anh vui tính và dễ gần, ở anh có chút gì đó vui tếu trong lúc nói chuyện, có lẽ tính hài đó là chất men lạc quan giúp anh bền bỉ vượt qua những khốn khó mưu sinh để tận tâm sáng tác.
Trung ương Hội Mỹ thuật Việt Nam đã có đặt vấn đề mua lại những bức ký họa của ông trong chiến tranh nhưng ông chưa đồng ý, ông muốn triển lãm những tác phẩm đó ngay tại thành phố Đà Nẵng thân yêu, là nơi mà ông đã sống, chiến đấu và vẽ. Đầu năm 2010, nhân kỷ niệm 35 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng, thành phố đã hỗ trợ kinh phí để ông hoàn thành nguyện ước của mình tổ chức triển lãm tranh ngay tại sảnh đường của Nhà hát Trưng Vương. Ông háo hức khoe với bạn bè và đồng nghiệp rồi tất tả ngược xuôi để lo công việc… và để rồi đột ngột ra đi khi cái ước mơ giản dị đó vẫn chưa trở thành hiện thực.
Ông ra đi vừa tròn một năm, ngày 26-2-2011 các cơ quan, đoàn thể cùng bạn bè thân quyến đã tổ chức triển lãm tranh cho ông ngay tại sân vườn nhà ông, nơi ông hằng ngày làm vườn trồng cây và vẽ tranh. Những bức tranh của ông có lửa, có niềm tin và có khát vọng lớn lao của một ngày mai tươi sáng. Số tranh này sẽ được gia đình hiến tặng cho thành phố Đà Nẵng là quê hương thứ 2 theo di nguyện cuối cùng của ông.
Thành công của một cuộc đời đó là sự cống hiến, ông đã cống hiến trọn đời cho cách mạng và nghệ thuật. Nhà thơ Nga Eptusenko từng viết: “Không có ai tẻ nhạt mãi trong đời/ Mỗi số phận chứa một phần lịch sử…”. Họa sĩ Nguyễn Đức Hạnh đã sống một cuộc đời không tẻ nhạt, sự nghiệp sáng tác của ông gắn với lịch sử hào hùng của dân tộc trong một giai đoạn mà cho mãi muôn đời vẫn là bản trường ca không bao giờ quên. Nguyễn Đức Hạnh, họa sĩ của dân, người con của Làng Tuyên luôn được bạn bè và nhân dân thương nhớ.
Lê Gia Thụy