Càng xa quê, người ta càng thấy ấm lòng khi bắt gặp giữa đất khách quê người một biển số xe quen thuộc, một chất giọng quê mình. Đó chính là sợi dây gắn kết những con người xa lạ lại với nhau, cùng giúp nhau trong cuộc sống…
Ông Mai Văn Soạn (áo sẫm) trao quà cho một gia đình đồng hương có hoàn cảnh khó khăn. |
Với những người như ông Mai Văn Soạn (quê Bình Dương), Giám đốc Công ty TNHH Cường Thịnh, thì việc gặp một người cùng quê tại mảnh đất Đà Nẵng luôn mang lại cho ông niềm hạnh phúc. Sự tình cờ gặp nhau nơi đất khách đã dẫn đến việc thành lập Hội Đồng hương (ĐH) Bình Dương tại Đà Nẵng nhiều năm qua. Từ vài chục người, đến nay, Hội đã có hàng trăm thành viên với nhiều lứa tuổi, ngành nghề khác nhau. Ông Soạn chia sẻ: “Cùng là người sống xa quê, nên giúp đỡ nhau là việc nên làm. Vì vậy, trong mỗi cuộc gặp gỡ, chúng tôi đều kêu gọi mọi người đóng góp vào Quỹ từ thiện của Hội để có điều kiện giúp đỡ nhau”. Năm 2009, Hội ĐH Bình Dương đã xây dựng 2 căn nhà tình thương, kết hợp với các tổ chức xã hội khác xóa 5 nhà tạm, giúp người Bình Dương có hoàn cảnh khó khăn tại Đà Nẵng có chỗ ở ổn định. Trong năm 2011, Hội sẽ tập trung vào Quỹ khuyến học nhằm trao tặng những suất học bổng cho con em Bình Dương nghèo, học giỏi với trị giá mỗi suất khoảng 500.000 đồng.
Trong dịp Tết Tân Mão vừa qua, ông Soạn đã ủng hộ 30 - 40 triệu đồng, mua quà Tết cho các hộ khó khăn trong Hội. Chính sự giúp đỡ kịp thời, đúng lúc về vật chất, tinh thần của những người ĐH đã giúp không ít người cảm thấy ấm lòng, vững tin vào tình làng, nghĩa xóm nơi đất khách.
Tuy nhiên, những Hội ĐH chú tâm vào việc gây quỹ, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn trong Hội ĐH là không nhiều. Có không ít cuộc họp mặt ĐH còn mang tính hình thức. Nhiều cuộc gặp chưa quy tụ được đông đảo các thành phần và chủ yếu vẫn là các cuộc liên hoan, tạo nên sự ái ngại cho những người cùng quê còn chật vật trong cuộc mưu sinh.
Ở lứa tuổi sinh viên, lập hội đồng hương phần nhiều với mục đích “vui là chính”. |
Chính kịch bản quen thuộc này đã khiến nhiều người ngại đến họp đồng hương. Như trường hợp anh Nguyễn Minh Nhật (quê Thái Bình) là một ví dụ. Cách đây 5 năm, anh cùng người bạn háo hức đi dự buổi họp ĐH tại một nhà hàng sang trọng trên đường Nguyễn Chí Thanh. Những tưởng chuyến đi này sẽ giúp anh có thêm nhiều bạn mới, cùng chia sẻ những khó khăn trên đất khách. Nhưng đến nơi, anh Nhật chưa kịp nhận ra ai là người cùng xã, cùng huyện thì đã bị mời bia tới tấp. Khi đã ngà ngà say, cả hội rủ nhau đi “tăng” 2 tại quán karaoke đến khuya và khi kết thúc, mỗi người phải đóng góp 300.000 đồng cho cuộc vui vẻ. Với một số người đã đi làm như anh thì không sao, nhưng với những thành viên là sinh viên, việc đóng góp số tiền khá lớn này đã khiến nhiều em không dám đến các cuộc họp ĐH nữa. Anh Nhật thẳng thắn: “Nếu có họp ĐH, tôi nghĩ mọi người nên tổ chức ở quán cà-phê yên tĩnh, hoặc tổ chức đi dã ngoại để những người chưa quen có dịp gặp gỡ, trao đổi, qua đó có thêm tình bạn mới, lại không tốn quá nhiều kinh phí”.
Hiện nay, tại hầu hết các trường ĐH, cao đẳng trên địa bàn thành phố, nơi đâu cũng xuất hiện bóng dáng của các Hội ĐH. Nhiều thì chia thành ĐH xã, huyện, ít thì ĐH tỉnh, thành. Nhiều bạn chia sẻ, ở lứa tuổi sinh viên, lập Hội ĐH phần nhiều với mục đích “vui là chính” chứ chưa thật sự chú trọng đến tinh thần của tổ chức Hội trong việc giúp đỡ, san sẻ những khó khăn trong cuộc sống. Đậu Mạnh Tuấn, Trưởng ban Liên lạc Hội ĐH sinh viên Hà Tĩnh, ĐH Bách khoa Đà Nẵng cho biết, nhóm của Tuấn toàn là con trai, nên ở những cuộc họp, cả nhóm thường kéo nhau ra quán nhậu rồi đi hát. Tuy còn là sinh viên, nhưng nhóm chơi khá sang, với mức kinh phí khoảng 150.000 đồng/người/lần gặp. Nhiều lúc chơi quá đà, tiền không đủ, các thành viên lại đóng góp thêm. Vì vậy, thành viên trong Hội hầu hết là con nhà khá giả, có điều kiện. Sau khi thành lập, điều có ý nghĩa nhất nhóm của Tuấn làm được là liên hệ, thuê ô-tô cho các bạn ĐH Hà Tĩnh về quê trong các dịp Tết Nguyên đán.
Nói như vậy không có nghĩa là chúng ta phủ nhận ý nghĩa tốt đẹp, tầm quan trọng của các Hội ĐH, nơi gắn kết những người con xa xứ lại với nhau trên đất khách quê người. Nhưng nếu những sinh hoạt ĐH chỉ gói gọn trong một đôi lần gặp mặt trong năm, hoặc chỉ là nơi để hát hò, giải trí, thiếu nội dung thiết thực, thiếu sự gắn kết, giúp đỡ nhau trong cuộc sống thì sẽ dễ làm giảm đi ý nghĩa của nó.
Huỳnh Lê