.

Mở cửa cho người nhập cư

.
Trong đăng ký hộ khẩu (HK) thường trú, một số người do không hiểu luật, hoặc chưa đủ thời gian tạm trú liên tục theo luật định nên chạy đôn chạy đáo đi làm “sự trợ giúp”. Và, mọi tiêu cực phát sinh từ đó…

Mô tả ảnh.
Nếu đủ điều kiện, công dân có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú.
 
Các “điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương” quy định tại Điều 20 của Luật Cư trú (có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 7 năm 2007) đã khẳng định quyền tự do cư trú của công dân trên lãnh thổ nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Theo luật mà làm

“Công dân có quyền tự do cư trú theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Công dân có đủ điều kiện đăng ký thường trú, tạm trú, thì có quyền yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đăng ký thường trú, đăng ký tạm trú. Quyền tự do cư trú của công dân chỉ bị hạn chế theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định".
(Điều 3 Luật Cư trú)
Bà Lê Thị Kinh ở 72 Phan Châu Trinh, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu, năm nay bước qua tuổi 86. Tuổi già, mang nhiều bệnh mãn tính, bà rất cần có con cái chăm sóc. Bà quyết định cho gia đình con trai út của mình đang là kỹ sư ở Hà Nội, cùng vợ và hai con nhỏ (đang học tiểu học) được chuyển vào ở chung với bà. Trong khi vợ chồng con trai chưa hoàn thành thu xếp việc chuyển HK, để bảo đảm cho hai cháu được chuyển trường kịp thời trong năm học 2011-2012 sắp tới, bà làm đơn xin nhập HK hai cháu vào HK của bà trước.

Đem trường hợp này trao đổi với Đại tá Võ Tương, Trưởng Công an quận Hải Châu thì được ông giải thích: “Trường hợp hai cháu nội bà Kinh rơi vào điểm d, khoản 2, Điều 20 của Luật Cư trú. Theo đó, điều kiện để hai cháu chưa thành niên và còn cha mẹ được nhập vào sổ HK của bà là cha, mẹ (của hai cháu) không có khả năng nuôi dưỡng. Khả năng nuôi dưỡng có nhiều yếu tố, có khi tài chính gia đình bảo đảm nhưng cha mẹ đi làm xa, cha mẹ đau ốm dài ngày… Nếu bà Kinh chứng minh được điều này thì theo Luật, chúng tôi sẽ nhập HK ngay cho các cháu chứ không trở ngại gì”.

4 năm trước, tháng 8 năm 2007, Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng tổ chức thi tuyển giáo viên, một trong những điều kiện dự tuyển là thí sinh phải có HK thường trú tại Đà Nẵng. Cô H.L. (HK thường trú ở Pleiku) lúc đó đang dạy hợp đồng tại một trường học trên địa bàn quận Cẩm Lệ, tính đến ngày 1-7-2007 (thời điểm Luật Cư trú có hiệu lực) tạm trú liên tục gần 13 tháng tại nhà một người bà con ở phường Khuê Trung. Tham khảo Luật mới ra đời, cô biết mình có đủ điều kiện để đăng ký hộ khẩu thường trú tại Đà Nẵng, theo khoản 1 Điều 20: “Có chỗ ở hợp pháp và đã tạm trú liên tục tại thành phố đó từ một năm trở lên. Trường hợp chỗ ở hợp pháp do thuê, mượn, ở nhờ của cá nhân thì phải được người cho thuê, cho mượn, cho ở nhờ đồng ý bằng văn bản”.

Được chủ nhà đồng ý, cô nhanh chóng làm thủ tục xin chuyển HK ra Đà Nẵng, vừa kịp nộp hồ sơ dự thi và trúng tuyển. Cô bảo, nhiều người có thời gian tạm trú liên tục trên 1 năm như cô, nhưng không được chủ nhà đồng ý cho nhập HK thì đành chịu.

“Chạy” thời gian tạm trú

Mô tả ảnh.
Bà Lê Thị Kinh rất mong được nhập hộ khẩu cho gia đình con trai để có người chăm sóc mình.
Luật Cư trú ra đời vừa bảo đảm tốt quyền lợi hợp pháp của công dân trong việc cư trú, vừa tạo thuận lợi cho Công an tăng cường công tác quản lý Nhà nước về trật tự an toàn xã hội. Vì thế, Đại tá Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Công an quận Liên Chiểu cho rằng, biểu hiện xin cho trong nhập HK cũng khó phát sinh so với trước. Tuy nhiên, vẫn theo ông Hùng, “có tiêu cực chăng là ở những trường hợp xin nhập HK nhưng chưa đủ 1 năm tạm trú liên tục, phải xin “hợp lý hóa” cho đủ”.

Hiện nay, việc nhiều nhà tuyển dụng lao động ở Đà Nẵng chỉ chọn người có HK ở thành phố đã dẫn đến tình trạng, mà theo Thượng tá Phạm Văn Hùng, Phó Trưởng Công an quận Ngũ Hành Sơn, là “chạy thời gian tạm trú”. Ông Hùng xác nhận là cũng có nghe dư luận chỗ này chỗ kia nói về tiêu cực của một vài cán bộ, công an liên quan đến đăng ký HK thường trú cho người dân. Để ngăn chặn hiện tượng này, ngành đã có một số biện pháp nghiệp vụ.

Ví như kiểm tra xem số sổ tạm trú cấp cho người xin nhập HK có liên tục theo chuỗi số lưu ở Công an phường không? Anh nào “chạy thời gian tạm trú” sẽ có số sổ bị trùng lắp với ai đó. Ngoài ra, bằng cấp đôi khi cũng “tố giác” con người khai gian. Một người có bằng tốt nghiệp đại học ở Huế, ví dụ như ngày 29-3-2011, nhưng lại khai là tạm trú ở phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn từ ngày 29-3-2010. Điều này sai thực tế, bởi không ai tạm trú liên tục ở Đà Nẵng mà lại tốt nghiệp ở Huế được!

Trong đăng ký hộ khẩu (HK) thường trú, một số người do không hiểu luật, hoặc chưa đủ thời gian tạm trú liên tục theo luật định nên chạy đôn chạy đáo đi làm “sự trợ giúp”. Và, mọi tiêu cực phát sinh từ đó… Đại tá Tương khuyên mọi người, nếu hội đủ “điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc trung ương” theo Điều 20 của Luật Cư trú thì đến Công an quận lập thủ tục. Đại tá Hùng thì cho rằng, một khi tiếp nhận và giải quyết quyền lợi của công dân mà anh không thực hiện đúng quy định của Luật, không có phẩm chất đạo đức, không có ý thức phục vụ nhân dân thì cũng dễ dẫn đến vi phạm.

“Mở cửa” cho người nhập cư

Mấy năm trở lại đây, số lượng người từ các tỉnh được đăng ký thường trú ở Đà Nẵng tăng dần, nhất là ở các quận ngoại thành. Con số này, trong 2 năm 2009 và 2010, nếu quận Liên Chiểu tăng từ 1.851 lên 1.921 người thì quận Ngũ Hành Sơn đã tăng từ 402 lên 775 người. Nếu không “vướng” một số bất cập trong Luật Cư trú thì con số này sẽ còn cao hơn nữa.

Thực tế, Đại tá Tương thấy rằng có một số trường hợp công dân đã có nhà, có đất hợp pháp rồi, nhưng phải đăng ký tạm trú trong nhà mình ít nhất 1 năm mới được giải quyết nhập hộ khẩu thường trú. Thượng tá Hùng thì đưa ra bất hợp lý: Có người tạm trú liên tục 2 năm ở quận Hải Châu, nay mua nhà hợp pháp ở Ngũ Hành Sơn, muốn được nhập HK thì cũng phải ráng tạm trú liên tục thêm 1 năm nữa ở chỗ ở mới!

VIÊN PHÚC QUÂN
;
.
.
.
.
.