Người lao động tỉnh lẻ muốn trụ được lâu dài tại thành phố phải đối mặt với những gian nan, thử thách, đòi hỏi sự nhẫn nại, niềm tin, và một ý chí bền bỉ trong suốt cuộc hành trình.
Không ở được thì chuyển?
Tổ ấm nhỏ bé của anh Trần Hữu Bình giữa lòng thành phố. |
Suốt một thời gian lận đận trong Sài Gòn, vợ chồng anh Trần Hữu Bình quyết định chọn Đà Nẵng là nơi dừng chân. Trước đó, gia đình anh thuê được một căn nhà khá rộng tại quận Sơn Trà nhưng chỉ ở được nửa năm vì chủ nhà tìm được mối bán, gia đình anh chuyển đến một phòng trọ khoảng 20m2 trên đường Tôn Đản (phường Hòa An, Cẩm Lệ). Anh cho biết “Ở đâu cũng thế, cuộc sống của dân nhập cư lúc nào cũng đầy vất vả”.
Trước đây vợ anh làm kế toán cho một công ty tư nhân, lương không cao nhưng cũng hỗ trợ phần nào chi tiêu trong gia đình. Sinh con, nơi đất khách quê người không có người giúp đỡ, nên vợ anh phải nghỉ việc ở nhà giữ con, mọi chi tiêu trong gia đình đều trông chờ vào đồng lương làm phiên dịch của anh. Vài tháng trở lại đây, vật giá lên cao, đồng lương của chồng trang trải một cách chật vật cho tiền thuê nhà và sinh hoạt của ba người. Hiện tại, tiền phòng đã lên 1 triệu, tiền nước mỗi tháng cũng lên tới 30 ngàn/người, điện 2.500 đồng/số. Nhiều khi tiết kiệm tối đa, họ vẫn kẹt tiền mua sữa cho con. Khi được hỏi giá phòng cao như thế sao không tìm chỗ khác giá thấp hơn, thì vợ chồng chị lắc đầu bất lực: “Cũng đã nhiều lần tìm và chuyển nhà trọ rồi, nhưng rồi ở đâu cũng chỉ được vài tháng là đối mặt với điệp khúc tăng tiền nhà, tiền nước”. Vì vậy, anh chị quyết định cố gắng khắc phục mọi khó khăn, chọn nơi này để ở lâu dài, sau này còn làm hộ khẩu thuận lợi cho con cái trong việc học hành. Chị Chi tính: Hết tháng này, khi con đủ tuổi đi nhà trẻ, chị sẽ gửi cháu để đi làm trở lại. Chắc chắn, nếu chị chung tay góp sức, thì sẽ vượt qua được những khó khăn trong cuộc mưu sinh.
Cũng mong có được chỗ ở ổn định để yên tâm làm việc và chuẩn bị đón đứa con đầu lòng, vợ chồng chị Phương Trang, giáo viên một trường mầm non tư thục đã cố gắng tìm thuê một căn hộ chung cư trên đường Lê Đình Dương để gần ngày sinh đón bà ngoại vào ở cùng. Nhưng “ngày vui ngắn chẳng đầy gang”. Họ vào ở căn hộ với 2 phòng ngủ rộng rãi, chưa đầy một tháng đã nhận được lời xin lỗi và hoàn tiền của chủ nhà vì họ cần lấy lại căn hộ cho người thân sinh sống.
Sự việc ngoài dự kiến, lại sắp đến ngày sinh, anh chị chẳng còn đủ bình tĩnh đi tìm thuê nhà khác nên chồng chị quyết định đưa chị về quê ngoài Quảng Bình để sinh con. Sinh xong, rồi tính tiếp…
Tại một số địa bàn có các khu công nghiệp, các trường đại học, số người nhập cư rất lớn, vì vậy nhu cầu thuê nhà trọ rất cao. Đông nhất phải kể đến sinh viên và công nhân các khu công nghiệp, nhà máy. Tại các khu nhà trọ, cứ người này ra là có người khác chuyển vào. Các chủ nhà trọ cứ việc tăng giá cho thuê, còn người đi thuê ở được thì ở, không ở được thì… chuyển.
Khó mua điện đúng giá
Giá điện, nước thường do chủ nhà quy định, nước 30.000 – 50.000 đồng/người/tháng, thậm chí nhiều người thuê nhà vẫn phải trả số tiền đó nhưng chỉ được dùng nước giếng khoan. Mặc dù đã có quy định những người có hợp đồng thuê nhà, có đăng ký tạm trú sẽ được mua điện theo giá ưu đãi của Nhà nước, nhưng nhiều người thuê nhà rất mù mờ về vấn đề này nên vẫn phải trả số tiền từ 2.000 – 2.500 đồng/số điện.
Ông Nguyễn Văn Chính, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng cho biết để mua được điện theo giá ưu đãi của Nhà nước, hộ thuê nhà phải có từ 4 người trở lên, có hợp đồng thuê nhà từ 12 tháng trở lên, có xác nhận đăng ký tạm trú, khi đó sẽ trực tiếp ký hợp đồng với bên bán điện để mua điện theo đúng giá bậc thang sinh hoạt cho hộ gia đình. Nếu thuê nhà dưới 12 tháng, hợp đồng mua bán điện sẽ phải do chủ nhà ký và người thuê chịu thêm 10% so với giá bán trên hóa đơn.
Thực tế, rất ít người được mua điện giá rẻ, vì người thuê trọ thường làm “hợp đồng miệng” với chủ nhà, “nhảy cóc” chỗ ở, không ở đủ 12 tháng hoặc không đủ 4 nhân khẩu. Và dù ngành điện lực có quy định cho phép người thuê trọ được sử dụng điện với giá bậc thang, dù các nhà quản lý đã có những động thái trong việc kiểm tra, kiểm soát, nhưng chủ nhà trọ không thực hiện thì người thuê đành chịu thiệt thòi. Số người thuê trọ được mua điện đúng giá là rất hiếm.
Có được mảnh đất, căn nhà tại thành phố, có được những điều kiện thuận lợi hỗ trợ trong cuộc mưu sinh là điều không hề đơn giản đối với nhiều người dân nhập cư. Bởi vậy, trong dòng người đổ về thành phố, miệt mài học tập và lao động, không ít người đã phải từ bỏ ước mơ lập nghiệp, ngậm ngùi về lại quê hương.
Thu Hà