.

Nuôi dưỡng tâm hồn

.

Chỉ có sách vở và những câu chữ nằm trên giấy mới giúp mỗi người thu nhận kiến thức hệ thống nhất, sâu sắc nhất để từ đó nâng cao trí tưởng tượng của mình và óc tưởng tượng sẽ chắp cánh cho chúng ta có cơ hội bay cao, bay xa.

Mô tả ảnh.
Bé Mẫn, học lớp 2 Trường tiểu học Phù Đổng: Sau giờ học hoặc ngày nghỉ, ba chở con đến nhà sách để đọc và chọn mua sách.

 

Nào cùng đọc nhé!

Lớp trẻ ngày nay khó đọc hơn. Vì chúng ta đang sống trong thời đại của máy tính, truyền hình, nhưng không có một phương tiện nghe nhìn nào có thể thay thế việc đọc. Vào Ngày Sách và bản quyền thế giới 23-4, nhiều quốc gia đưa ra thông điệp cho các bậc phụ huynh: “Nào cùng đọc nhé” nhằm khuyến khích các ông bố, bà mẹ cổ vũ việc đọc ở con cái, nhất là các em nhỏ, giúp các em có thói quen đọc sách.

Nhiều vị phụ huynh vào ngày nghỉ hoặc buổi tối dành thời gian dẫn con đi nhà sách, giúp con chọn những cuốn sách hợp lứa tuổi, sở thích các em. Cũng có người tự mua sách về đặt vào tay con. Nhưng không phải ai cũng nhận được kết quả như mong muốn. Chị Nguyễn Kiều Thanh ở phường Thuận Phước cho biết, có nhiều cuốn sách văn học chị đọc sơ qua thấy rất hay, mua về cho con nhưng cậu con trai chị chỉ đọc lướt rồi thôi, hỏi thì nó bảo con không thích, con thích đọc truyện tranh hơn! Cô con gái lớn của chị đang học đại học cũng vậy, lúc nào rảnh là đọc truyện cười Ô long viện, chị Thanh hỏi thì cô phân bua “Con đi học cả ngày, tối còn đi học thêm, thời gian đâu nữa để đọc sách, nên con đọc truyện cười cho dễ ngủ”.

Cũng không thể ép các em đọc sách, khi chúng có thói quen nhưng chưa thể biến thành sở thích. Đọc sách thì phải tư duy, phải suy nghĩ, đặc biệt là những cuốn sách văn học; trong khi đọc truyện tranh, các em nhận thấy sự hấp dẫn của những dòng viết ngắn, có hình minh họa, không phải mệt đầu suy nghĩ vì nội dung ẩn đằng sau những câu chữ.

Để “đối phó” với xu hướng thích truyện tranh, Nhà xuất bản (NXB) Kim Đồng đã làm một tủ sách văn học có tranh như Dế mèn phiêu lưu ký, bộ Thần thoại Hy Lạp, bộ sách về các danh nhân thế giới, truyện cổ tích Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới, và kết quả là “bán đắt như tôm tươi”. Bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Trưởng chi nhánh Trung tâm sách Kim Đồng tại miền Trung cho biết, hầu hết các em từ tiểu học đến trung học đều thích truyện tranh, nhưng với những tác phẩm văn học kinh điển như Dế mèn phiêu lưu ký, Búp sen xanh, Tuổi thơ dữ dội; hay những tác phẩm mới xuất hiện gần đây như Kính vạn hoa, tủ sách văn học dành cho tuổi teen, những tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh khi ra mắt đều được bạn đọc đón nhận nhiệt tình, được tái bản hàng chục lần.

Điều đó chứng tỏ những cuốn sách hay, hợp lứa tuổi vẫn “sống” trong tâm hồn bạn đọc qua nhiều thế hệ. Bà Thủy nhấn mạnh, nhiều phụ huynh cho rằng truyện tranh không mang cho các em sự lãng mạn và phong phú tâm hồn, nhưng cũng không thể ép các em trong việc đọc, khi các em chưa nhận thấy việc đọc mang lại những điều bổ ích. Và cũng không thể ép các em đọc những tác phẩm văn học kinh điển của thế giới cũng như trong nước, như các thế hệ cách đây vài chục năm. Ngày xưa sách ít, nhu cầu tiếp nhận văn hóa đọc khác với hiện nay, khi các em suốt ngày bận học và còn nhiều thứ khác hấp dẫn hơn việc đọc sách.

Nhiều ý kiến cho rằng khi trong gia đình có một tủ sách, việc đọc và sở thích đọc của các em sẽ được duy trì tốt, nhưng không hẳn như vậy. Ông Bùi Đình Liêm, một người chuyên mua bán sách cũ, có hẳn một tủ sách quý và sẽ không bán với bất cứ giá nào, nhưng các con của ông vẫn không mê sách, bởi chúng bận đi học tối ngày.

Đọc sách để nuôi dưỡng tâm hồn

Em Nguyễn Minh Thông, học sinh lớp 8 Trường THCS Nguyễn Huệ thường chọn cả sách văn học, sách lịch sử và sách truyện tranh với lý do “lúc nào rảnh thì con đọc truyện tranh, còn sách lịch sử và văn học thì con chỉ chọn những cuốn con thích, dễ đọc, để có thể hiểu hơn bài học trên lớp”. Cách đọc để phục vụ cho việc học có lẽ xuất hiện thành xu hướng và các em mua sách chủ yếu phục vụ cho việc học. Bạn Hoài Thu, cựu học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn cho biết, trước đây bạn hầu như chỉ mua những cuốn sách văn học làm tài liệu tham khảo, đọc để áp dụng vô bài văn chứ không phải vì tâm hồn mong muốn tìm hiểu những cái có trong sách. Áp lực đọc để đạt điểm cao, mua sách để làm bài khiến cho việc đọc của bạn trở nên thụ động. Nhưng hiện nay khi đã đi làm, bạn Hoài Thu tìm đến sách bởi bạn cho rằng đó là nhu cầu tự thân, thì gặp một trở ngại là có rất ít thời gian để đọc. Và theo bạn là khi cảm thấy buồn là bạn có nhu cầu đi nhà sách, tìm những cuốn sách ưng ý, bạn cũng xem sách như một điểm tựa cho mình trong cuộc sống.

Ông Phạm Huy Hào, Cửa hàng trưởng Chi nhánh Nhà sách Fahasa tại Đà Nẵng cho biết, riêng sách cửa hàng bán ra luôn đạt hơn 65% trên tổng doanh thu. Tỷ lệ này luôn cao hơn TP. Hồ Chí Minh, chứng tỏ người mua sách ở Đà Nẵng rất đông, rất nhiều người thích đọc sách và nhu cầu đọc không hề đi xuống như nhiều người lo ngại. Tại Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng, năm 2010 có gần 50 nghìn lượt thiếu nhi đến đọc và mượn sách tại phòng đọc thiếu nhi. Tổng kho sách cho thiếu nhi là hơn 15.500 bản; có 1.400 bạn đọc là thiếu nhi đăng ký thẻ mượn và thẻ đọc. Năm nay là năm thứ 4 Thư viện tổ chức phát thưởng cho những em đọc sách tích cực. 30 em được chọn trao thưởng là những em đọc và mượn sách nhiều nhất trong số hơn 1.000 học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 tiếp cận với sách. Các em có hẳn những cuốn nhật ký ghi lại các gương người tốt - việc tốt mà các em đọc được, việc đọc đó còn được áp dụng vào việc học và tích lũy kiến thức như thế nào.

Vào ngày hội đọc sách năm nay, Trung tâm sách Kim Đồng miền Trung sẽ ra mắt Câu lạc bộ Đọc sách tại Nhà văn hóa Thiếu nhi và giảm giá 20% trên đầu sách trong hai ngày 23, 24-4; Nhà sách Fahasa trưng bày hơn 60.000 đầu sách quốc văn và ngoại văn, giảm giá từ 20 - 80% giá bìa từ ngày 21-4 đến 1-5. Đây là cơ hội để bạn đọc được tiếp cận nhiều hơn với sách, để thói quen đọc sách được duy trì, để sách luôn nuôi dưỡng tâm hồn.

Hoàng Nhung

;
.
.
.
.
.