.

Từ tác giả đến độc giả

.
Với dân số gần 900 nghìn người, thành phố Đà Nẵng hiện có trên 20 nhà sách, trong đó, Công ty CP Sách và Thiết bị trường học Đà Nẵng có 7 nhà sách ở các quận, huyện. Nhà xuất bản (NXB) Đà Nẵng mở riêng một nhà sách ở ngã ba Hùng Vương – Bạch Đằng để giới thiệu sách và thăm dò ý kiến phản hồi của người đọc để ngày một hoàn thiện sản phẩm của mình hơn.

Mô tả ảnh.
Sách truyền thống vẫn còn chiếm một vị trí nhất định trong lòng người đọc.
 
“Hay” thay cho “dày”

Những nhà chuyên doanh sách trong nước đã từng bỏ thời gian, công sức ra nước ngoài tiếp xúc với các NXB tên tuổi trên thế giới để học cách in ấn, phát hành sách sao cho thích hợp với từng lứa tuổi bạn đọc (sách thiếu nhi, sách tham khảo, sách văn học, sách lịch sử...), từng không gian (sách đọc trên tàu xe, sách đọc trên giường ngủ, sách bỏ túi…). Nhờ đó, thị trường sách trong nước đã xuất hiện các loại sách mỏng, nhẹ để người đọc có thể “gối đầu giường” và thoải mái lôi ra đọc mà không bị sức nặng của sách “đè” lên người. Hay những loại sách nhỏ bằng bàn tay, có thể bỏ túi dễ dàng để, nếu cần, là có cái có thể đọc ngay trong lúc chờ đợi làm một việc gì đó.

NXB Đà Nẵng, từ những năm đầu thành lập, Giám đốc - Tổng Biên tập đầu tiên là ông Nguyễn Văn Giai đã từng cùng một số cán bộ chủ chốt trong cơ quan đến trực tiếp gặp ông chủ Nhà sách Khai Trí - Sài Gòn để tìm hiểu học hỏi về cách làm sách, tham quan kho sách còn lưu trữ được của ông chủ nhà sách cũ này.

Nhưng rồi, tình hình xuất bản chuyển biến quá nhanh, đã vất vả với giá thành sách quá cao, lại thêm một đối thủ bom tấn nữa, như cách nói của Trưởng phòng Biên tập NXB Đà Nẵng Nguyễn Kim Huy, là “ông Internet” lù lù xuất hiện bên cạnh các “ông nghe nhìn”, thành ra cả nền xuất bản thế giới cũng phải lao đao chứ không riêng gì ai…

Không “cách tân” nổi, các NXB đành quay về với cách làm sách truyền thống, có chú trọng đến xu hướng làm mỏng và thu nhỏ sách lại theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nhà sách Minh Khai (TP.Hồ Chí Minh) phát hành một đầu sách theo hai loại: Sách đẹp dành cho người có tiền và sách rẻ hơn dành cho sinh viên. Tuy nhiên, độc giả hiện vẫn chưa mặn mà với loại sách “mini” này vì sách nhỏ thì chữ nhỏ, đọc rất mệt; thêm nữa, một số nhà sách ngại nhận vì dễ bị mất cắp!

NXB Đà Nẵng có một hướng đi riêng, như lời ông Huy: “Chúng tôi chủ trương lấy “hay” thay cho “dày”, “tinh” thay cho “nhiều”, cố gắng tổ chức và xuất bản được những đầu sách hay, có ấn tượng để sách có thể đến được với bạn đọc, dù có thể không đồ sộ, không có số lượng in lớn”.

Chân giá trị của sách

Mô tả ảnh.
NXB Đà Nẵng đang triển khai xây dựng các tủ sách chuyên đề như “Danh nhân Đất Quảng”, “Văn hóa Du lịch Đà Nẵng”…
Nhà sách được xem là “điểm hẹn” của tác giả, nhà xuất bản và bạn đọc. Trước đây, tác giả đưa sách đến là NXB vồn vã vồ lấy và trả ngay tiền nhuận bút. Nay thì thời hoàng kim đó đã qua rồi. Khó khăn chung, tác giả cũng phải góp vốn với NXB, nhận nhuận bút bằng… chính sách của mình và tự thân đi phát hành nó. Nếu “số phận” quyển sách của mình không được may mắn, nằm mãi trên giá thì tác giả cũng phải chia sẻ thua thiệt với NXB.
 
Thực tế cho thấy, số người đến nhà sách và mua sách giảm sút đáng kể trong mấy năm trở lại đây. Giải thích điều này, một độc giả không muốn nêu tên cho biết có 2 nguyên do. Thứ nhất, đã có sách trên “mạng”, thứ hai, đáng lo hơn, là tình trạng tràn lan sách photocopy.

Người miền Trung nói chung, Đà Nẵng nói riêng luôn nghĩ đến tiết kiệm khi mua sắm. Một quyển sách nguyên gốc giá khá cao, vì ngoài công in ấn, nhuận bút, còn phải trả tiền tác quyền (đối với những sách dịch nước ngoài). Cầm sách lên, nhìn giá bìa là nhiều người lại  đặt xuống. Giải pháp hàng đầu cho những trường hợp này là… sách photocopy, tuy mẫu mã không đẹp, nhưng được cái là giá quá bèo.

Về tình trạng ế ẩm sách, một giáo viên ở quận Hải Châu bổ sung thêm một nguyên do nữa: sách giả. Với công nghệ hiện đại ngày nay, sách giả như thật. Trong lúc sách thật đường hoàng ra nhà sách và lắm khi “nằm lì” ở đó thì sách giả, sách photocopy lại tự tung tự tác trên thị trường khiến cho tác giả và NXB thêm lao đao, điêu đứng. Hiện tượng có nguy cơ giết chết ngành xuất bản sách này hiện cần lắm những động tác quyết liệt của cơ quan chức năng.

Trước thực trạng phát hành sách hiện nay, ông Huy chia sẻ: “Có lo, có buồn nhưng vẫn hy vọng! Như trong cuộc đời con người, đến một lúc nào đó, thì những cái hào nhoáng, sôi nổi, rộn ràng quyến rũ sẽ qua đi, con người sẽ lắng lại, sẽ tìm về những cái chân giá trị. Mà sách là một chân giá trị. Như tình yêu vậy”.

Bà Nguyễn Thị Tam, chủ Nhà sách Chánh Trí ở 116A Nguyễn Chí Thanh, thì hy vọng rằng xã hội vẫn còn nhiều người mê sách. Đã mê rồi thì giá cả thế nào không thành vấn đề, miễn sao “săn” được sách là cảm thấy hạnh phúc lắm rồi. Yêu sách, vợ chồng bà Tam mở nhà sách hơn 20 năm nay, đặt tên như thế để tôn vinh chân giá trị của sách. Ông Huy thì “vẫn còn giữ được sự tin yêu vào nghề xuất bản và biên tập sách mà mình đã theo đuổi tròn 25 năm nay”.

Nếu xã hội còn có thêm được nhiều độc giả yêu sách thì sách truyền thống vẫn tồn tại và phát triển.

Văn Thành Lê
;
.
.
.
.
.