.

Tự ứng cử và dư luận

.
Theo thông tin qua Hội nghị hiệp thương lần thứ hai để thỏa thuận lập danh sách sơ bộ những người ứng cử đại biểu (ĐB) HĐND thành phố Đà Nẵng khóa VIII, nhiệm kỳ 2011-2016 diễn ra vào cuối tuần qua, trong số 96 ứng cử viên có hồ sơ hợp lệ thì có 2 người tự ứng cử. Hai người này đều là doanh nhân (DN), một người từng là ĐB HĐND thành phố.

Mô tả ảnh.
Nhiều đại biểu HĐND thành phố (khóa VII) thể hiện trách nhiệm cao với cử tri. TRONG ẢNH: ĐB Thái Thanh Hùng góp ý trong kỳ họp tổng kết HĐND thành phố khóa VII.
 
Cũng qua Hội nghị hiệp thương lần thứ hai, có  10 người tự ứng cử vào HĐND thành phố Hà Nội trên tổng số 182 ứng cử viên, trong đó có 7 người là DN. Tại TP. Hồ Chí Minh, cũng có 7 người là DN trong số 21 người tự ứng cử trên tổng số 201 ứng cử viên vào HĐND thành phố.

Trước thông tin về việc người tự ứng cử có xu hướng tăng lên trong bầu cử HĐND các cấp lần này, nhiều ý kiến cho rằng, đó là do tinh thần dân chủ trong xã hội ngày càng được mở rộng; mức độ quan tâm và sự hiểu biết của cử tri đối với hoạt động bầu cử nói chung và hoạt động của các cơ quan dân cử nói riêng ngày càng sâu sắc, đầy đủ hơn; quyền hạn và trách nhiệm của  ĐB được thể hiện một cách rõ ràng, minh bạch... “Nhiều nơi khác tôi chưa biết, nhưng với hoạt động của HĐND thành phố Đà Nẵng nhiệm kỳ qua đã cho thấy có những chuyển biến rõ nét; thể hiện được vai trò, quyền hạn của mình trong việc đề ra những quyết sách không những mang tầm phát triển thành phố, khu vực mà cả quyền lợi của mỗi người dân. Qua đó, vai trò của người ĐB HĐND cũng được nâng lên. Tôi nghĩ, có lẽ như vậy mà một số người đã tự ứng cử để có cơ hội thể hiện vai trò của mình chăng?”- Ông Nguyễn Thanh Tuấn, cử tri quận Hải Châu nhìn nhận.

Bên cạnh đó, cũng có những ý kiến đặt ra trước việc các DN chiếm số đông trong những người tự ứng cử, mà cụ thể là ở Đà Nẵng và Hà Nội trong đợt bầu cử này. Một số người cho rằng, không khí dân chủ đã tạo cơ hội cho một số DN thấy được vai trò, trách nhiệm của mình trong việc ra ứng cử, trở thành ĐB HĐND nhằm góp tiếng nói, trước tiên cho cộng đồng DN và sau đó là cho sự phát triển của đất nước; hoặc sự lớn mạnh của cộng đồng DN sau 20 năm đổi mới đất nước cho thấy tỷ lệ DN trong ĐB HĐND ngày càng được nâng lên là xu thế tất yếu... Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, việc tự ứng cử của một số DN cũng chính là cơ hội để quảng bá hình ảnh của doanh nghiệp, mà việc trúng cử hay không trúng cử cũng không thành vấn đề, chủ yếu là để mọi người quan tâm tới đơn vị mình. Đó cũng là một thành công trong quảng bá thương hiệu, nhất là trong xu thế thông tin hiện nay và nhất là việc tỷ lệ người tự ứng cử vẫn chưa thật sự cao!

Đó là những vấn đề dư luận đặt ra. Điều quan trọng là mỗi ứng cử viên cần xác định đúng đắn động cơ, mục đích để ứng cử làm ĐB HĐND các cấp; qua đó thể hiện tinh thần, thái độ nghiêm túc của người tự ứng cử trước cử tri, trước trọng trách mà mình thực hiện nếu được cử tri tín nhiệm giao phó. Bởi trên con đường làm đại biểu của nhân dân, không có tính tạm thời. Ông Nguyễn Quang Nga, ĐB HĐND thành phố Đà Nẵng các khóa V, VI, VII-người nhận được nhiều động viên tham gia tự ứng cử, chia sẻ: Tự ứng cử, theo quan niệm của tôi, thì giống như đi xin việc làm. Xin việc thì thường thường người ta xin những việc sung sướng, chứ xin vào những chỗ cực thì ai xin. Tự ứng cử vào mà làm không tốt thì lại dở. Tự ứng cử là tự tham gia vào tổ chức để thực hiện nhiệm vụ đối với cử tri, chứ không phải vào đó để mà có cái gì!

Anh Quân
;
.
.
.
.
.