.
Chuyện xưa xứ Quảng

Án Nại Nguyễn Hanh

.
Nguyễn Hanh còn có tên là Nguyễn Thanh Hanh, sinh năm 1819 tại làng Nại Hiên Tây, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Nam (nay là phường Bình Hiên, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng). Xuất thân trong một gia đình nghèo lại sớm mồ côi, nên từ bé Nguyễn Hanh phải giúp mẹ mưu sinh nhưng ông là người nổi tiếng thông minh hay chữ.

Mô tả ảnh.
Đèo Lộc Hòa, nơi Án Nại Nguyễn Hanh hy sinh. Ảnh: Nguyễn Trường Thăng
 
Năm 1852 ông đỗ đầu khoa thi Hương tại trường thi Thừa Thiên, được bổ làm Tập Hiền viện tu thư, rồi Đô sát viện Ngự sử đạo Thanh Hóa, Án sát sứ Nghệ An. Năm 1874, khi đang giữ chức Án sát sứ Nghệ An, ông được triều đình cử đi dẹp cuộc khởi nghĩa của Trần Tấn và Đặng Như Mai. Ông đã không chịu đàn áp cuộc khởi nghĩa của văn thân chống lại thái độ nhu nhược của triều đình khi liên tiếp nhượng bộ quân xâm lược bằng các hàng ước Nhâm Tuất (1862) và Giáp Thân (1874) nên bị lột hết chức tước chỉ giữ lại cái hàm cử nhân và cho về nguyên quán. Chính vì thế người đời thường gọi ông là Án Nại (ông Án sát ở làng Nại Hiên).

Năm 1875, ông lại được gọi lại làm việc ở quân thứ Tuyên Quang và Hưng Hóa cùng với Ông Ích Khiêm. Sau một thời gian cảm thấy chán nản với thời cuộc, ông cáo bệnh xin về.

Năm 1885, Nguyễn Hanh là một trong những văn thân đầu tiên hưởng ứng hịch Cần Vương kháng Pháp của vua Hàm Nghi và đầu quân dưới trướng của Trần Văn Dư. Ông chỉ huy quân Nghĩa hội chiến đấu ở mặt trận Đà Nẵng. Ngày 19 tháng 10 năm 1885, ông hy sinh trong trận đánh tại Phú Thượng (Hòa Sơn, Hòa Vang), thọ 66 tuổi. Nghĩa hội Quảng Nam đã cho tổ chức lễ tang và lễ truy điệu ông trên núi Quắp (một ngọn núi nằm giữa Duy Xuyên và Quế Sơn). Ông được xem là Văn thân liệt sĩ đầu tiên của Nghĩa hội Quảng Nam.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy đã kể nhiều giai thoại về người Văn thân liệt sĩ này trong tác phẩm Phong trào Nghĩa hội Quảng Nam (Nhà xuất bản Đà Nẵng, 1998).

Trước hết Án Nại là chủ nhân của câu đối nổi tiếng “Mẫu xuất ngoại nhứt kiên phò nhật nguyệt/ Tử tại đường lưỡng thủ chuyển càn khôn”. Chuyện kể lúc nhỏ nhà nghèo, lại mồ côi cha nên hằng ngày ông phải xay bột đổ bánh bèo cho mẹ gánh đi bán. Hình tượng người mẹ vai gánh “mặt trời và mặt trăng” và người con trai hai tay “chuyển trời đất” là hình ảnh của hai mẹ con ông với nghề làm bánh bèo để đi bán rong. Có người còn cho rằng kiệt bánh bèo ở Nại Hiên hiện nay (gần Giếng Bộng) là dấu tích nơi sinh sống của mẹ con ông ngày xưa.

Cũng do nhà nghèo ông đã phải đánh mất “mối tình đầu” để lấy một người con gái khác. Chính gia đình cô gái sau này đã giúp ông ăn học thành tài nhưng mối tình đầu vẫn cứ ám ảnh ông và ông đã để lại cho đời những vần thơ nổi tiếng vừa day dứt vừa chua xót khi biết người yêu cũ bị ép duyên lấy một người đánh cá giàu có nhưng lớn tuổi:

 Phận đã đành song còn một chút chưa đành/ Lặng cũng dở mà nói ra càng thêm dở/ Nài hoa ép liễu, nổi căn duyên chếch mác bởi vì đâu?/ Chê muống ôm dền, bề ái ân phủ phàng chi lắm thế!/ Mây Hành lãnh khi tan khi hợp, tủi thân em lưu lạc nước non xa/ Nước thủy triều con ngược con xuôi, thương phận gái nổi chìm quê quán lạ/ Muốn lấy nhân duyên than cùng với gió, gió qua cửa biển, dạng phất phơ thêm giục mấy cơn sầu/ Toan đem phận số trách với ông trăng, trăng dọi đầu non, bóng lơ lửng khôn soi vào tấc dạ...

Nguyễn Sinh Duy cũng cho rằng Án Nại là tác giả của đề thi hóc búa ở khoa thi Hương tại trường thi Nghệ An khi ông làm Chánh chủ khảo tại đây.

Chuyện kể, khi nghe tin quan Chánh chủ khảo chỉ là một ông Giải nguyên người Quảng Nam chứ không phải là Tiến sĩ hay Phó bảng, sĩ tử của vùng đất học này tỏ ý coi thường và đã phát biểu một câu hớ hênh: “Ai chứ ông Chánh chủ khảo người Quảng này thì trăm điều cũng chả sợ”. Câu nói đến tai quan Chánh chủ khảo họ Nguyễn nhưng ngài vẫn thản nhiên.

Đến ngày thi, các sĩ tử đều cắn bút ngồi vì đề thi quá hóc búa “Thất thập nhị hiền hà hiền hà đức; nhị thập bát tú hà tú hà tinh”, nghĩa là: 72 người hiền, ai là hiền, ai là đức; 28 tinh tú, sao nào là tinh, sao nào là tú (72 cộng 28 là đủ 100). Đây là câu hỏi về thiên văn và lý số của Trung Hoa cổ đại rất ít người rành, vả lại cũng khó mà nhớ cho đủ và phân biệt đến 100 thứ. Năm đó, sĩ tử đất Nghệ rớt như lá mùa thu, đành phải kiệu vị Chánh chủ khảo vào trả cho triều đình, trong lòng vừa phục lại vừa căm.

Đến cái chết của ông cho đến nay sử sách vẫn chưa hoàn toàn thống nhất.

Hai tác giả Lê Duy Anh và Lê Hoàng Vinh cho rằng ông bị giết trên đường đi thương thuyết: “Khâm sai Phan Liêm tiếp xúc nhờ uy tín ông làm trung gian thương thuyết với Nghĩa quân, để một số giáo dân tay sai của Pháp rút khỏi Phú Thượng. Trên đường tới Phú Thượng, giữa đường ông bị giết nên cuộc thương thuyết bất thành”. (Lược sử Đà Nẵng 700 năm, NXB Đà Nẵng, năm 2006, trang 152).

Còn theo Nguyễn Sinh Duy thì Án Nại chết khi dẫn quân tấn công vào Phú Thượng: “Maillard đích thân chỉ huy quân xung kích của y với khí thế quyết tâm phục thù cho 6 cảm tử quân chiều hôm qua. Hai bên chạm trán nhau tại đèo Lộc Hòa. Maillard tiến lên và một kẻ dẫn đường của y đã nhanh nhẹn phóng một ngọn giáo vào người Án Nại đang ngồi trên mình ngựa đi trước. Án Nại ngã nhào chết liền tại chỗ và bị lấy mất thủ cấp”. (Nghĩa hội Quảng Nam, NXB Đà Nẵng, 1998, trang 184) 66 năm của đời ông đầy chất bi hùng!

Một con đường hay một ngôi trường mang tên Nguyễn Hanh trên chính quê hương Nại Hiên của ông là một điều vô cùng cần thiết để ghi công người liệt sĩ Văn thân đầu tiên, tài hoa nhưng nhiều lận đận.

 LÊ NAM QUẢNG
;
.
.
.
.
.