.

Cửa sổ tri thức: Nhớp như lồi

Nhớp như lồi

* Người Quảng thường nói “nhớp như lồi” khi chê con nít ăn dơ ở bẩn. Xin cho biết “lồi” nghĩa là gì mà được ví như thế? (Hoàng Nam, Sơn Trà, Đà Nẵng).

- Đây cũng là câu hỏi được tác giả Lê Minh Quốc nhắc lại trong cuốn “Người Quảng Nam” (NXB Đà Nẵng, 2007) cùng với kỷ niệm thời thơ ấu: Thuở nhỏ mỗi lần đi chợ về, thấy tôi chơi ngoài ngõ là mẹ tôi thường kéo tôi vào nhà la (mắng): “Trời! Mi nhớp như lồi. Ra sau nhà tắm mau!”.

Trong sách nói trên, tác giả đã trích dẫn bài viết của nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân đăng trên Địa chí Đại Lộc, tr.18. Theo đó, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân cho rằng “Lồi” là “người Lồi” và ông đã giải thích như sau:

“Tôi thấy ở Thừa Thiên, Quảng Nam, ngày trước lễ cúng tá thổ thường cử hành trọng thể. Tá thổ là thuê, mướn đất... Lễ này của đạo giáo, các phù thủy giữ vai trò liên lạc với người khuất mặt bằng những lối riêng để đạt những yêu cầu nào đó của người sống. Lễ tá thổ sở dĩ có vì hai lý do: Để an ủi tiền nhân vì đã mất đất và để xin tiền nhân đừng vì cơn phẫn nộ truyền kiếp mà quấy phá kẻ hậu sinh. Trong các văn tế từ Thừa Thiên (tôi chưa khảo sát những vùng khác) vào Quảng Nam, dù lời văn có khác nhau, song đại ý đều chỉ đối tượng đầu tiên là: “Chủ Ngung, Man Nương”, rồi tiếp theo lời khấn vái các cô hồn khác:

Lồi, Lạc thương vong/ Chàm, Chợ, Mọi rợ/ Đăng chủ hương hồn/ Đồng lai cộng hưởng.

Từ Lồi phổ biến đến nỗi những di tích cũ của Chàm, dù thành, quách, tượng... cũng bị Lồi hóa. Thành đất ở Quảng Trị, Huế và Quảng Nam, gần Túy Loan (Đại Lộc hiện nay vẫn còn di tích) đều được gọi là thành Lồi. Bà Thiên Y A Na, trong các văn tế cũ (chẳng hạn làng Phước Ninh - Đà Nẵng) cũng gọi là Lồi Phi phu nhân. Một số tượng nơi này, nơi nọ cũng gọi tượng Bà Lồi.

Vậy Lồi là một sắc dân có thật, không phải là Chàm, chỉ bị người sau vì thói quen đồng hóa với Chàm. Văn tế minh xác điều ấy, không lầm lẫn được”.

Từ đó, tác giả Lê Minh Quốc cho rằng, trên đất Quảng Nam xưa, không phải người Chăm là chủ nhân đầu tiên mà còn có những sắc dân khác nữa - như Lồi, Lạc - tạo nên lịch sử vùng đất này. Tuy nhiên, vẫn theo sách “Người Quảng Nam”, còn cách lý giải khác như sau:

“Tìm đọc trong tập Những người bạn cố đô Huế (Bulletin des amis du vieux Hue) tập X năm 1923, tôi thấy có bài “Di tích Chàm trong văn hóa dân gian An Nam tại Quảng Nam” của bác sĩ người Pháp A.Salles. Trong đó, tác giả cũng có cách lý giải rằng: “Lồi” có nghĩa là mọc từ đất, nhưng lại ứng dụng vào rất nhiều sự vật thông thường liên quan với một kỷ niệm Chàm. Ta có thể căn cứ vào điều này để chứng minh các định nghĩa thứ hai của Gabriel trong từ điển của ông: “Người Lồi” là người của nước Cham-pa, có được không? Tại Quảng Nam, tôi không hề thấy tiếng gọi tên này được vận dụng trực tiếp cho người đã bị mai một, nhưng tôi nghĩ rằng đối với người An Nam, ý tưởng nằm trong định nghĩa này là nhắm vào đồ vật và nơi chốn. Họ gọi thành Lồi để chỉ các hào lũy phòng thủ xưa kia của người Chàm. Một địa điểm xưa kia được gọi là “cồn lồi”, một địa điểm khác xưa kia có cây mít to, được gọi là “mít lồi” và đây là một địa điểm rộng có nhiều gạch cho thấy một công trình xây đắp bị đổ nát”.

Để kết luận, tác giả đã “chọn lấy cách giải thích của ông Nguyễn Văn Xuân, nhưng vẫn nêu thêm ý kiến này để bạn đọc rộng đường tham khảo”.

Đ.N.C.T

;
.
.
.
.
.