Nếu so với tỷ lệ khách du lịch quay lại của Thái Lan là 50%, thì tỷ lệ này ở Việt Nam chỉ đạt 15%, trong khi tỷ lệ bình quân trong khu vực Đông Nam Á là 30%, cũng cho thấy đẳng cấp dịch vụ trong ngành du lịch của chúng ta như thế nào. Trong khi đó, theo đánh giá thì chúng ta có tiềm năng rất lớn về du lịch; nhưng rõ ràng, để biến tiềm năng đó thành hiện thực không phải là dễ dàng.
Ông Lương Thanh Nam, Tổng Giám đốc Công ty CP Giải pháp Việt nhìn nhận như vậy tại Hội thảo “Giải pháp cho khách sạn và resort tại Việt Nam” vừa được tổ chức tại Đà Nẵng với sự tham dự của các nhà cung cấp dịch vụ nổi tiếng thế giới về lĩnh vực này.
Còn theo một kết quả khảo sát được công bố mới đây của Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng, thì có đến 77,8% du khách trả lời là không biết chắc chắn có quay trở lại Đà Nẵng hay không, trong khi có 4,6% du khách trả lời chắc chắn sẽ không quay lại. Tỷ lệ du khách chắc chắn quay trở lại chỉ là 22,2%. Con số này chỉ cao hơn mặt bằng chung cả nước một ít nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với con số 30% do ông Lương Thanh Nam đã đưa ra ở trên.
Theo các nhà phân tích, thì những con số trên cho thấy, ngành dịch vụ du lịch Việt Nam nói chung và ở Đà Nẵng nói riêng vẫn còn ở một đẳng cấp thấp hơn so với các nước trong khu vực Đông Nam Á, chứ chưa nói đến những nước khác trên thế giới. Đẳng cấp đó chính là do nhiều yếu tố, từ sự hoạch định chiến lược, đầu tư ngân sách, xây dựng cơ sở hạ tầng, hình thành sản phẩm, phát triển nguồn nhân lực, hợp tác trong kinh doanh, ứng dụng công nghệ thông tin...
Nhìn nhận vấn đề này, trong thời gian qua, Đà Nẵng đã xây dựng chiến lược phát triển du lịch với quyết tâm đưa thành ngành dịch vụ chính, khai thác triệt để những tiềm năng, lợi thế lớn của mình; qua đó dần vươn lên khẳng định đẳng cấp về du lịch Đà Nẵng trong bản đồ khu vực Đông Nam Á cũng như thế giới. Việc thu hút đầu tư trên lĩnh vực này đã đạt được những kết quả khả quan. Trong 5 năm qua, đã có 55 dự án đầu tư về du lịch ước đạt tổng vốn hơn 54 nghìn tỷ đồng; tổng doanh thu du lịch đạt gần 4 nghìn tỷ đồng, với tốc độ tăng 20,1% mỗi năm; tổng lượng khách du lịch tăng 17,1% mỗi năm, trong đó khách quốc tế tăng 9% mỗi năm... 200 khách sạn và khoảng 7 nghìn phòng, trong đó có những thương hiệu nổi tiếng đã được xây dựng tại Đà Nẵng, chủ yếu khai thác lợi thế bờ biển đẹp và có môi trường trong lành...
Thế nhưng, vẫn còn đó những trăn trở trước việc đầu tư và khai thác có hiệu quả những thế mạnh mà Đà Nẵng đang có trong thời gian tới. Kết quả khảo sát của Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng cũng cho thấy, 87,16% khách du lịch quốc tế đến thành phố biển này với mục đích tham quan. Các loại hình dịch vụ trong du lịch còn thiếu nên thời gian lưu trú của khách khá ngắn, từ 2 ngày trở xuống chiếm đến 69,7% và du khách cũng chưa chịu móc hầu bao chi tiêu khi ở đây. Vì vậy, việc đầu tư vào du lịch chưa đạt hiệu quả như mong muốn. Đồng thời, việc quan trọng là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao - từ nhà hoạch định chiến lược đến quản lý cũng như đội ngũ phục vụ trực tiếp, vẫn chưa theo kịp tốc độ và yêu cầu.
Đây chính là những bài toán cần giải quyết căn cơ hơn để du lịch trở thành ngành dịch vụ đẳng cấp, khẳng định thương hiệu du lịch Đà Nẵng trong tương lai gần.
“Đầu tư phát triển du lịch bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển mạnh mẽ du lịch nghỉ dưỡng và du lịch công vụ; liên kết với các địa phương trong khu vực theo hướng xác định những sản phẩm chủ yếu, các thị trường trọng điểm; xây dựng các chương trình kích cầu mạnh mẽ, với những chiến lược quảng bá, tiếp thị đồng bộ, dài hạn; đẩy mạnh đào tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực du lịch; tăng cường quản lý Nhà nước về du lịch”. (Trích Báo cáo chính trị Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2010-2015) |