.

Để biển đẹp thêm

.
Hè đến, các bãi biển tại thành phố Đà Nẵng mỗi ngày thu hút hàng ngàn du khách. Tình trạng dịch vụ kinh doanh đồ ăn, nước uống chen chúc nhau, chèo kéo khách, gây mất trật tự nay đã không còn nữa. Thay vào đó là những bờ cát trải rộng, những tán dù lá, dù màu xanh mát mắt của các hộ kinh doanh đã được quy hoạch vào đúng nơi quy định.

Mô tả ảnh.
Nhiều du khách vẫn mang đồ ăn xuống bãi tắm.
 
Ngày mỗi ngày, để biển đẹp thêm lên, những người đang gìn giữ vẻ đẹp của biển vẫn luôn phải đối mặt với những thách thức mới trong công việc.

Niêm yết giá bằng miệng và bán hàng... từ xa

Mới đây, có 3 vị khách ở Hà Nội, sau khi dùng 3 chai trà xanh, một đĩa đậu phụng tính tiền hết 85.000 đồng. Một chị trong nhóm có hỏi lại giá bao nhiêu một chai nước, được chủ quán thông báo 15.000 đồng/chai, đậu phụng 10.000 đồng/đĩa. Tính ra chỉ hết 55.000 đồng, chị băn khoăn không biết 30.000 đồng còn lại là tiền gì? Mặc dù từ năm 2011, BQL Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đã có quy định các cá nhân, đơn vị kinh doanh tại các bãi biển phải niêm yết giá dịch vụ, nhưng hiện nay các hàng quán trên bãi biển vẫn chưa thấy có bảng giá dịch vụ đồ ăn, thức uống mà chủ yếu niêm yết giá bằng… miệng, gây nhiều phiền toái cho khách.

Ông Nguyễn Đức Vũ - Trưởng phòng Truyền thông và Tổ chức sự kiện, BQL Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng cho biết dù còn nhiều bất cập, nhưng BQL luôn tìm cách khắc phục, tuyên truyền vận động để người dân hiểu việc niêm yết giá là cần thiết, tạo uy tín và thu hút khách đến với dịch vụ biển.

Quán xuyến cả khu vực biển chen kín người, hằng ngày, loa phát thanh của BQL thường xuyên nhắc nhở khách không mang đồ ăn xuống gần bãi tắm, nhưng nhiều người vẫn mang đồ xuống gần mép nước vô tư ngồi ăn và vô tư xả rác. Trong đó nguy hiểm nhất là vỏ ốc, tăm nhọn, những vật cứng bị vùi trong cát, trở thành vật gây sát thương cho nhiều người. Khi bị nhắc nhở quyết liệt, nhiều anh em trong đội còn bị người bán ốc hút đổ cả xô ốc vào người.

Đã có quy định cấm bán hàng rong tại bãi biển nhưng lại xuất hiện  biến tướng mới là người bán để hàng trên vỉa  hè, xuống biển mời khách, thỏa thuận mua bán xong, cho người mang đồ ăn đến; hoặc họ giả làm khách để tiếp cận khách hàng. Đội trật tự khó có sức để tỏa khắp mọi nơi, phát hiện những cách buôn bán thế này.

Mong một sự hợp tác từ phía người dân

Anh Nguyễn Ngọc Sơn - Đội trưởng Đội quản lý trật tự du lịch biển cho biết: Công việc chính của đội là quản lý các hộ kinh doanh, giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm an toàn, nhắc nhở người dân chơi thể thao đúng nơi quy định, không trải bạt ở thảm cỏ và bãi biển… Hầu hết các du khách đều thực hiện tốt các quy định của BQL. Nhưng một số người do nhận thức chưa tốt nên việc chấp hành còn hạn chế. Ngoài việc buôn bán nêu trên, thì một số quy định, khách vẫn chưa chấp hành tốt. Chuyện nhỏ như việc cấm mang gia súc xuống bãi tắm, nhiều người không hợp tác mà còn gây sự và nói những câu rất thiếu văn hóa, nếu anh em trong đội không kiềm chế rất dễ xảy ra xô xát.

Hiện nay, nhiều khách tắm biển còn phiền lòng về tình trạng thanh niên, học sinh, sinh viên ra biển tắm theo nhóm, chơi trò trèo tháp, lộn nhào, hoặc ném cát, gây khó chịu cho khách tắm biển. Khách tắm có nhắc,  họ lại chuyển từ chỗ này qua chỗ khác và tiếp tục trò chơi. Anh Nguyễn Quốc Vinh - Đội trưởng Đội cứu hộ cho biết, xử lý những trường hợp này rất khó vì đội trật tự quản lý trên bờ, còn đội cứu hộ lại ở hẳn phía bên ngoài hành lang phao... Anh Vinh chia sẻ: “Đây là nghề phục vụ cộng đồng nên thành phần rất đa dạng, phức tạp, thỉnh thoảng lại gặp những người uống rượu, bia say xỉn rồi tự xuống tắm ở những vùng nước xoáy, nguy hiểm, khi anh em trong đội cứu hộ tới nhắc thì họ lý sự “biển có phải của anh đâu mà anh giữ, tôi thích tắm ở đâu là quyền của tôi”. Nếu có nói đến sự nguy hiểm đến tính mạng họ cũng nói luôn “tính mạng tôi, tôi chịu trách nhiệm”. Những lúc như thế,  anh em chỉ còn biết trông chừng, có gì xảy ra còn ứng cứu kịp thời...

Đội cứu hộ có 73 người, chia đều thành 15 tổ trải dài từ bãi tắm Non Nước đến Xuân Thiều. Căng sức ra làm trong những giờ cao điểm. Một năm đội cứu hộ, ứng cứu hàng trăm người. Ai cũng rất thận trọng, toàn tâm, toàn ý,  không lơ là trong công việc, để không xảy ra một sự cố nào ảnh hưởng đến uy tín của ngành du lịch biển.

Đến Đà Nẵng, sức hấp dẫn của các bãi biển không chỉ ở bờ cát trắng, độ sóng êm mà còn bởi môi trường du lịch văn minh, con người thân thiện. BQL Bán đảo Sơn Trà và các bãi biển du lịch Đà Nẵng đang ngày đêm nỗ lực không ngừng, góp phần tạo nên diện mạo mới trên các bãi biển du lịch của thành phố.
 
Thu Hà
;
.
.
.
.
.