Năm 40, Trưng Trắc cùng em gái là Trưng Nhị phất cờ khởi nghĩa ở Mê Linh chống lại quân Hán, trả thù Thái thú Tô Định đã giết hại chồng mình, Chính quyền đô hộ tan rã, Tô Định phải bỏ trốn về Nam Hải (Quảng Đông, Trung Quốc).
Trưng Trắc người huyện Mê Linh, Châu Phong, con gái Lạc tướng Mê Linh, không rõ năm sinh, chỉ biết vào năm 34, khi Tô Định sang làm Thái thú quận Giao Chỉ, thì Trưng Trắc đã trưởng thành và kết hôn cùng Thi Sách, con trai của Lạc tướng Châu Diên.
Tương truyền, lúc xuất quân, Trưng Trắc đã đọc lời thề, sau này được chép thành thơ trong sách Thiên Nam ngữ lục: “Một xin rửa sạch nước thù/ Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng/ Ba kẻo oan ức lòng chồng/ Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này”.
Sau khi lấy được 65 thành trì, Trưng Trắc lên ngôi vua, tự xưng là Trưng Nữ Vương, đóng đô ở Mê Linh, chấm dứt 150 năm Bắc thuộc lần thứ nhất (111 trước Tây Lịch đến 39 sau Tây Lịch), phong cho Trưng Nhị làm Bình Khôi Tướng quân, nắm giữ toàn thể quân binh.
Năm 41, nhà Hán hạ lệnh sắp sẵn xe thuyền, sửa sang cầu đường, thông các núi khe, dự trữ quân lương, phong Mã Viện làm Phục Ba tướng quân dẫn sang xâm lược nước ta. Tháng Giêng năm 42, Mã Viện tiến theo đường ven biển, san núi làm đường hơn nghìn dặm đánh nhau với Trưng Nữ Vương. Hai bà quân ít, thế cô, bèn lui quân về giữ Cẩm Khê (vùng Suối Vàng, dưới chân núi Ba Vì ngày nay). Quân Hán thừa thắng tiến đánh rất gấp. Hai Bà Trưng chạy về xã Hát Môn, túng thế, cùng gieo mình xuống sông Hát Giang tự vận để bảo toàn danh tiết. Đó là ngày 6 tháng 2 năm Quý Mão (năm 43).
Tương truyền, sau đó Mã Viện đã cho dựng một trụ đồng nơi phân chia địa giới, khắc sáu chữ: “Đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt” (cột đồng gãy thì Giao Chỉ diệt) nhằm đe dọa, người dân cam phận sống trong cảnh lầm than.
Đại Nam quốc sử diễn ca có đoạn kể về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng: “Bà Trưng quê ở Châu Phong/ Giận người tham bạo thù chồng chẳng quên/ Chị em nặng một lời nguyền/ Phất cờ nương tử thay quyền tướng quân…”.
Sử gia Lê Văn Hưu, sau khi ca ngợi khí phách lẫm liệt của Hai Bà, đã buông lời than vãn: “Tiếc rằng nối sau họ Triệu cho đến trước họ Ngô, trong khoảng hơn nghìn năm, bọn đàn ông chỉ cúi đầu bó tay, làm tôi tớ cho người phương Bắc, há chẳng xấu hổ với hai chị em họ Trưng là đàn bà hay sao?”.
Sử gia Ngô Sĩ Liên cũng thế: “Vì là đàn bà mà có đức hạnh kẻ sĩ, cái khí hùng dũng trong khoảng trời đất không vì thân chết mà kém đi. Bọn đại trượng phu há chẳng nên nuôi lấy cái khí phách cương trực chính đại ấy ư?”.
Trong sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, vua Tự Đức cũng hạ bút: “Hai Bà Trưng thuộc phái quần thoa, thế mà hăng hái quyết tâm khởi nghĩa, làm chấn động cả triều đình Hán. (…) Kìa những bọn nam tử râu mày mà chịu khép nép làm tôi tớ người khác, chẳng những mặt dày thẹn chết lắm ru!”.
Ngày nay, tên Hai Bà Trưng đã được đặt cho tên đường, tên đất, tên trường... trên cả nước. Ở Đà Nẵng, đường Trưng Nữ Vương (thời Pháp thuộc có tên là Route Quảng Nam) nối từ đường Trần Phú (Độc Lập cũ) đến Nhà máy nhiệt điện Liên Trì, năm 1982 nối dài thêm đến Đài Khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ. Ngày 8-7-2009, HĐND thành phố Đà Nẵng đã ban hành Nghị quyết số 80/2009/NQ/HĐND đặt tên Trưng Nhị cho một đường mới mở ở địa bàn phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu, nối từ đường Trưng Nữ Vương qua đường Tiểu La (mới).
LÊ GIA LỘC