.

Mỹ dỡ bỏ cấm vận Cuba vì dầu mỏ?

.
Cuba từ một nước nhập khẩu xăng dầu có thể trở thành nước xuất khẩu tài nguyên này. Vì thế, Mỹ có thể sẽ dỡ bỏ lệnh cấm vận lâu nhất thế giới với Cuba vì lợi ích song phương?

Mô tả ảnh.
Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
 
Theo dự kiến tháng 9 tới đây, Công ty Dầu khí Repsol (Tây Ban Nha) sẽ cùng với hai đối tác Statoil (Na Uy) và một đơn vị của ONGC (Ấn Độ) cùng thiết bị giàn khoan của Trung Quốc tiến hành khoan thăm dò dầu mỏ ngoài khơi vùng biển phía bắc của Cuba, cách bờ biển Florida (Mỹ) 96km. Nghe đâu, trữ lượng dầu có thể lên tới 20 tỷ thùng. Thông tin này được các doanh nhân và cả chính quyền Mỹ phản ứng một cách thận trọng.

Thái độ của Mỹ là sự khác lạ so với trước đây. Repsol sẽ khoan ít nhất là một và nhiều nhất có thể là năm giếng, với cùng độ sâu như vụ BP đã để xảy ra thảm hỏa tràn dầu Deepwater Horizon hồi năm ngoái. Có tới 90% khả năng nếu xảy ra tràn dầu, sẽ lan tới Mỹ nhưng Mỹ hoàn toàn im lặng không phản đối. Mỹ không tìm cách ngăn cản các công ty thăm dò, đã mở ra khả năng chính quyền Obama sẽ tuyên bố dỡ bỏ lệnh cấm vận thương mại với Cuba như theo lời nhận định của Giáo sư Mark Jones – chuyên gia về châu Mỹ Latinh tại Đại học Rice của Texas.

Thực tế, lệnh cấm vận đã lỗi thời sau Chiến tranh lạnh, nhưng đó là bức tường nhằm chống lại cựu Chủ tịch Fidel Castro. Những người ủng hộ dỡ bỏ lệnh cấm vận cho rằng Mỹ đã thất bại trong việc buộc Fidel và Raul Castro từ bỏ quyền lực. Và từ nay Cuba sẽ trở nên giàu có từ chính tài nguyên dầu mỏ của mình. Chỉ mới chuẩn bị kế hoạch thăm dò thôi đã là động lực cho kinh tế Cuba vốn đã cởi mở hơn rất nhiều trong vài tháng gần đây. Chính quyền Havana gần đây đã cho xây dựng sân golf và cho phép người nước ngoài mua bất động sản.

Lệnh cấm vận hiện tại sẽ hết hạn vào tháng 9 tới. Tuy nhiên, Giáo sư Jones dự đoán rằng có thể Obama sẽ dỡ bỏ nó trước khi ông quyết định tiến hành tranh cử tổng thống. Tổng thống Obama nhận ra, thay vì tìm cách ngăn cấm khai thác dầu, Mỹ có khả năng dỡ bỏ cấm vận bởi nó sẽ mang lại lợi ích song phương Mỹ - Cuba. John Kavulich, cố vấn chính sách cao cấp tại Hiệp hội kinh tế thương mại Mỹ - Cuba nói rằng Mỹ sẽ đối xử với dầu của Cuba như cách đối xử với dầu của Venezuela, đó là “tôi không thích họ nhưng tôi sẽ thích sản phẩm của họ và tôi sẽ mua nó”.

Tịnh Bảo
;
.
.
.
.
.