Nam Hà tiệp lục của tác giả Lê Đản là cuốn sách chép sử các chúa Nguyễn ở miền Nam, từ gốc tích đến năm Gia Long thứ 3 (1804). Cuốn sách cho chúng ta biết được tổng quan về phả hệ triều Nguyễn từ thủy tổ Nguyễn Kim đến Gia Long cũng như chính sách và công cuộc khai thác vùng Thuận Hóa, Quảng Nam, Quảng Ngãi của các chúa Nguyễn ở Đàng Trong. Bản gốc sách đang được lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm với mã số kho A.586.
Đoạn 1 (thuộc quyển 2, phần Tài lợi). Đoạn 2 (thuộc quyển 3, phần Sơn xuyên hình thể). Đoạn 3 (thuộc quyển 3, phần Phong vực)
|
Lai lịch ra đời Nam Hà tiệp lục
Thông qua bài tổng bạt ở cuối sách chúng ta biết được tác phẩm được Lê Đản hoàn thành vào năm 1811. Tác giả cho biết: “Năm Gia Long Tân Mùi (1811), giữa tháng 8 mùa thu, tôi cùng anh họ là ông Thản, cùng đi lên ứng khảo (sát hạch) ở thành Thăng Long (Hà Nội), và được dự trúng tuyển, lĩnh bằng xong trở về. Lúc đó ông Thản nói với tôi việc làm sử, tôi bèn không tự xét là cố chấp và quê mùa, thu chép những điều trong các sách mà các cụ nhà tôi còn chứa lại được, cùng là trong các sách mà các bạn cùng huyện tôi là ông Đặng Bá Trang ở Phú Ân, ông Nguyễn Đăng Thích ở Nam Đường, biên tập thành một bộ, chia làm 5 quyển, trong có 16 điều, sau mỗi điều có phụ thêm lời lạm bình”.
Nam Hà tiệp lục là một bộ sách có giá trị ghi chép về lịch sử, văn hóa và phong tục tập quán của Đàng Trong. Sách tuy gọn, ngắn, nhưng có nhiều tài liệu mới. Khi nghiên cứu về Đàng Trong thời các chúa Nguyễn, từ Gia Long về trước, có thể dùng sách này làm tài liệu tham khảo quý giá cùng với các sách: Ô Châu cận lục của Dương Văn An; Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn; Nam Hà ký văn của Đặng Trọng An; Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức…
Tác giả Lê Đản (1742-?), theo phần ký tên cuối bài tổng bạt của sách có thể biết được ông là người làng Thịnh Cuông, huyện Chân Định, trấn Sơn Nam, sau này là huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định. Năm 1775 niên hiệu Cảnh Hưng thứ 36, ông đậu Tiến sĩ, làm Hàn lâm viện thị thư, rồi làm Tham chính Thanh Hóa. Khi Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc, ông đi ở ẩn, không ra làm quan. Đến đời Nguyễn ông có ra làm quan. Theo Quốc triều Hương khoa lục (q1, tờ 19) thì năm Gia Long thứ 8 (1807), ông làm chức Hiệp trấn Lạng Sơn và được cử làm giám thị thi Hương trường thi Sơn Nam.
Hoàng Sa và Đội Hoàng Sa trong Nam Hà tiệp lục
Những ghi chép về Hoàng Sa và Đội Hoàng Sa nằm ở phần Tài lợi, Sơn xuyên hình thắng và Phong vực trong sách bao gồm 3 đoạn. Phần nguyên bản chữ Hán được chụp lại từ bản sao hiện lưu tại khoa Sử Trường ĐH Khoa học Huế. Dưới đây xin được phiên âm và dịch nghĩa các đoạn có liên quan.
Đoạn 1 (thuộc quyển 2, phần Tài lợi)
Phiên âm:
Đại Chiêm hải môn, hải trung hữu trường sa, danh Bãi Cát Vàng. Tự Đại Chiêm hải môn chí Trường Sa ước ngũ lục bách lý, khoát tam tứ thập lý, trác lập hải trung Tây Nam phong tắc chư quốc thuyền tao phiêu bạc tại thử. Đông Bắc phong ngoại việt diệc phiêu bạc tại thử, tịnh giai ngạ tử, tài hóa đôi tích. Mỗi niên quý đông tương thuyền thập bát chích tác thủ. Nhất vân tứ nguyệt vãng thất nguyệt hồi. Thử xứ sản đại mạo.
Dịch nghĩa:
Cửa Đại Chiêm, giữa biển có dải Trường Sa gọi là Bãi Cát Vàng. Từ cửa biển Đại Chiêm đến Trường Sa ước chừng năm sáu trăm dặm, rộng chừng ba bốn mươi dặm, đứng ở giữa biển. Mùa gió tây nam thì tàu bè các nước phiêu bạt vào đó. Đến mùa gió đông bắc từ ngoài vào cũng phiêu bạt vào đây, đều bị chết đói, của cải được tích tụ ở đây. Hằng năm đến cuối đông, 18 chiếc thuyền được đưa ra đây để nhặt lấy những của cải ấy. Có chỗ nói rằng tháng 4 đi tháng 7 về. Nơi đây cũng sản sinh nhiều đồi mồi.
Đoạn 2 (thuộc quyển 3, phần Sơn xuyên hình thể)
Phiên âm:
Đại Chiêm hải môn, hải trung hữu Trường Sa Châu, danh Bãi Cát Vàng. Tự Chiêm môn chí Sa châu ước ngũ lục bách lý, khoát tam tứ thập lý, trác lập hải trung.
Dịch nghĩa:
Cửa Đại Chiêm, giữa biển có cồn nổi Trường Sa, tên là Bãi Cát Vàng. Từ cửa Đại Chiêm đến Sa Châu (Hoàng Sa) ước chừng năm sáu trăm dặm. Sa Châu rộng chừng ba bốn mươi dặm, nổi lên ở giữa biển.
Đoạn 3 (thuộc quyển 3, phần Phong vực)
Phiên âm:
Quảng Nam xứ, Bắc tiếp Thuận Hóa Hải Vân sơn, Nam tiếp Bình Khang phủ giới. Giới chi thượng hựu đại sơn, sơn chi lĩnh hữu thạch bi danh viết: Đèo Cả. Đông chí vu hải, hải chi duyên hữu Đại Chiêm (hựu danh Chiêm Lũy trung thâm), Sa Huỳnh (tục hiệu Bãi Cát Vàng tiểu thiển), Mỹ Á (tiểu thiện).
Dịch nghĩa:
Xứ Quảng Nam, phía Bắc tiếp giáp với Thuận Hóa tại núi Hải Vân, phía Nam tiếp giáp với phủ Bình Khang, nơi tiếp giáp có núi lớn, trên đỉnh núi có bia đá, gọi là Đèo Cả. Phía Đông giáp biển. Trên bờ biển có các cửa biển: cửa Đại Chiêm (còn có tên là Chiêm Lũy, nước sâu vừa); cửa Sa Huỳnh (tục gọi là Bãi Cát Vàng, cửa nông); cửa Mỹ Á (cửa cạn).
Lê Đản trong Nam Hà tiệp lục đã dành khá nhiều để ghi chép về Hoàng Sa. Mặt khác tư liệu ghi chép ở Đàng Trong về Hoàng Sa cũng khá phong phú như trong đoạn nói về việc hằng năm có 18 chiếc thuyền ra Hoàng Sa để thu nhặt hóa vật ở đây. Những ghi chép khác nhau đó, Lê Đản vẫn viết lại và xem là điều còn tồn nghi đúng như tinh thần khi biên soạn sách “để khuyết đó, không dám chữa bậy”.
Trong lời bạt tác giả Lê Đản cho biết: “Nghe thấy nói trong cùng quận (tỉnh) tôi, các nhà họ Lê [tức Lê Quý Đôn (1726 -1784)] ở Diên Hà, họ Uông [tức Uông Sĩ Lãng (1733 – 1802)] ở Vũ Nghị, nhà thì đời trước có sách Phủ biên tạp lục, nhà thì có sách Nam hành tiểu ký, tôi cũng chưa kịp hỏi mượn mà xem”, tức là tác giả không được tham khảo các sách có viết về Hoàng Sa trước đó. Tuy nhiên khi đọc Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn hay phần Dư địa chí trong Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú đều thấy có những khảo tả tương tự về Hoàng Sa và hoạt động của đội Hoàng Sa như trong Nam Hà tiệp lục.
Các sách trên tuy không tham khảo nhau nhưng những ghi chép về Hoàng Sa và đội Hoàng Sa là tương đối thống nhất. Chính điều này cho chúng ta thấy được những hiểu biết về Hoàng Sa cho đến cuối thế kỷ XVIII là đã rất phổ biến.
Nam Hà tiệp lục với những ghi chép tuy không nhiều nhưng vô cùng quý báu lại cho chúng ta thêm một tư liệu lịch sử chứng minh chủ quyền của nước ta đối với quần đảo Hoàng Sa dưới thời các chúa Nguyễn.
Trần Văn Quyến