Từ tận cùng đau khổ trong cái án văn chương, ông đã bật vút lên một sáng tác quan trọng nhất trong văn nghiệp: Về Kinh Bắc. Ông là chàng thi sĩ tài hoa đa tình của đất Quan họ, người chọn cho mình cái tên thơ đắng lạnh của một vị thuốc tính hàn, sẫm vàng như hổ phách: Hoàng Cầm.
Mấy chục năm lận đận vì thơ, đến cuối đời mới được nhìn lại, được công nhận, gia tài thơ của Hoàng Cầm có lẽ là thứ tròn đầy duy nhất trong đời ông. Ngoài hơn trăm bài thơ lẻ mà phần lớn là những khúc thơ tình phảng phất quan họ, còn có trường ca Tiếng hát Quan họ, truyện thơ Men đá vàng và không thể không kể đến thể loại mà chính ông khẳng định đã làm nên tên tuổi, dấu ấn riêng của Hoàng Cầm thời kỳ đầu: Kịch thơ. Trong đó nổi bật nhất, với những câu thơ vượt thời gian, là Kiều Loan.
Nhưng một điều đáng tiếc, cho đến những ngày cuối đời, ở tuổi ngót chín mươi, Hoàng Cầm vẫn chỉ xuất hiện trước người yêu thơ với những tập thơ nhỏ, riêng lẻ. Chưa từng có một ấn bản dày dặn nào quy tụ các tác phẩm nổi bật để phác họa nên bức chân dung toàn diện của nhà thơ.
“Tuyển tập thơ Hoàng Cầm” (*)do Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam và Hội Nhà văn Hà Nội phối hợp xuất bản nhân kỷ niệm 1 năm ngày mất của ông tập hợp những sáng tác quan trọng nhất, là cột mốc, là cốt yếu trong đời sáng tác của nhà thơ, cùng các thủ bút, di cảo - như một tri ân đến vong linh người đã sống trọn vẹn với Thơ và Tình, người đã làm nên một phần lịch sử thơ Việt Nam.
Hoàng Cầm đã đạt tới thi pháp của mình trong Về Kinh Bắc bất tuyệt được viết từ mùa đông 1959 qua mùa xuân 1960. Mùa hè năm 1982, ông bị tạm giữ vì bị nghi là đưa Về Kinh Bắc ra in ở nước ngoài trong sự kiện Nhân Văn-Giai phẩm. Dù không thành án, phải 18 tháng sau, ông mới được tự do. Ông cùng Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán được phục hồi sau 30 năm dài im lặng. Tác phẩm của các ông được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007.
Tuyển tập thơ với rất nhiều bài thơ ghi dấu trong lòng người đọc Cây Tam cúc, Lá Diêu bông, Quả vườn ổi, Cỏ Bồng thi, Đợi mùa, Mưa Thuận Thành,… Nhưng như lời Hoàng Cầm tâm sự thì: “Hầu hết những bài thơ của tôi được độc giả ưa thích trong nhiều năm bao giờ cũng bắt đầu một cách vi diệu là từ ngoài tôi, vẳng lên đôi ba câu rất rành rẽ, giọng nữ lảnh lót mà rất xa, như hát mà như đọc. Như một tia nước trong vắt phun lên từ ruột đất khi chúng ta thăm dò mạch nước ngầm để đào giếng, khi đã có đôi ba câu vẳng lên bên tai, tôi ghi ngay, bắt lấy ngay và từ đó là tình cảm, suy tư cuồn cuộn trong người, tôi thường tiếp được mạch khởi xướng ấy và nối luôn các đợt sóng tuôn trào cho đến khi thấy trong người yên ắng, nhẹ nhõm là bài thơ cũng hoàn tất…”.
Thế giới thơ Hoàng Cầm như nhà thơ Hoàng Hưng nhận xét nó như “một cõi mơ giữ nguyên những cái không hề có thật, cái “lá Diêu bông” là cái lá gì, “cầu bà Sấm bến cô Mưa” là ở đâu, nhưng cứ ngỡ như là thật; có những chất liệu bình dị của vùng quê Kinh Bắc một thời vừa đủ xa để nhớ tiếc, cỗ bài tam cúc đôi cá đòng đong... nhưng lại kết thành hư ảo hàm chứa một cái gì bí ẩn”.
Nguyên Khang
(*)“Tuyển tập thơ Hoàng Cầm” do Công ty Văn hóa & Truyền thông Nhã Nam và Hội Nhà văn Hà Nội phối hợp xuất bản quý 1-2011.