.

Xa trắng để đời xanh

.
Ma túy có nhiều loại, nhưng theo cách hiểu thông thường của người Việt hiện nay, nói ma túy là người ta nghĩ đến heroin, còn gọi là bạch phiến - một loại bột trắng hồng, xốp như bông, dùng để chích vào tĩnh mạch. Cái “chất trắng” này đã làm tàn lụi biết bao cuộc đời, trong đó không ít người tuổi đời còn rất trẻ.

Những học viên  bị “lưu ban”

Mô tả ảnh.
Nghe lời khuyên của thầy thuốc để thêm ý chí, nghị lực vượt qua “cám dỗ trắng” chết người.
Mười năm trước, P.N.H. (ở phường Thạch Thang, quận Hải Châu) bị bạn bè rủ rê dùng thử rồi đâm nghiện ma túy. Một năm sau, H. tự nguyện vào Trung tâm Giáo dục - Dạy nghề 05-06 (Trung tâm 05-06) thành phố Đà Nẵng để cai nghiện. Cắt được cơn, có thái độ học tập tốt, H. được về với gia đình. Thế nhưng, chẳng bao lâu sau, các cán bộ ở trung tâm lại thấy H. lù lù xuất hiện ở “trường xưa lớp cũ” sau một đợt truy quét các đối tượng sử dụng ma túy của cơ quan chức năng. Tính đến nay, H. đã 5 lần vào trung tâm, trong đó có 3 lần tự nguyện và 2 lần bị bắt buộc. Nhà H. thuộc hạng khá giả, ba mẹ H. từng bảo lãnh để H. được ra nước ngoài, trước học nghề, sau xa lánh cái nghiện. Thế mà…

N.T.N.B. cũng vào Trung tâm 05-06 hồi năm 2002, nhưng với một hoàn cảnh không giống ai. Đang sống yên lành với ba mẹ ở nước ngoài thì trong một lần về thăm quê nhà, B. thử “chất trắng” một phát là “dính chấu” ngay, đành ở lại với anh chị ở phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà) và 5 lần vào trung tâm.

Người 4 lần vào trung tâm là Đ.V.T. (ở Hòa Châu, huyện Hòa Vang). Cha đi xe thồ, mẹ buôn gánh bán bưng, kinh tế gia đình vốn đã khó, lại càng khó hơn khi T. lâm vào cảnh nghiện ngập.

Điểm qua một số học viên “lưu ban”, ông Phạm Tạo, Phó Giám đốc Trung tâm 05-06, ngao ngán nhận xét: “Ba hoàn cảnh khác nhau nhưng đều gặp nhau tại một chỗ, ma túy không chừa một ai. Điều đáng nói là lần nào vào trung tâm thì ai cũng nghĩ đây là lần cuối cùng, quyết tâm cai nghiện thành công, không quay lại. Thế nhưng có được mấy người có ý chí, nghị lực để vượt qua “cám dỗ trắng” chết người đó?”.

Phần lớn những trường hợp “lưu ban”, theo phân tích của ông Tạo, có nguyên nhân từ sự thiếu quan tâm của gia đình, bị bà con họ hàng và lối xóm xa lánh. Sau khi cắt cơn về lại cộng đồng, mặc dù được địa phương hỗ trợ tạo công ăn việc làm để quên đi chuyện cũ nhưng hầu hết họ vẫn lười lao động. Một số quan chức có con nghiện ngập, ngại tiếng tăm nên không đưa con đi cai, để ở nhà dạy bảo! Riết một hồi ma túy ngấm vô trong máu thịt thì đành... bó tay. Có người đã đưa con “gửi gắm” lên trung tâm rồi, nhưng Tết đến lại xin con về sum họp với gia đình, cuối cùng con hư lúc nào chẳng hay. Thương con như thế bằng mười hại con.

Nhớ ai như nhớ... heroin

Mô tả ảnh.
Uống Methadone để điều trị cai nghiện ma túy nên hạn chế tối đa nguy cơ lây nhiễm các bệnh qua đường máu, đặc biệt là HIV/AIDS.
Nếu các loại ma túy tổng hợp (MTTH) có thể bỏ được thì heroin rất khó bỏ, tỷ lệ tái nghiện cao, ra trung tâm là phần lớn quay trở lại - bác sĩ Nguyễn Văn Thuận, phụ trách y tế của Trung tâm 05-06, cho biết.

Năm 2008, trong số 273 học viên được trung tâm tiếp nhận cai nghiện ma túy có 135 người tái nghiện (49,4%). Tỷ lệ này giảm dần qua các năm tiếp theo: 46,6% (năm 2009); 31,3% (năm 2010). Riêng trong 6 tháng đầu năm 2010, trung tâm tiếp nhận 166 học viên thì trong đó có 41 người tái nghiện (24,7%). Theo ông Trần Công Nguyên, Giám đốc trung tâm, được cai nghiện chữa bệnh theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế, 100% học viên đều đã được cắt cơn, tham gia các hoạt động văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao, lao động… Tuy nhiên, trong não của học viên vẫn còn dấu vết của ma túy nên cần chú trọng điều trị tâm lý để họ thấy được tác hại của “con ma” này về thể chất, xã hội, kinh tế… và quan trọng hơn, bản thân người nghiện có nguy cơ nhiễm HIV, để họ thay đổi hành vi.

Bạn bè rủ rê là một trong những nguyên nhân gây tái nghiện ma túy. Vì thế, Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng, nơi có khoa cai nghiện ma túy, đã có quy định riêng để loại trừ nguyên nhân này. Bác sĩ Nguyễn Văn Minh, người trực tiếp điều trị bệnh nhân cai ma túy tại Khoa Nam của bệnh viện, cho biết khoảng 50% bệnh nhân tái nghiện: “Cai xong, về nhà rồi họ cũng muốn từ giã chất trắng, nhưng bạn bè cứ rủ rê riết. Có người đang cai nghiện ở bệnh viện nhưng các “bạn chích” đến thăm lén tuồn “hàng” trong thức ăn mang vô. Vì thế, bệnh viện quy định chỉ có cha mẹ mới được vô thăm bệnh nhân”.

Dân gian có câu “Nhớ ai như nhớ thuốc lào/ Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”. Cái nhớ thuốc lào ghê gớm thật, nhưng so với cái nhớ heroin thì cũng chẳng bõ bèn gì. Mấy năm trở lại đây, cái nỗi nhớ ác nghiệt này đã được y học làm cho nguôi ngoai bằng một liệu pháp cai nghiện ma túy mới.

Cơ sở điều trị Methadone
 
N. ở Hòa Châu, nghiện ma túy cả chục năm rồi, không bỏ được. Ba mẹ bán đất, bán nhà cho con đi cai nhiều lần mà nghiện vẫn hoàn nghiện. Định bán thêm miếng đất nữa cho con vào cai tiếp trong TP. Hồ Chí Minh thì nghe thành phố Đà Nẵng có chương trình cai nghiện ma túy bằng Methadone. N. đến đó điều trị, được 5 tháng thì tiến triển tốt, về mở tiệm hớt tóc và đi hỏi vợ. Hôm bác sĩ Phạm Thị Đào, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thành phố đến nhà, mẹ N. rưng rưng: “Bữa nay cô đến, có bộ xa-lông cho cô ngồi cũng là nhờ chương trình Methadone của thành phố, chứ trước đây chẳng có gì, làm ra bao nhiêu cũng hết”.

Từ tháng 4-2008, chương trình điều trị thay thế nghiện các dạng chất thuốc phiện bằng thuốc Methadone đã được thực hiện thí điểm tại Hải Phòng và TP. Hồ Chí Minh. Thành phố Đà Nẵng thì tháng 10-2010 bắt đầu triển khai Cơ sở điều trị Methadone số 1 tại Thanh Khê, ngày 5-6 vừa qua tiếp tục triển khai cơ sở 2 tại Hải Châu. Bác sĩ Đào cho biết, đây là phương pháp mới nên ban đầu người nghiện còn “ngủ dòm”, đến khi thấy hiệu quả thì tham gia ngày một tăng. Tính đến ngày 15-6 vừa qua đã có 119 người đến điều trị tại 2 cơ sở này.

Các chất dạng thuốc phiện như thuốc phiện, morphin, heroin là những chất gây nghiện mạnh, thời gian bán hủy rất ngắn, sau 2-3 giờ đã thèm thuốc trở lại. Methadone thì thời gian bán hủy 24 giờ, nên 1 ngày chỉ cần dùng 1 liều, như uống cà-phê sáng, xong, trở về làm việc bình thường. Khi dùng Methadone rồi, người nghiện không còn cảm giác thèm nhớ ma túy nữa, thậm chí có chích ma túy chăng nữa cũng không có cảm giác “phê” của heroin. Bệnh nhân điều trị bằng phương pháp mới này đã kiếm được công ăn việc làm, có vợ, không phải lo đi kiếm tiền bằng mọi cách để mua ma túy.

Theo đánh giá của Bộ Công an, ngoài học sinh, sinh viên, ca sĩ, người mẫu, vận động viên còn có cả một số công chức Nhà nước nghiện ma túy với hình thức phổ biến là tiêm chích heroin, uống ma túy tổng hợp, thuốc hướng thần. Đáng lo hơn, khi số người nghiện dưới 30 tuổi chiếm tới 68,3% và tỷ lệ người nghiện qua tiêm chích đã tăng từ 66,3% (năm 2006) lên trên 71% (năm 2010). Ngày 18-6 vừa qua, Cơ sở điều trị Methadone theo mô hình xã hội hóa đầu tiên ở Việt Nam đã ra đời tại thành phố Hải Phòng. Bao giờ thì đến lượt Đà Nẵng, để người nghiện thoát khỏi “cái chết trắng” và tìm lại màu xanh cuộc đời?

Bác sĩ PHẠM THỊ ĐÀO, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS thành phố Đà Nẵng: Cảnh giác với các loại MTTH.

MTTH tuy không có biểu hiện lệ thuộc và vào cơ thể, không có hội chứng cai (như khi dùng thuốc phiện, morphin, heroin), nhưng nếu sử dụng lâu dài sẽ bị chứng loạn thần. Người sử dụng MTTH cứ chủ quan cho rằng mình không bị nghiện (do không mắc hội chứng cai), nhưng không hiểu rằng hai cái nghiện hoàn toàn khác nhau. Một bên thì phụ thuộc vào cơ thể, gây ra hội chứng cai rầm rộ biểu hiện rõ ràng như vật vã, đau đớn, hung hăng khi thiếu thuốc; một bên thì thầm lặng dần dần gây tổn thương ở tế bào não. Thực tế đã có nhiều người dùng MTTH đang phải điều trị bệnh tâm thần.

 
Phóng sự của VĂN THÀNH LÊ
;
.
.
.
.
.