.

Tiền cheo và tục mẹ kiêng đưa con gái về nhà chồng

.


* Thơ ca dân gian có câu: “Giúp em quan tám tiền cheo/ Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau”. Ở đây, tiền cheo là gì? (Hồ Thị Mỹ Anh, Sơn Trà, Đà Nẵng).

* Tục mẹ cô dâu kiêng không đưa dâu về nhà chồng xuất phát từ đâu? Tục này liệu có phù hợp với đời sống xã hội hôm nay không? (Nguyễn Quang, Cẩm Lệ, Đà Nẵng).

- Tiền nạp cheo (hay treo) được tác giả Tân Việt giải thích trong cuốn “Một trăm điều nên biết về phong tục Việt Nam” (NXB Văn hóa Dân tộc, Hà Nội – 1997) như sau:

 

Mô tả ảnh.
Trình lễ trước giờ rước dâu.          (Ảnh minh họa: V.T.L)


“Tiền “cheo” là khoản tiền nhà trai nạp cho làng xã bên nhà gái. Trai gái cùng làng xã lấy nhau cũng phải nạp cheo song có giảm bớt. Xuất xứ của lệ “Nạp cheo” là tục “Lan nhai” tức là tục chăng dây ở dọc đường hoặc ở cổng làng. Đầu tiên người ta tổ chức đón mừng hôn lễ, chúc tụng, có nơi còn đốt pháo mừng. Để đáp lễ, đoàn đưa dâu cũng đưa trầu cau ra mời, đưa quà, đưa tiền biếu tặng.

 


Dần dần có những người làm ăn bất chính, lợi dụng cơ hội cũng chăng dây, vòi tiền, sách nhiễu, trở thành tục lệ xấu. Vì thói xấu lan dần, gây nhiều cản trở, triều đình phải ra lệnh bãi bỏ. Thay thế vào đó, cho phép làng xã được thu tiền cheo. Khi đã nạp cheo cho làng, tức là đám cưới được làng công nhận có giấy biên nhận hẳn hoi. Ngày xưa, chưa có thủ tục đăng ký kết hôn, thì tờ nạp cheo coi như tờ hôn thú. Nạp cheo so với chăng dây là tiến bộ. Khoản tiền cheo này nhiều địa phương dùng vào việc công ích như đào giếng, đắp đường, lát gạch, xây cổng làng... Nhưng nhiều nơi chỉ cung đốn cho lý hương chè chén.


Đã hơn nửa thế kỷ, lệ này bị bãi bỏ rồi. Thanh niên ngày nay chỉ còn thấy bóng dáng của tiền cheo qua ca dao - tục ngữ: “Nuôi lợn thì phải vớt bèo/ Lấy vợ thì phải nộp cheo cho làng”; “Cưới vợ không cheo như tiền gieo xuống suối”; “Ông xã đánh trống thình thình/ Quan viên mũ áo ra đình ăn cheo”.


Về lý do tại sao mẹ cô dâu kiêng không đưa con gái về nhà chồng cũng được tác giả Tân Việt giải thích trong sách đã dẫn như sau:


Trong chế độ phong kiến cũ, hôn nhân cưỡng ép, thường là cha mẹ đặt đâu, con ngồi đấy. Thực ra, trong nhiều gia đình, người cha quyết định mọi việc, người mẹ chỉ biết tuân theo. Vì thế đã xảy ra một số trường hợp oái oăm: Ngày con gái vu quy đáng lẽ là ngày vui nhất trong đời nhưng người thì khóc lóc buồn tủi vì bị ép buộc, người thì lo sợ cảnh làm dâu, làm vợ, từ tấm bé chưa rời mẹ, nay tự nhiên mẹ con xa nhau; mẹ thương con còn thơ dại, cũng mủi lòng sụt sùi khóc. Thế là, trong khi hai họ đang vui mừng yến ẩm ở nhà ngoài thì hai mẹ con lủi thủi, cắp nón ra về. Tan tiệc, nhà trai chẳng tìm thấy cô dâu đâu nữa. Qua một vài đám đại loại như vậy người ta rút kinh nghiệm không nên để mẹ cô dâu đi đưa dâu, dần dần bắt chước nhau, trở thành tục lệ.


Một vài địa phương, cả bố cô dâu cũng không đi đưa dâu với lý do con mình đã gả bán cho người. Tuy rằng trong văn sách có ghi “Giá thú bất luận tài” nghĩa là không bàn đến tiền tài trong việc cưới hỏi, nhưng không hiểu vì sao trong ngôn ngữ Việt Nam lại kết hợp “Gả bán” liền nhau.


Thời nay hôn nhân tự do, trai gái tìm hiểu, yêu nhau kết hôn trên cơ sở tình yêu đôi lứa, cha mẹ chỉ tham gia góp ý, hướng dẫn, vậy thì cha mẹ có nên đến dự lễ vui của hai con không? Đã có nhiều đám cưới ngày nay bỏ tục kiêng này.


ĐNCT

;
.
.
.
.
.