Ba hòn và sông Sài Giang
Cầu Câu Lâu (cũ và mới) trên sông Sài Giang. (Ảnh chụp màn hình từ Google Earth) |
* Trong bài ca dao “Hòn Tàu, Hòn Kẽm, Hòn Vung/ Ba hòn xúm lại đỡ vùng Quảng Nam/ Non sông ai dựng ai làm/ Sông Sài Giang lượn khúc, Cù lao Chàm xanh um” thì “ba hòn” đó nằm ở đâu và vì sao lại nói chúng “xúm lại đỡ vùng Quảng Nam”. Sông Sài Giang là sông nào? (Trương Văn Anh, Hội An, Quảng Nam).
- Hòn Tàu, Hòn Kẽm là hai ngọn núi thuộc huyện Quế Sơn; Hòn Vung thuộc huyện Đại Lộc. Đây là ba hòn núi được dân gian cho là nằm trong thế chân vạc giúp cho địa thế Quảng Nam trở nên vững chãi. (Vạc là loại chảo rất to có 3 chân đúc liền, thường để cố định một chỗ. Thế chân vạc là thế ba chân trụ, đó là thế vững vàng nhất. Thành ngữ “Vững như kiềng ba chân” cũng nhấn mạnh đến nghĩa này).
Sài Giang (sông Chợ Củi) là tên một hạ lưu của sông Thu Bồn, đoạn chảy qua xã Điện Phương, huyện Điện Bàn. Ca dao có câu: Quảng Nam có núi Ngũ Hành/ Có sông Chợ Củi, có thành Ðồng Dương.
Nói về xuất xứ của sông Chợ Củi, nhà nghiên cứu Nguyễn Văn Xuân đã viết trong bài “Từ Sài Thị đến Sài Gòn” như sau:
“... nguyên sau 1602, khi chúa Nguyễn lập cơ sở thương mãi ở Hội An thì tàu bè ngoại quốc và trong nước vãng lai nhiều. Bấy giờ ban đầu các thuyền bè này đậu tại ở Trà Nhiêu, nơi hiện nay còn các dấu tích của một thị trấn cũ. (…) Từ Trà Nhiêu đến Hội An có một vũng nước cực lớn, rộng có thể thuyền bè đậu được để vào thành phố. (…) Từ bến cảng quốc tế này, các tàu bè đều cần đến củi và nước sạch để giải quyết sinh hoạt khi ở lại hay tiếp tục hành trình. Củi nước, đặc biệt củi là vấn đề cực kỳ quan trọng cho tàu bè đô thị cũng như cho dân địa phương. Vì thế phải lập một chợ lớn chuyên việc buôn củi bao gồm các thợ đốn củi, các thuyền, bè và lái buôn cho toàn nhiệm vụ này (ta cũng cần nhớ thêm vào các thế kỷ trước, khắp Xứ Đàng Trong, đường bộ còn rất sơ sài mà giao thông bằng đường thủy là chính).
Đội thủy binh lớn nhất gồm hàng trăm, ngàn ghe thuyền đều hiện diện trên con sông Cái từ Chợ Củi của dinh trấn Thanh Chiêm dẫn xuống Hội An đến tận hải khẩu Đại Chiêm. Chợ Thanh Chiêm ngoài việc phục vụ các nhu yếu phẩm cho dinh trấn quan trọng bậc nhất của Xứ Đàng Trong cũng là chợ cung cấp củi cho lực lượng dân, quân, chính và cả tàu bè ngoại quốc như nói trên. Do đó nó mặc nhiên được mang tên Chợ Củi, Sài Thị, và con sông chảy qua đó (Sài Giang) được mệnh danh sông Chợ Củi. Sông Chợ Củi do đó được chính quyền công nhận và được đưa vào thờ cùng với các cơ sở quan trọng của đất nước tại kinh đô gọi là Tự điển.
Bài thơ Tức sự
* Có phải hai câu thơ “Xã tắc hai phen chồn ngựa đá/ Non sông nghìn thuở vững âu vàng” là nói về triều đại nhà Trần? Tác giả là ai? (Lê Văn Hồng, Thanh Khê, Đà Nẵng).
- “Xã tắc hai phen chồn ngựa đá/ Non sông nghìn thuở vững âu vàng” là hai câu thơ được Trần Trọng Kim dịch từ bài “Tức sự” nguyên tác chữ Hán của vua Trần Nhân Tông.
Ngày 17 tháng 3 năm Mậu Tý (18-4-1288), sau chiến thắng Bạch Đằng lừng lẫy, vua Trần Nhân Tông đem các tướng giặc Nguyên bị bắt (Tích Lệ Cơ Ngọc, Nguyên soái Ô Mã Nhi, Tham chính Sầm Đoạn, Phàn Tiếp, Điền nguyên soái và các Vạn hộ, Thiên hộ) làm lễ dâng thắng trận ở Chiêu Lăng (lăng vua Trần Thái Tông). Vua Trần Nhân Tông trông thấy chân mấy con ngựa đá ở lăng đều lấm bùn, chạnh nhớ đến cảnh trước đó quân Nguyên đã phá Chiêu Lăng và định đập bỏ ngựa đi nhưng chưa kịp. Vua tức cảnh ngâm hai câu thơ: Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã/ Sơn hà thiên cổ điện kim âu. Nghĩa là: Trên nền xã tắc hai lần ngựa đá phải mệt nhọc/ Nhưng núi sông nghìn đời được đặt vững như âu vàng.
ĐNCT