Tại buổi tiếp xúc cử tri thông báo kết quả kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XIII, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị Đà Nẵng đã nhận được khá nhiều ý kiến bày tỏ bức xúc từ thực tiễn cuộc sống tại các địa phương.
Ông Nguyễn Văn Trà, thôn Trung Sơn, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang bày tỏ nỗi niềm của người dân khu vực này, với 12ha ruộng lúa bị ô nhiễm từ khu công nghiệp không thể sản xuất được; mặc dù đã được hỗ trợ tổng cộng 70 triệu đồng nhưng đời sống nhân dân không được cải thiện, nhất là nỗi lo về ổn định cuộc sống lâu dài. “Chúng tôi cần một giải pháp cho người dân trong khu vực vượt qua khó khăn này”, ông Nguyễn Văn Trà đề nghị.
Trước đó, lần đầu tiên đến Nhà hát Trưng Vương để tiếp xúc với Đoàn ĐBQH, cử tri Nguyễn Văn Thi ở phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà không khỏi lúng túng trong cách trình bày, nhưng ông cũng nói cho các ĐB hiểu rằng, khu vực Thọ Quang dân cư ngày một đông, nhưng người dân cũng đang chịu ảnh hưởng nặng nề do ô nhiễm môi trường từ Âu thuyền Thọ Quang. Mặc dù đã có doanh nghiệp đầu tư xử lý môi trường, nhưng năng suất không bảo đảm, để xảy ra ô nhiễm kéo dài gây bức xúc đến nỗi người dân phản ứng tiêu cực bằng cách cắt điện cung cấp cho nhà máy xử lý nước thải, làm tình trạng ô nhiễm trầm trọng thêm.
Trước những ý kiến đó của cử tri, thay mặt Đoàn ĐBQH đơn vị Đà Nẵng, đồng chí Nguyễn Bá Thanh đã hứa với cử tri sẽ trực tiếp đi kiểm tra tình hình và giải quyết những vấn đề bức xúc từ thực tiễn cuộc sống.
Lời hứa này ngay sau đó đã được thực hiện, với việc các Đoàn kiểm tra do đồng chí Nguyễn Bá Thanh dẫn đầu đã đến kiểm tra tình hình thực tế tại các dự án trên địa bàn quận Liên Chiểu, huyện Hòa Vang và tại Âu thuyền Thọ Quang trong những ngày vừa qua.
Tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra, Bí thư Huyện ủy Hòa Vang Trần Đình Hồng tiết lộ thêm rằng, sau khi kiểm tra thực tế tại hiện trường, thì không chỉ có 12ha, mà có đến khoảng 30ha đất ruộng ở thôn Trung Sơn bị ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân do triển khai các dự án trên địa bàn cũng như bị ô nhiễm từ các khu công nghiệp. Từ thực tế đó, lãnh đạo huyện Hòa Vang kiến nghị cần thu hồi toàn bộ 30ha và hỗ trợ ngừng sản xuất. Đồng chí Nguyễn Bá Thanh quyết định giao cho Sở Xây dựng xử lý, hoàn thành quy hoạch toàn bộ khu vực này trước ngày 30-8 và giao cho Ban Giải tỏa, đền bù số 3 tiến hành việc đền bù, giải tỏa, bảo đảm ổn định sớm nhất đời sống và sản xuất của người dân trong khu vực này.
Còn đối với Nhà máy xử lý nước thải tại Âu thuyền Thọ Quang, do năng suất xử lý chưa đạt yêu cầu, đồng chí Nguyễn Bá Thanh cho phép doanh nghiệp xử lý môi trường vay thêm 5 tỷ đồng vốn ưu đãi của thành phố, mở rộng mặt bằng, nâng công suất nhà máy lên 10 nghìn m3/ngày đêm so với công suất thiết kế 3 nghìn m3/ngày đêm như hiện nay; đồng thời đưa nước thải từ các tàu cá, từ khu dân cư... đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải của doanh nghiệp có chức năng để xử lý trước khi thải ra môi trường.
Nói đến các vấn đề cụ thể trên trong những vấn đề bức xúc từ thực tiễn cũng như những công việc mà Đoàn kiểm tra do đồng chí Nguyễn Bá Thanh trực tiếp kiểm tra và giải quyết, để thấy được những ý kiến tâm huyết của cử tri luôn được tôn trọng. Bởi hơn ai hết, chính cử tri là những người trực tiếp cầm lá phiếu bầu chọn ra những ĐBQH đại diện cho “ý chí và nguyện vọng của nhân dân”.
Cũng từ đó, để thấy rằng, cử tri luôn theo dõi và nhớ những lời mà ĐBQH đã hứa với dân trong chương trình hành động để vận động bầu cử. Để thực hiện những lời hứa đó, để đưa chương trình hành động vào thực tiễn khi đã trúng cử, thì theo ông Đặng Vân, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải châu, ĐBQH phải “thực quyền”. Để thực quyền, để “nói được làm được”, thì vấn đề không chỉ nằm ở chức vụ người đó nắm giữ, mà quan trọng là ĐBQH phải thực sự tâm huyết với dân, phải bám sát đến cùng những vấn đề mình theo đuổi nhằm bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của cử tri, mà ĐBQH là người đại diện.
Có như vậy, thì khi đến cuối nhiệm kỳ, bàn luận về hoạt động của Quốc hội cũng như ĐBQH, các cử tri bớt đi nhìn nhận rằng, vẫn còn những ĐBQH “hứa thật nhiều nhưng thất hứa cũng thật nhiều!”.
ANH QUÂN