Có lẽ chưa có một tổ chức nào ở Đà Nẵng mà tuổi đời của từng thành viên lại mở rộng như Câu lạc bộ Tiếng Pháp Đà Nẵng (Cercle Francophone de Danang – CFD): gần 300 hội viên, từ học sinh tiểu học đến các cụ già, trong đó gần 30 người Pháp, Canada, Bỉ đang sinh sống, làm việc tại Đà Nẵng và Hội An.
Một trong những đóng góp quan trọng của ông Phạm Ngọc Cừ đối với sự phát triển của CLB Tiếng Pháp Đà Nẵng là xây dựng thư viện với nhiều sách quý. |
CFD được thành lập từ 20 năm trước, theo sáng kiến của ông Nguyễn Đình An, lúc đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng, sau khi bà Danielle Mitterrand, phu nhân của Tổng thống Pháp François Mitterrand, đến thăm Đà Nẵng vào cuối tháng 5-1991. Bà Phan Thị Minh (cháu gái cụ Phan Châu Trinh, nguyên Đại sứ Việt Nam tại Ý) và ông Phạm Ngọc Cừ là hai nhân vật gắn bó với CFD từ những ngày đầu tiên. 20 năm là tuổi thành niên của một con người, với một tập thể như CFD, đó cũng là quãng thời gian để lại nhiều dấu ấn cho các thành viên, đặc biệt là ông Phạm Ngọc Cừ, hiện là Chủ nhiệm danh dự của CFD.
Ngoài hoạt động chính là phát triển việc học và nói tiếng Pháp, CFD còn là cầu nối để đưa các tổ chức nhân đạo, từ thiện đến với các địa chỉ cần sự hỗ trợ. Ông Cừ nói, nhiều người không biết Câu lạc bộ Tiếng Pháp là gì và ở đâu, nhưng qua việc làm của CFD đã thấy tính thiết thực của một tập thể. CFD đã giới thiệu các tổ chức Pousse de Bambou (Búp Măng Tre), Petits Dragons (Tiểu Long), Orange – Fleurs d’Espoir (Da cam – Những Đóa hoa Hy vọng)… giúp trẻ em nạn nhân chất độc da cam, học sinh nghèo hiếu học. Đó là chưa kể nhiều đoàn sinh viên Pháp và Tổ chức Good Morning Vietnam (Chào Việt Nam) đã đến giao lưu với hội viên CFD và giúp quỹ tín dụng nhỏ cho một số địa phương ở Đà Nẵng, Điện Bàn, Tam Kỳ…
Từ cuối năm 2007 đến nay, các hoạt động của CLB Tiếng Pháp Đà Nẵng được cập nhật trên trang http://www.cerclefrancophone.com với sự giúp đỡ của hai bạn Canada và Pháp. Đây là tổ chức Pháp ngữ đầu tiên và duy nhất trên cả nước có được một địa chỉ trên Internet. |
“Khi nhắc đến nữ văn sĩ nổi tiếng của Pháp sinh ra ở Việt Nam này - Jean Cabane trải lòng, chúng ta lại không thể quên những gì đã nối liền lịch sử của hai quốc gia. Nhưng bỏ qua cuộc chiến tranh của người Việt chống lại thực dân Pháp (colonisateur français trong nguyên văn), mọi người đã biết cách tôn trọng lẫn nhau, dệt nên tình bằng hữu lớn lao...”.
Trong hai ngày 19 và 20-11 vừa qua, các hội viên lại kết chặt tình bằng hữu qua các hoạt động hội hè nhân sinh nhật tròn 20 tuổi của CFD. Sáng 19, hội viên tham gia hội thảo bàn tròn về sự phát triển của CFD do Tổ chức ANAI de Lyon (Pháp) tài trợ; chiều, hội viên Việt Nam và các bạn Pháp đang sinh sống, làm việc tại Đà Nẵng, Hội An, đã có trận đá bóng giao hữu tại Làng thể thao Tuyên Sơn. Chiều 20, trước khi dự lễ kỷ niệm thành lập CFD, các hội viên tham gia hội chợ trò chơi dân gian và ẩm thực Việt - Pháp tại 33 Trần Phú. Các bạn Pháp thích chơi các trò của người Việt như đập niêu, phóng phi tiêu… và các bạn Việt lại say sưa với trò chặt xúc xích, bi lắc... của người Pháp.
Tiếng Pháp, so với tiếng Anh, như là một ốc đảo giữa đại dương ngôn ngữ. Từ tháng 3-2003, CFD đã cho ra đời tập san không định kỳ có tên là Oasis (Ốc đảo), kết quả từ sáng kiến của ông Hồ Quý, một trong những sáng lập viên CFD với sự giúp đỡ của Trung tâm Văn hóa Pháp và Hợp tác thuộc Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam. Tập san chỉ lưu hành nội bộ, là diễn đàn đối thoại, giao thoa giữa các nền văn hóa trong sự đa dạng văn hóa và ngôn ngữ, qua đó đề cao tiếng Pháp tại Việt Nam.
Năm 2011, nhân sinh nhật lần thứ 20 của CFD, Oasis 5 đã ra mắt hội viên và bạn đọc với quyết tâm thực hiện ý nguyện của người chủ nhiệm trẻ Nguyễn Lê Đức Huy: “Đổi mới để CFD thực sự là nơi tập hợp những người nói tiếng Pháp ở Đà Nẵng, giúp họ tìm thấy ở đó những gì mà họ không thể tìm thấy ở những nơi khác”.
Một trong những thứ không thể tìm thấy ở đâu, ngoài CFD là phòng đọc sách với trên 1 nghìn đầu sách, từ điển, tạp chí, báo. Bà Nguyễn Lan Đồng, nguyên cán bộ của Thư viện Quốc gia (Hà Nội), cho rằng thư viện của CFD có nhiều sách quý mà trong cả nước chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay như bộ Đại từ điển bách khoa Larousse 22 tập, bộ Grand Quid Illustré 18 tập...
20 năm qua, Ban chủ nhiệm CFD không ai có lương, chỉ một chức danh thư ký (thường do một sinh viên đảm nhiệm) nhận trợ cấp mỗi tháng 1,2 triệu đồng bằng cách tiết kiệm tối đa các khoản được tài trợ. CFD đã thực hiện tốt vai trò ngoại giao nhân dân ở Đà Nẵng, thế nhưng vẫn chưa có một sự hỗ trợ nào về mặt kinh phí từ Nhà nước. Nếu được một biên chế duy nhất hoặc được cấp kinh phí 5 triệu đồng một tháng thì CFD sẽ còn đóng góp nhiều hơn nữa trên lĩnh vực quảng bá văn hóa, lịch sử của Đà Nẵng qua cộng đồng Pháp ngữ.
VĂN THÀNH LÊ