.
Chuyện xưa xứ Quảng

Dấu xưa “Tỉnh Thủy hương hiền”

.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, tên gọi “Tỉnh Thủy” từ làng, thôn đến xã đều vẫn giữ nguyên như cách gọi ban đầu và đã đi vào ký ức của người dân vùng cát nơi đây.

Mô tả ảnh.
Đình tiền hiền làng Tỉnh Thủy hiện nay.
 
Tỉnh Thủy hương hiền, một làng quê nhỏ nằm bên bờ Trường Giang và Biển Đông, thuộc xã Tam Thanh, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam; cách trung tâm tỉnh lỵ khoảng 5 km về hướng đông bắc.

Theo cụ Nguyễn Khoa, 85 tuổi, một trong những lão làng thì Tỉnh Thủy hương hiền có nghĩa là: Hương là làng, hiền: tiền hiền; còn Tỉnh Thủy thì: tỉnh là giếng, thủy là nước. Cụ cho biết thêm, trước đây làng quê xứ Gò Rú này rất hoang sơ, không có nước ngọt sinh hoạt, cha ông đến đây định cư thấy vậy bèn lập hương án khẩn cầu, chung tay đào giếng, giếng cho nước ngọt và trong xanh, nhân dân quen gọi là giếng bộng; vì thế người dân đặt tên làng là “Làng Giếng Bộng”. Đến thời nhà Nguyễn, dân cư đông đúc, nhiều người học hành đỗ đạt, nhận thấy tên làng quá mộc mạc và quê mùa, bèn đổi tên chữ là “Tỉnh Thủy”. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, tên gọi “Tỉnh Thủy” từ làng, thôn đến xã đều vẫn giữ nguyên như cách gọi ban đầu và đã đi vào ký ức của người dân vùng cát nơi đây.

Về lai lịch tiền hiền và tứ cận của Tỉnh Thủy hương hiền, văn tế cúng tiền hiền làng lưu truyền từ xa xưa còn ghi: “Nhớ đức tài nhân xưa, sẵn chí kinh doanh giàu lòng tiến thủ. Vốn người Thanh Nghệ giã từ đất Bắc. Bước viễn du từ thuở hậu Lê triều. Vào đến miền Nam tìm tân địa, khá khen thời Kha Luân Bố. Giang sơn gầy dựng từ lâu, sự nghiệp cơ đồ còn đó. Kìa Bãi Tra, kìa Vũng Lắm; nọ Xóm Nò, nọ Cồn Trại. Miếng áo, miếng cơm ân thổ võ. Ruộng nước mặn, bốn mùa sẵn có. Hạt ngọc thiên nhiên, đồng phì cam, năm xứ kiến canh. Quyển vàng địa bộ, Hòn Thạch rạng đó in đáy nước, quyền hải lợi vô biên. Sở trước đăng gò nổi mé sông, Tứ Chánh vạn thủy điền ghi rõ...”.

Đình làng Tỉnh Thủy lúc đầu là tranh tre nứa lá, dần dần được tôn tạo khang trang. Đình làng là nơi quy tụ của các tiền hiền chư phái tộc: Nguyễn, Trần, Lê, Huỳnh..., trong đó tộc Nguyễn có ngài Nguyễn Văn Chi - Đô đốc thủy quân thời Gia Long, được xem là họ đứng đầu trong những vị tiền hiền của làng.  Cũng trong giai đoạn lịch sử này, kinh tế phát triển, nhân dân trong làng tự động quyên góp sức người sức của, xây dựng đình làng quy mô và đẹp đẽ hơn.

Trong suốt chiều dài của lịch sử kháng chiến chống ngoại xâm, nhất là thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, mảnh đất Tỉnh Thủy nói riêng và vùng cát ven biển Tam Kỳ nói chung, là một trong những địa bàn trụ bám của cách mạng, nơi có địa đạo Kỳ Anh và bãi Sậy - sông Đầm đi vào lịch sử như một trang sử hào hùng thời chống Mỹ; nhưng Tỉnh Thủy cũng là một trong những làng quê bị chiến tranh tàn phá nặng nề, nhà cửa, ruộng vườn bị bom cày, đạn xới, đình làng Tỉnh Thủy cũng cùng chung số phận ấy.

Sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, người dân xa quê lần lượt trở về, giếng bộng xưa vẫn còn và vẫn cho nước mát trong xanh, nhưng đình làng đã bị tàn phá, nhớ tiền nhân thuở trước, dân làng cùng nhau góp công tạo dựng lại một ngôi đình nhỏ nhắn nằm chính trên mảnh đất đình xưa. Đình xây một gian, hai chái, mặt ngó về hướng đông. Bàn thờ tiền hiền chính giữa, hai bên là hậu hiền. Gian chính giữa có hai cột tròn, được đắp hai con rồng uốn lượn, hai bên có 4 cột vuông.

Chính giữa có hai câu đối: “Vạn cổ tiền công, khai thác địa/ Thiên thu hoằng đức, ngưỡng xưng cao”.

Bên tả: “Tổ đức tiền nhân, lưu phước ấn/ Thống truyền hậu thế nhựt minh quang”. Bên hữu: “Đầu sự công thành trung ái quốc/ Khải hoàn quân vọng, nghĩa ưu hương”. Hai trụ ở tấm bình phong chắn trước đình có câu: “Tỉnh Thủy tiền hiền tồn lưu tích/ Hương hiền vạn cổ tiết hoa phong”.

Hằng năm, theo tục lệ xưa đến ngày rằm tháng Giêng âm lịch là giỗ làng, gọi là tế Xuân; ngoài lễ còn có hội: hát bộ, chơi những trò chơi dân gian..., nhưng nay đổi lại rằm tháng Tư. Mỗi lần lễ làng là dịp để bà con làng xóm gặp lại nhau, ngoài lễ tưởng nhớ tiền nhân, còn là dịp hàn huyên, gặp mặt con cháu, chúc nhau những điều tốt lành, thắm tình làng xóm. Với truyền thống yêu nước và văn hóa lâu đời, dân làng Tỉnh Thủy đang ra sức giữ gìn và phát huy bản chất tốt đẹp của Tỉnh Thủy xưa, chung tay xây dựng làng quê đẹp giàu trên bước đường xây dựng một nông thôn mới, để nơi đây mãi mãi là Tỉnh Thủy hương hiền.   

Phạm Văn Bính
;
.
.
.
.
.