Ngay sau chuyến thực tế kiểm tra việc triển khai các dự án tài trợ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng của Đoàn Chủ tịch HĐQT Quỹ Rockefeller, bà Đỗ Thị Kim Lĩnh, Chủ tịch Hội LHPN thành phố cho biết, trong gói tài trợ về nâng cao năng lực ứng phó biến đổi khí hậu của quỹ này dành cho Đà Nẵng, phụ nữ được hưởng lợi một phần với khoản tài trợ 6 tỷ đồng.
Số tiền này dùng làm vốn tín dụng ưu đãi dành cho phụ nữ thuộc hộ nghèo và cận nghèo để xây dựng, sửa chữa nhà chống bão. Theo dự kiến, sẽ có 320 hộ được vay vốn, và quay vòng với 400 hộ trong giai đoạn 2011-2014 của dự án.
TS. Judith Rodin, Chủ tịch Quỹ Rockefeller đánh giá cao và hoan nghênh việc lồng ghép các chương trình ứng phó biến đổi khí hậu của Đà Nẵng với việc phát triển đô thị của thành phố và cam kết tiếp tục triển khai các khoản viện trợ của Quỹ này nhằm đưa Đà Nẵng thành hình mẫu trong ứng phó biến đổi khí hậu.
Điều đó cho thấy tính hiệu quả trong việc thực hiện các dự án của Quỹ Rockefeller trên địa bàn thành phố. Đồng thời, đây cũng là biểu hiện cụ thể, sinh động của việc triển khai chủ trương, chính sách về đối ngoại nhân dân (ĐNND) của Đà Nẵng trong những năm qua. Trong đó, việc hướng tới tiếp cận và khai thác hiệu quả những nguồn vốn viện trợ phi chính phủ từ những tổ chức nước ngoài tiềm năng đã trở thành một trong những nội dung quan trọng của Chương trình hành động của Thành ủy về ĐNND mới vừa được ban hành. Quỹ Rockefeller có bề dày lịch sử gần 100 năm với sự ủng hộ kinh phí khoảng 150 triệu USD mỗi năm của các doanh nghiệp, cá nhân là một trong những “tổ chức tiềm năng” mà Đà Nẵng đang tập trung tiếp cận và vận động hỗ trợ nhiều hơn nữa, nhằm giải quyết những vấn đề về phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.
Trong thành quả về phát triển kinh tế-xã hội gần 15 năm qua của thành phố, luôn có sự hiện diện tích cực của hơn 120 tổ chức viện trợ phi chính phủ nước ngoài. Theo đó, gần 1 nghìn tỷ đồng đã được các tổ chức này tài trợ; từ những tổ chức có tiềm lực như Đông Tây hội ngộ, Atlantic Philanthropies, Children of Vietnam... với dự án xây dựng Bệnh viện Mắt, hoạt động ban đầu của Viện Anh ngữ, hỗ trợ trẻ em Đà Nẵng... đến những tổ chức nhỏ, tiềm lực hạn chế nhưng hoạt động bền bỉ và gắn bó lâu dài với hoạt động nhân đạo từ thiện như “Xin chào” (Thụy Sĩ), Les Enfants de l’Avenir, La Goute d’Eau... Với sự hỗ trợ tích cực này, hàng nghìn người có hoàn cảnh khó khăn được quan tâm hỗ trợ về vật chất, góp phần cùng thành phố giải quyết tốt những vấn đề về an sinh xã hội...
Nói điều đó, để thấy rằng, chủ trương tăng cường ĐNND không phải là một vấn đề xa vời, mang tầm vóc vĩ mô... mà chính là những vấn đề thiết thân đối với mỗi người, mỗi nhà, mỗi cơ quan, đơn vị, tổ chức... trên địa bàn thành phố. Đây không phải là nhiệm vụ của một tổ chức chính trị-xã hội được thành lập để làm công tác chuyên trách về lĩnh vực này là Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị thành phố, mà là nhiệm vụ của cả cộng đồng xã hội, từ các cán bộ đến từng người dân... để từ đó hợp thành hoạt động ĐNND - một trong 3 trụ cột của công tác đối ngoại.
Bởi, với việc trân trọng và sử dụng có hiệu quả từng đồng vốn viện trợ của những tổ chức này ở mỗi gia đình hộ nghèo; sự giúp đỡ, can thiệp kịp thời đối với những trường hợp nhiễm chất độc da cam/dioxin, trẻ em khuyết tật; sự đối xử trân trọng đối với mỗi dự án tài trợ từ chủ trương, chính sách thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi đến từng nụ cười cởi mở, thân thiện khi giao tiếp... chính là sự thể hiện sinh động và cụ thể của công tác ĐNND, từ đó mang lại những hiệu quả thiết thực cho phát triển kinh tế-xã hội của thành phố cũng như mỗi con người, mỗi gia đình.
Vì thế, ý thức đúng đắn và rõ ràng hơn về ĐNND, chính là nâng cao đời sống từ mỗi gia đình đến nâng cao hình ảnh và vị thế của Đà Nẵng trong giai đoạn tăng tốc mở rộng quan hệ nhằm xây dựng một thế giới hòa bình, ổn định và cùng phát triển.
Anh Quân