.
Hồ sơ tên đường

Yết Kiêu, “rạng vẻ trời Nam một tướng tinh”

.
Yết Kiêu có tài bơi lặn giống như một loài thủy tộc, từng đục thủng nhiều chiến thuyền của địch trong các cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông thế kỷ XIII, mang lại nhiều chiến công vang dội.

Mô tả ảnh.
Đường Yết Kiêu, Đà Nẵng.
 
Yết Kiêu tên thật là Phạm Hữu Thế, không rõ năm sinh, năm mất, quê làng Hạ Bì, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương (nay thuộc xã Yết Kiêu, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương). Theo chú thích trong Đại Việt Sử ký Toàn thư, Yết Kiêu là tên một loài chó săn mõm ngắn; cách dùng tên thú đặt tên cho người nói lên địa vị làm “nô” thấp kém của họ.

Tương truyền, ông nhà nghèo, hằng ngày phải mưu sinh bằng cách đi mò cua, bắt ốc, cá. Ông có sức khỏe và dũng cảm lạ thường. Một hôm thấy hai con trâu trắng đang húc nhau trên bãi cát, ông dùng đòn gánh phang chúng chạy biến xuống nước. Ông biết đó là hai con trâu thần, xem lại đòn gánh thì thấy còn dính vài cọng lông, ông liền nuốt lấy. Từ đó ông bơi lặn càng giỏi, lội nước hàng mấy dặm như đi trên đất và có thể bắt cá, mò trai cả ngày dưới nước.

Ban đầu ông được tuyển làm môn hạ giữ việc chèo thuyền cho Trần Hưng Đạo. Năm Thiệu Bảo thứ 6 (1284), quân Nguyên sang đánh nước ta lần thứ 2, Trần Hưng Đạo rút quân về đóng ở Vạn Kiếp. Một lần gặp phục binh của giặc, chiến thuyền của quân ta đều chạy tan, Hưng Đạo Vương bỏ thuyền theo đường ven chân núi mà đi. Một mình ông cắm thuyền ở lại Bến Bãi trên sông Lục Nam, chờ đón cho kỳ được Trần Hưng Đạo và Dã Tượng rồi mới chèo thuyền lướt như bay, kỵ binh của địch theo không kịp. Trần Hưng Đạo thoát hiểm nhờ lòng quả cảm và tinh thần kỷ luật của Yết Kiêu không rời bỏ vị trí chiến đấu khi chưa có lệnh.

Ông là một trong 5 tùy tướng tài giỏi của Hưng Đạo Vương: Cao Mang, Đại Hành, Nguyễn Địa Lô, Dã Tượng và Yết Kiêu. Tháng 6-1285, ông cùng Phạm Ngũ Lão và Dã Tượng chỉ huy quân phục kích ở Tây Kết, góp phần đánh tan 50.000 quân Nguyên, giết Toa Đô tại trận.

Trong các trận thủy chiến, với tài bơi lặn, ông và Dã Tượng đã nhiều lần lập công, thường lặn xuống nước, đục thủng thuyền giặc, gây cho địch nhiều thiệt hại. Chính Yết Kiêu đã mưu trí bắt sống Phạm Nhan (tức Nguyễn Bá Linh), tay sai phản nước ngay trên thuyền của tướng giặc là Ô Mã Nhi.

Lần nọ, đang đông giá rét nhưng ông vẫn không ngại, đêm đêm lặn xuống biển, lấy dùi sắt nhọn đục thủng thuyền giặc. Thuyền bị chìm ngay, quân địch sợ khiếp vía. Lúc đầu chúng không hiểu vì lẽ gì, sau chăng lưới vây bắt được Yết Kiêu, mới hỏi ông: “Nước mày có bao nhiêu người có tài bơi lặn như mày?”. Ông đáp: “Nước Nam có rất nhiều người có tài bơi lặn như tôi. Hiện nay họ vẫn ẩn nấp ở dưới biển để đục thuyền, chỉ một mình tôi chẳng may bị bắt. Nếu các ông tha tôi ra tôi sẽ dẫn các ông đến chỗ họ ẩn nấp, tha hồ cho các ông bắt”.

Bọn giặc cứ tưởng bở, hí hửng lấy một chiếc thuyền nhẹ chở ông đi. Thừa lúc chúng sơ ý, ông nhảy tùm xuống biển, lặn trốn về doanh trại quân ta. Quân giặc đành trơ mắt nhìn nhau căm tức.

Sau khi ông mất, được ban tặng chức Đại vương, phong làm Phúc thần. Vua Trần truyền lập đền thờ ông ở bờ sông làng Hạ Bì quê ông (tên nôm là làng Quát). Hội đền Quát được tổ chức long trọng và rất lớn hằng năm vào ngày 15-8 âm lịch để tưởng nhớ Yết Kiêu. Lễ hội có tục bơi thuyền chải nam, nữ. Yết Kiêu được tôn là ông tổ của ngành bơi lặn nước ta.

Tôn vinh ông, đời sau có thơ vịnh rằng: “Hồ hải xông pha tỏ chí mình,/ Không nề lặn lội cứu sinh linh./ Giữa sông cung kiếm trừ yêu quái,/ Đáy nước khoan thuyền bắt Bá Linh./ Cướp vía Thoát Hoan khi đắc báo,/ Giúp oai Hưng Đạo lúc hành binh./ Một mai phá giặc thành công lớn,/ Rạng vẻ trời Nam một tướng tinh”.

Tên ông được đặt cho một đường phố ở Hà Nội, nơi có Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội mà thường được biết đến với tên gọi Mỹ thuật Yết Kiêu. Ở Đà Nẵng, đường Yết Kiêu xuất hiện trên bản đồ đường phố Đà Nẵng từ năm 1994,  đường dài 4.400m, rộng 21m, nối cảng Tiên Sa đến ngã ba Sơn Trà (đường Ngô Quyền và đường Nguyễn Phan Vinh), phường Thọ Quang, quận Sơn Trà.

LÊ GIA LỘC
;
.
.
.
.
.