Trường xưa, thầy cũ, bạn hữu, và biết bao kỷ niệm một thưở hoa niên... của rất nhiều thế hệ lại bất ngờ gặp nhau trong một ấn phẩm viết về Mái trường. Với mỗi ngôi trường, hầu như đều không thể thiếu những ấn phẩm dành riêng cho thầy và trò của chính ngôi trường mình.
Một số ấn phẩm của Trường Trung học Trần Quý Cáp, Hội An. |
Ở đặc san 100 năm Trường Quốc Học - Huế (1996), không chỉ là những vấn đề bó gọn trong phạm vi chuyện trường lớp, chuyện thầy cô, chuyện bạn bè một thuở, mà còn chuyện vùng văn hóa Huế, chuyện lối sống miền Trung, chuyện truyền thống nhân cách Việt Nam. Cũng chính dịp này, nhiều cựu học sinh đã bất ngờ công bố các bộ “sưu tập” quý giá, chẳng hạn: Tạp chí Bước đầu của học sinh Trường Cao đẳng tiểu học Quốc Học - Huế chép tay những năm 1934-1936.
Tập văn học sinh của trung học Khải Định (tên cũ của Trường Quốc Học) in năm 1949. Đặc san Ái hữu Quốc Học in vào giai đoạn 1960-1970. Đặc san Ngưỡng cửa của học sinh Quốc Học in năm 1969. Tập san Áo trắng của học sinh liên trường Quốc Học -Trưng Trắc - Nguyễn Huệ - Gia Hội chép tay năm 1979. Đặc san Quốc Học 90 năm do Ban liên lạc học sinh cũ Quốc Học - Huế quay ronéo năm 1986. Các bản Quốc Học - Đồng Khánh và Phượng vỹ do thầy trò Quốc Học một thuở, hiện cư trú ở nước ngoài thực hiện mấy năm qua...
Đặc san Đồng Khánh – Mái trường xưa (ấn hành vào dịp kỷ niệm 80 năm thành lập trường, 1996), gợi nhớ đến những người đẹp vang danh qua nhiều thập kỷ, với khuôn mặt chữ điền, tà áo tím hay áo trắng, chiếc nón bài thơ, mái tóc thề kín đáo, e ấp... Tên ngôi trường nữ trung học nổi tiếng này, xưa kia vốn là tên vị vua thứ 11 của nhà Nguyễn, nghe không phù hợp bằng tên Hai Bà Trưng bây giờ, thế nhưng nhiều thế hệ học trò cả xưa và nay đều cho rằng, cái tên Đồng Khánh vẫn không thể phai nhòa bởi nó đã trở thành một biểu tượng thơ mộng và thân thương: “Nữ sinh Đồng Khánh ngày xưa/Xui hoàng hôn tím trang thơ học trò /Nữ sinh Đồng Khánh qua đò/ Xui dòng Hương cất giọng hò xa xôi/ Nữ sinh Đồng Khánh dạo chơi/ Phấn thông vàng rải ngát trời Thiên An/ Trống trường Đồng Khánh vừa tan/ Trên đường phơi phới từng đàn bướm bay (thơ Mai Văn Hoan).
Đặc san Đồng Khánh - Mái trường xưa. |
Ở Trường Trung học Phan Châu Trinh, Đà Nẵng, theo lời kể của anh Phạm Vũ Thịnh (cựu học sinh niên khóa 64-65): “Năm Đệ nhị, lớp chúng tôi thực hiện một tập Đặc san. Tốn rất nhiều thì giờ bàn cãi về tên Đặc san, sau cùng “Niệm” do L.T.K. Trinh đặt đã được chọn, có lẽ vì nhiều ý nghĩa, và… mơ hồ. Nói là “kỷ niệm”, “hoài niệm”, cũng được, mà lại nghe có vẻ … siêu thoát. Hình bìa do họa sĩ L. Hân phác họa theo mẫu một người đẹp trong trường, sau đó được trưởng lớp cũng là họa sĩ tài hoa Đ.V. Cho điểm xuyết, đưa khắc bản gỗ và chọn màu in. Hình một khuôn mặt con gái thanh tú, sóng tóc uốn lượn xõa dài. Không khác gì tóc các chị thời ấy. Bìa in 2 màu đen và cam. Đ.V. Cho đã làm khổ thợ in rất lâu mới pha đúng màu ưng ý. Bìa được in tại nhà in Trúc Mai miễn phí vì ông giám đốc thương đám học trò nghèo. Trang ruột quay ronéo, có minh họa cẩn thận. Rất tiếc sau mấy năm biển dâu, chiến tranh khốc liệt, chắc chẳng ai còn giữ được kỷ vật quý báu ấy. Giá còn giữ được một bản để xem lại ngày trước mình viết, vẽ… như thế nào, hẳn là thú vị và… mắc cỡ lắm”.
Mới đây, tập kỷ yếu “Chúng tôi có một thời như thế” ra mắt vào dịp kỷ niệm 40 Tổng đoàn học sinh Đà Nẵng (1971-2011), mặc dù không phải là ấn phẩm riêng của Trường Trung học Phan Châu Trinh, nhưng nội dung vẫn thể hiện nhiều dấu ấn đậm nét về ngôi trường này vào thời kỳ chiến tranh khốc liệt. Đặc biệt, trong đó trích dẫn nhiều bài viết và hình ảnh từ các đặc san Phan Châu Trinh như: Hành Hương (Xuân Nhâm Tý, 1972), Vỡ Mắt (Xuân Nhâm Tý, 1972), Đất Hồng (1974)...
Anh Phan Thế Tập (cựu học sinh Trường trung học Trần Quý Cáp, Hội An) cho biết: “Tờ báo in đầu tiên của Trường Trần Quý Cáp (in ronéo) có lẽ là Xuân Bính Thân (1956) của lớp Đệ ngũ 1 năm học 1955-1956 do các anh Phạm Phú Minh, Nguyễn Đình Hà, Khưu Vỹ Nghi, Lê Đình Thảng, Nguyễn Thiện Nhiễu... chủ trương và thực hiện. Tuy nhiên, tờ báo đầu tiên này gặp một sự cố khá nặng nề: Ngay khi vừa phát hành, tờ báo bị tịch thu và 5 người trong Ban biên tập bị đuổi học khỏi trường”. Nguyên nhân, anh Tập cho rằng, hình như có một bài viết đụng chạm đến gia đình thầy L.V.K. Tổng giám thị của trường. Không biết bài báo có xúc phạm nặng nề lắm không, mà sau đó, phụ huynh của 5 người nói trên viết đơn xin lỗi, cam kết với nhà trường không cho con em tái phạm, vậy mà vẫn không được xem xét (tuy nhiên, về sau cả 5 anh này đều đỗ trung học và vài anh tiếp tục theo nghiệp báo, rất nổi tiếng ở phương xa).
Sau 1975, sau khi thành lập được Ban vận động tổ chức kỷ niệm 40 năm ngày thành lập trường (20-12-1952 - 20-12-1992), đặc san Trần Quý Cáp số 1 ra đời. Từ đó về sau, mỗi mùa xuân, các đặc san của trường tiếp tục ra mắt khá đều đặn, qua các chủ đề như: Trường Trần Quý Cáp Xưa và Nay, Nhớ trường, Nửa thế kỷ một mái trường..., tạo nên một nhịp cầu liên lạc, gặp gỡ giữa nhiều thầy cũ, bạn xưa... Đặc biệt, cũng qua thông tin các đặc san, học bổng từ trong và ngoài nước, gửi về trường ngày càng nhiều. Mỗi năm, đến ngày khai giảng, Ban liên lạc Đà Nẵng đều vào trường dự lễ và trao học bổng cho các em học sinh.
Còn rất nhiều ấn phẩm thú vị về các trường học không sao kể hết. Dù là những trường có bề dày lịch sử cả trăm năm, đến những ngôi trường vừa mới ra đời 5-10 năm, ấn phẩm mỗi trường đều có những lịch sử riêng, những nét độc đáo riêng. Tuy nhiên, hầu hết nơi ấy đều gặp gỡ chung một điều: đánh thức chúng ta những hồi ức trong sáng, đẹp đẽ với những kỷ niệm tuyệt vời về thầy cô, bạn bè, nơi mái trường xưa cũ thân thương.
TRẦN TRUNG SÁNG