“Một sự thăng tiến ngoài mong đợi” là nhận xét giàu cảm thán của nhiều người trong những ngày này khi nhìn vào thành tích của đoàn thể thao Việt Nam tại đấu trường SEA Games 26 đang diễn ra tại Indonesia.
Bảng tổng sắp huy chương của các đoàn hằng ngày chứng kiến sự thăng tiến không ngừng của đoàn Việt Nam và từ vị trí thứ ba trong những ngày trước đó, từ chiều 16-11, với số huy chương đạt được, đoàn Việt Nam lần đầu vươn lên xếp thứ nhì, sau sự vượt trội không có gì khó hiểu của đoàn chủ nhà. Nói “không khó hiểu” vì như một thông lệ đã thành thói quen trong các kỳ thể thao khu vực, các chủ nhà SEA Games luôn đưa vào danh mục thi đấu những môn thể thao truyền thống vốn giúp họ thống lĩnh bảng xếp hạng. Ở SEA Games lần này, chủ nhà Indonesia tỏ ra vượt trội về huy chương trong các môn thế mạnh mang tính truyền thống của họ như trượt patin, pencat silat… Chính nhờ các “mỏ vàng” này mà vị trí dẫn đầu của họ luôn vững vàng, bỏ xa các kình địch.
Vào lúc không ít ý kiến từ các nhà chuyên môn thể thao khu vực không mặn mà với cách mà đoàn chủ nhà Indonesia chọn các môn thi đấu thuận lợi cho việc giành lợi thế về mặt huy chương, lơ là với việc chăm chút trên thực tế đối với các môn đấu Olympic, thành tích của các vận động viên Việt Nam ở hai môn điền kinh và bơi lội càng khiến chúng ta thêm phấn khích. Điền kinh và bơi lội là hai trong số hiếm hoi những bộ môn thể thao được đưa vào chương trình thi đấu mang tính toàn cầu. Những chỉ số thành tích ở hai môn này luôn là thước đo quan trọng về nỗ lực của con người trong quá trình chinh phục các đỉnh cao thể thao, trong đó chú trọng về ý chí, sức mạnh thể chất và tinh thần cùng những cách tân, sáng tạo trong thi đấu. Đẳng cấp, tầm mức một nền thể thao, vì thế, thường được phản ánh cô đọng nhất trong hình ảnh và thành quả mà nền thể thao ấy giành được trên các đấu trường chính thống ở các môn này.
Càng thấy rõ điều này, chúng ta càng tự hào, phấn khích về những gì mà các vận động viên điền kinh và bơi lội xứ sở mình đạt được ở Jakarta những ngày này. Bên cạnh một Trương Thanh Hằng tiếp tục giữ vững độ ổn định để giành các tấm huy chương vàng, sự trưởng thành và lên ngôi của các nhân tố mới như Dương Văn Thái, Dương Thị Việt Anh ở bộ môn điền kinh gửi đi nhiều thông điệp tươi trẻ về tương lai bộ môn này. Và vào lúc kình ngư một thời Nguyễn Hữu Việt có dấu hiệu chững lại thì đường đua xanh Việt Nam đã kịp thời giới thiệu gương mặt mới háo hức lòng người: Hoàng Quý Phước.
Bằng thành tích giành cùng lúc hai huy chương vàng ở nội dung 100 mét bướm và 100 mét tự do môn bơi lội- hai nội dung được xếp hạng “sang” nhất của bộ môn này- chàng trai Đà Nẵng trở thành nhân tố mới khuấy động đường đua xanh ở vận hội Đông Nam Á lần này. “Cú đúp vàng” bơi lội đã đưa Phước vào lịch sử thể thao với tư cách vận động viên bơi lội đầu tiên của Việt Nam giành hai huy chương vàng ở một SEA Games.
“Hãy khen thưởng thích đáng cho Phước!”, có khán giả Việt Nam phấn khích đã thốt lên điều này khi chứng kiến thành quả của kình ngư trẻ. Đó là tiếng reo vui thể hiện tấm lòng ngưỡng mộ đối với quá trình rèn luyện của một vận động viên trẻ biết vượt qua khó khăn, nghịch cảnh nhằm đem vinh quang về cho Tổ quốc. Đó cũng là sự trân trọng dành cho một mầm xanh tương lai, lời cổ vũ hùng hồn dành cho đầu tư đúng hướng của thể thao nước nhà. Trên bục nhận huy chương ở Jakarta, thật xúc động khi chính Phước khẳng định rằng con đường của anh hãy còn ở phía trước. Kình ngư Việt Nam đang hướng đến những mục tiêu xa hơn ở cấp châu lục.
Đình Xê