.

Vấn nạn toàn cầu

.

Sau hơn 6 tháng phát động, Diễn đàn Thanh niên với các vấn đề quốc tế do Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị thành phố Đà Nẵng, Thành Đoàn và Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng phối hợp tổ chức đã chọn 19 bài từ hàng trăm bài dự thi ở vòng sơ khảo với nhiều vấn đề “nóng” được giới trẻ quan tâm.

 

Mô tả ảnh.
Lồng ghép kiến thức bảo vệ môi trường và giảm thiểu BĐKH cho học sinh, sinh viên qua các hoạt động ngoại khóa.

 

Thông qua diễn đàn, SV các trường ĐH, CĐ và đoàn viên, thanh niên khối Các cơ quan thành phố Đà Nẵng sẽ có cơ hội trao đổi, nâng cao nhận thức, ý thức, vai trò và trách nhiệm đối với các vấn nạn toàn cầu hiện nay.

19 bài ở vòng sơ khảo đã đề cập đến những vấn đề “nóng” như “Công ước Cedaw về xóa bỏ hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ” (SV Mai Thị Bích Châu, khoa Quốc tế học, ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng), “Buôn bán nội tạng - vấn nạn toàn cầu” (SV Lê Hoàng Hạnh, Lê Thị Yến Nhi, khoa Quốc tế học, ĐH Ngoại ngữ), “Bùng nổ dân số” (Chi đoàn Văn phòng Sở Y tế)... Tuy nhiên, với 8 bài dự thi nói về biến đổi khí hậu (BĐKH), cho thấy đây là vấn đề “nóng” nhất và được xem là tác nhân ảnh hưởng mạnh mẽ đến môi trường sống của nhân loại.

Trong thập kỷ qua, nhân loại phát triển một cách nhanh chóng chưa từng có và hệ quả là, “chúng ta đang đối mặt với một trong những thách thức lớn nhất của thế kỷ XXI. Đó chính là khủng hoảng môi trường toàn cầu mà điển hình là BĐKH, hiện tượng nóng dần lên của bề mặt trái đất, ô nhiễm môi trường, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, mất đa dạng sinh học và cân bằng sinh thái…”. (“Nhận thức và vai trò của thanh niên đối với sự phát triển bền vững” - Chi đoàn Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thành phố Đà Nẵng).

Khủng hoảng môi trường toàn cầu đã đặt ra thách thức cho toàn nhân loại, đặc biệt là tuổi trẻ, vốn được xem là chủ nhân của thế giới tương lai. Trong một thế giới thu nhỏ như thành phố Đà Nẵng, vấn nạn này đã được thanh niên ngẫm nghĩ và hành động.

 

Diễn đàn diễn ra tại Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng vào ngày 27-11-2011 với các nội dung:
Vấn đề biến đổi khí hậu; Bùng nổ dân số; Bản sắc văn hóa trong thời kỳ hội nhập; Phát triển bền vững; Xây dựng ý thức nhân văn toàn cầu; Nhận thức, ý thức, vai trò, trách nhiệm của thanh niên đối với các vấn đề toàn cầu; Tìm hiểu một số công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia; Buôn bán nội tạng; Biển đảo…

Bạn Đinh Hữu Tuyến, Phòng Công nghệ Năng lượng và Môi trường, Trung tâm Tiết kiệm năng lượng và Tư vấn chuyển giao công nghệ, Sở KH-CN Đà Nẵng, trong bài viết của mình đã chỉ ra những tác động nguy hại của BĐKH đối với Đà Nẵng như hư hỏng hệ thống giao thông, tăng độ lũ trên sông, thay đổi mục đích sử dụng đất do hạn hán, nhiễm mặn nước sông và nước ngầm, giảm năng suất nông nghiệp do bão lụt, ảnh hưởng đến sự phát triển tiềm năng du lịch...

 

Để góp phần thay đổi thực trạng của vấn nạn này, các bạn trẻ ở Chi đoàn Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng, trong bài “Nhận thức, ý thức, vai trò và trách nhiệm của thanh niên đối với các vấn đề toàn cầu”, cho rằng thực tế chỉ cần những hành động rất nhỏ xuất phát từ ý thức, thói quen chứ không phải là những chiến dịch “nặng phần trình diễn” nhưng rồi lại “đánh trống bỏ dùi”. Bài viết đơn cử như việc tắt máy xe khi dừng đèn đỏ để giảm khí thải, sử dụng cả hai mặt giấy khi in, phân loại rác, tắt đèn và máy điều hòa khi rời phòng, tránh lãng phí thức ăn... sẽ góp phần bảo vệ môi trường sống một cách hiệu quả thay vì rầm rộ ra quân trong 1 tháng hành động mỗi năm. 

BĐKH là một trong những nguyên nhân làm cạn kiệt nguồn nước. 3 SV  Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng là Võ Đại Thành Nhân, Trần Thị Tuyết Ngân và Huỳnh Phương Diễm, trong bài “Bảo vệ nguồn nước - bảo vệ sự sống của chính chúng ta” đã khẳng định: “Cuộc khủng hoảng về nước hiện nay chỉ có thể giải quyết được bằng sự chung tay của toàn thế giới, đó là sự chia sẻ bình đẳng và trách nhiệm giữa các quốc gia, dân tộc, và trên hết đó là sự chia sẻ, ý thức và hành động của mỗi con người”.

Chi đoàn Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thành phố Đà Nẵng, qua bài “Nhận thức, ý thức, vai trò, trách nhiệm của thanh niên với vấn đề BĐKH”, đã đề xuất một số giải pháp cụ thể như chiếu phim về các chủ đề liên quan trong hoạt động ngoại khóa cho học sinh, sinh viên, qua đó lồng ghép kiến thức bảo vệ môi trường và giảm thiểu BĐKH; khuyến khích học sinh, sinh viên tham gia vào các câu lạc bộ bảo vệ môi trường; phối hợp với Đoàn Thanh niên các phường để mở lớp tập huấn bổ trợ kiến thức và tổ chức những cuộc thi nhỏ về BĐKH để tăng thêm nhiệt tình, quyết tâm cho thanh niên…

Trong bài “Vai trò thanh niên trong công tác ứng phó với BĐKH”, ThS.Vũ Thị Mai Hương, Đoàn Thanh niên Sở Tài nguyên và Môi trường, sau khi đặt câu hỏi “Thanh niên có thể làm gì để giảm nhẹ BĐKH?” đã đưa ra khẩu hiệu Think Global - Act Local (Tư duy toàn cầu - Hành động địa phương). Bài viết kêu gọi mỗi cá nhân góp phần ứng phó với vấn nạn toàn cầu này thông qua 10 hành động nhỏ. Trong đó, có 5 hành động thay đổi thói quen gồm: Sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các dạng năng lượng; dùng sản phẩm do địa phương sản xuất; giảm thiểu xả rác; tái sử dụng rác thải nếu có thể; dùng sản phẩm thân thiện với môi trường.

Thế giới có nhiều ngôn ngữ, và việc chung tay góp sức để giảm thiểu những vấn đề “nóng” toàn cầu sẽ là ngôn ngữ chung nhất không chỉ nối vòng tay lớn tình hữu nghị mà còn kéo cả nhân loại xa khỏi bờ vực thảm họa.

VIÊN PHÚC QUÂN (tổng hợp)

;
.
.
.
.
.