* Trò chơi Hành trình Khám phá trên VTV Đà Nẵng tối ngày 13-11 vừa qua, ở Vòng 3, người dẫn chương trình có nêu câu hỏi chủ đề Văn hóa “Ai đặt tên Ngũ Hành Sơn cho cụm núi Non Nước tại Đà Nẵng?”. Sau gần 1 phút, cả 4 người chơi đều không có câu trả lời, người dẫn chương trình nói rất rành rẽ: Đó là vua Gia Long. Câu trả lời này rất lạ, bởi lâu nay, các hướng dẫn viên ở Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn (NHS) đều thuyết minh rằng tên gọi NHS là do vua Minh Mạng đặt. Xin quý báo cho biết ý kiến của mình về thông tin này? (Phan Bân, Khu du lịch thắng cảnh NHS).
Ngũ Hành Sơn nhìn từ sông Cổ Cò. (Ảnh: VTL) |
- Chúng tôi có xem lại chương trình nói trên tại địa chỉ http://www.vtvdanang.vn/video-clips/games-show/san-chi-hanh-trinh-kham-pha-ngay-13112011, từ phút thứ 44 trở đi có nội dung đúng như phản ánh của độc giả.
Lâu nay rất nhiều tài liệu, trang web đưa thông tin người đặt tên NHS cho cụm núi Non Nước (quận NHS, thành phố Đà Nẵng) là vua Minh Mạng. Có thể kể ra: Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, Trang web giới thiệu du lịch Đà Nẵng (http://www.tourdulichdanang.com.vn), Cổng thông tin Du lịch thành phố Đà Nẵng (http://www.danangtourism.gov.vn)...
Bên cạnh đó, cũng có một số tài liệu, trang web cho “tác giả” của tên gọi NHS là vua Gia Long.
Tuy nhiên, đọc đoạn trích từ bài Danh xưng nơi NHS đăng trên http://www.danangpt.vnn.vn (Bưu điện Đà Nẵng): Danh xưng “NHS” xuất hiện vào đầu thế kỷ XIX và tồn tại cho đến ngày nay. Lâu nay, người ta thường cho danh xưng này do vua Minh Mạng đặt ra nhưng trong cuốn “Nhất Thống Dư Địa Chí” gồm 10 quyển của Lê Quang Định soạn theo lệnh của vua Gia Long, sau khi thống nhất đất nước, trong phần sông núi Quảng Nam đã ghi: “Phía đông bến đò ngang của xã là núi Ngũ Hành gồm có 5 ngọn được gọi là Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ”. Còn trong cuốn “Đại Nam Nhất Thống Chí” của triều Nguyễn lại viết: “Năm Minh Mệnh thứ 18 (1837) có sắc ban cho núi Tam Thai gọi là Thủy Sơn, ba ngọn núi phía tây nam là Mộc Sơn, Dương Hỏa Sơn và Âm Hỏa Sơn, hai ngọn núi phía tây là Thổ Sơn và Kim Sơn, đều khắc tên vào đá núi”. Như vậy, phải chăng danh xưng này đã có từ trước, chưa rõ ai đã đặt ra và vua Minh Mạng ra sắc ban các tên đó?
Thấy rằng tài liệu này vẫn không khẳng định là vua Gia Long đặt tên cho NHS mà chỉ nêu câu hỏi “phải chăng danh xưng này đã có từ trước, chưa rõ ai đã đặt ra và vua Minh Mạng ra sắc ban các tên đó?”.
Chỗ khác, một tài liệu của Bảo tàng Đà Nẵng có tiêu đề là Danh thắng NHS đăng trên http://www.nguhanhson-dn.edu.vn có đoạn: Năm 1837, trong một chuyến viếng thăm núi, vua Minh Mạng đã dựa theo nguyên lý của Khổng giáo đặt tên nhóm núi này là “NHS”, duy trì tên gọi từ thời Gia Long là Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn và Thổ Sơn… (chúng tôi nhấn mạnh – ĐNCT)”.
Theo đó, tên 5 ngọn núi có từ thời Gia Long (chứ chưa hẳn do vua Gia Long đặt), tên cả nhóm núi NHS là do vua Minh Mạng đặt.
Một tài liệu khả tín hơn, thiên biên khảo Les Montagnes Marble (Những ngọn núi cẩm thạch) của Bác sĩ Albert Sallet (1877 – 1948), nhà nghiên cứu dân tộc học người Pháp tại xứ Trung Kỳ, được nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy chuyển dịch và bổ chú với tựa là Ngũ Hành Sơn, NXB Đà Nẵng, 1996, tr. 12-13 ghi: Vua Minh Mạng, trong một chuyến ngự du chiêm bái các đền thờ trên núi vào niên hiệu thứ mười tám (1837) của nhà vua, đã thay đổi toàn bộ tên cũ của các cảnh sắc và đền chùa bằng những danh xưng mới do nhà vua quyết định cho chữ. Vua đã dựa vào cổ thư Nho giáo, dùng hệ thống liên hệ các thành phần nguyên tố của sự vật và sinh thái mà đặt tên chung cho năm cụm núi là Ngũ Hành Sơn…
Theo những gì mà mình hiện có được, chúng tôi nghiêng về ý kiến cho rằng vua Minh Mạng đã đặt tên cho NHS.
ĐNCT