Viết nhạc từ năm 1980 nhưng người yêu nhạc Đà Nẵng ít biết đến ông, dù trong thời gian đó, Trung Chính (ảnh) tham gia nhóm sáng tác ca khúc chính trị cho Huyện Đoàn Hòa Vang và đoạt giải nhất toàn tỉnh với các ca khúc Chống chiến tranh hạt nhân, Người mẹ Dũng sĩ Thanh Khê, Đà Nẵng mùa xuân…
Bẵng đi một thời gian dài, ông dành tâm sức cho việc kinh doanh của gia đình và chỉ thực sự trở lại làng âm nhạc khi CD “Cuồn cuộn trôi” được phát hành, xuất hiện trên một số địa chỉ âm nhạc vào năm 2009 với lượng người truy cập khá cao. CD Cuồn cuộn trôi tập hợp 10 ca khúc phổ thơ của ông như Về thăm thôn Vỹ, Trăng tàn đêm, Mẹ tôi, Thả, Cát bụi ngậm ngùi, Cái bóng, Tháng ba hoa gạo, Hương thời gian, Huế vào đông, Cuồn cuộn trôi với giai điệu, ca từ nhẹ nhàng, sâu lắng.
Là một chủ doanh nghiệp, ông xem việc sáng tác là món ăn tinh thần không thể thiếu. Ông say mê nó như muốn tìm lại sự quân bình trong cuộc sống khi một bên là công việc kinh doanh bề bộn và một bên là tình yêu âm ỉ dành cho âm nhạc. Vốn là người sống nội tâm, những ca từ trong sáng tác của ông luôn mang niềm trăn trở, trải nghiệm về tình đời, tình người. Ví như Dòng đời cuồn cuộn cuốn trôi tình người, quên cội quên nguồn quên nợ quên duyên... Còn ai ngồi lại hát lời tử sinh (Cuồn cuộn trôi) hay Tóc thề bay trong gió, hương thả vào đêm mơ (Về thăm thôn Vỹ), Lăng mộ bia còn đây lời cổ độ (Huế vào đông)… Ông chia sẻ, phần lớn những sáng tác của ông là thơ phổ nhạc vì mỗi khi đọc được một bài thơ hay, ông cũng cố gắng đưa nó đến gần hơn với người yêu nhạc. Bởi theo ông, thơ là tâm hồn, nhạc là đôi cánh để đưa tâm hồn ấy bay cao hơn, xa hơn trong thế giới cảm xúc.
Mới đây nhất, ông chia sẻ với tôi về ca khúc Đà Nẵng vào xuân, phổ thơ của nhà thơ khuyết tật Trần Phước Ninh. Ông bảo, một lần tình cờ gặp Ninh tại Hòa Khánh khi anh đi bán vé số nuôi mẹ đang nằm viện. Khâm phục trước tài năng và nghị lực phi thường của Ninh, nhạc sĩ Trung Chính không ngần ngại xin vài bài thơ của anh với ý định sẽ phổ nhạc để tri ân một tấm lòng. Và, Đà Nẵng vào xuân đã ra đời ngay sau đó. Nhạc sĩ chia sẻ, là người khuyết tật, nhưng Trần Phước Ninh luôn nhìn đời bằng con mắt lạc quan, tin tưởng chứ không hề bi lụy.
Những câu thơ trong Đà Nẵng vào xuân ngay lập tức thuyết phục ông bởi chứa đựng niềm vui rộn ràng giống như hối thúc ấy: “Lắng nghe mùa xuân nói gì em hỡi mà không gian tràn ngập niềm vui/Đà Nẵng quê mình hôm nay đã đổi mới/Sông Hàn ơi thuyền ai ra khơi/Cánh chim về đây hót lời thánh thót hòa ca lên Đà Nẵng vào xuân/Chào đón công trình vươn lên tầm cao mới/Sông Hàn ơi em đẹp tuyệt vời. Hải Vân, Bà Nà đang vươn mình thức dậy/Ngũ Hành Sơn Trà vùng sinh thái cho ta/Biển trời bao la thuyền ta rẽ sóng/Tôm cá theo về tìm câu hát hò khoan…”. Bài hát với tiết tấu giai điệu vui tươi, sôi động, ca từ dễ cảm, dễ hát. Đặc biệt, tác phẩm Đà Nẵng vào xuân ra đời đúng vào dịp kỷ niệm 15 năm Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Chia sẻ về nghiệp viết, nhạc sĩ Trung Chính nói hiện nay Đà Nẵng vẫn thiếu những ca khúc hay, giai điệu đẹp, có tầm ảnh hưởng sâu rộng như Đà Nẵng tình người hay Đà Nẵng tuổi thơ tôi. Điều này cũng là thử thách để ông tiếp tục sáng tác ca khúc viết về Đà Nẵng. Đó không chỉ là mong muốn của riêng ông mà của phần lớn những nhạc sĩ sinh ra và lớn lên tại thành phố này. Tuy nhiên, có một điều khiến ông trăn trở là Đà Nẵng vẫn chưa có một trung tâm lớn để phát hành album cho các ca sĩ, nhạc sĩ người Đà Nẵng, điều này phần nào hạn chế khả năng sáng tác của nhạc sĩ hiện nay.
Tiểu Yến