Đã không ít thầy cô giáo phát hoảng vì ngôn ngữ “lạ” trong bài làm của học trò. Hiện tượng này đã là nguy cơ đưa tiếng Việt đến bến bờ thảm họa.
Một biển quảng cáo nửa Tây nửa ta. |
Đi về đâu Tiếng Việt…
...Tràng giang nghĩa là sông dài. Dường như trong cái không gian rộng của trời mây, non nước ấy trĩu đầy nỗi bùn của Huy Cận. Thân phận của con người trở nên pé nhỏ và cô đơn như cánh chim chìu nghiên nghiên đôi cánh pơ zơ không biết về đâu… (Trích bài làm của học sinh).
…Thông báo: Pa pa (thầy giáo chủ nhiệm) hôm nay sick (ốm). Sau tiết 5, cả lớp đi thăm. Mỗi người nộp 10k (10 ngàn).
… Pùn quá! Hok bit làm zì. (Buồn quá! Không biết làm gì).
Đây chỉ là vài ví dụ nhỏ về cách sử dụng tiếng Việt của học sinh hiện nay. Nếu làm một cuộc điều tra từ mạng điện thoại, diễn đàn trên mạng của giới trẻ thì hẳn chúng ta sẽ thấy tiếng Việt đang bị bóp méo trở nên dị dạng đến nỗi người Việt chính hiệu cũng không nhận ra. Đó là chưa kể việc chêm xen tiếng nước ngoài vô tội vạ trong cách nói và viết khiến tiếng Việt như món tạp pí lù khó nuốt. Mà đâu chỉ có ở giới trẻ, hiện trạng này xuất hiện nhan nhản trên các phương tiện thông tin đại chúng như báo, đài từ địa phương đến Trung ương.
Ngay đâu xa, tờ báo Hoa học trò, một ấn phẩm có sức hút với các cô cậu học trò trên cả nước lại là luôn dẫn đầu về việc lạm dụng tiếng Anh một cách vô tội vạ. Trong số báo 935 đón Giáng sinh năm 2011 vừa mới phát hành, chúng tôi đếm được 12 tiêu đề bài viết dùng chữ teen như: Chuyện phiêu lưu của các “Kịch gia teen”; Teen Hà Nội sắp phải đi học sớm; Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quên mất teen trong bài phát biểu; Bảo tàng ơi, hãy “teen hóa”; Những bà mẹ tuổi teen; Teen lên sân tập “swing”; Bắc Giang: Sập lan can trường, 7 teen gặp nạn; Quảng Bình: Teen lớp 8 đâm bị thương hai bạn… Chỉ mới dừng ở tiêu đề bài viết, người đọc đã phát hoảng vì cái sự loạn teen và nghèo nàn tiếng Việt của tờ báo. Việc sính dùng tiếng nước ngoài như là căn bệnh lây lan với tốc độ chóng mặt trên các diễn đàn và cuộc sống đời thường.
Vì đâu nên nỗi…?
Chúng tôi đã từng băn khoăn trước cái tên Sun shine của cuộc thi văn nghệ chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 tại một trường THPT có quy mô nhất nhì thành phố Đà Nẵng. Hay như gian hàng CuHoSiKu tại Ngày Hội dân gian tổ chức trong phạm vi trường (viết tắt từ: Cựu học sinh Kute). Câu trả lời của người có trách nhiệm: Tạo sức hút với tuổi teen năng động…(!?). Người khác lại cho rằng, thời đại hội nhập, việc sử dụng tiếng nước ngoài là hiển nhiên, có gì mà bàn cãi!
Vậy là từ người của công chúng đến thường dân cứ tha hồ dùng tiếng Tây, tiếng Tàu để chứng tỏ đẳng cấp, trí tuệ…
Vậy ngôn ngữ @, ngôn ngữ xì-tin tràn lan trên mạng, và đang xâm lấn vào học đường thì sao? Đã không ít thầy cô giáo phát hoảng vì ngôn ngữ “lạ” trong bài làm của học trò. Hiện tượng này đã là nguy cơ đưa tiếng Việt đến bến bờ thảm họa. Những người trong cuộc lý giải rằng, thời đại công nghệ thông tin rồi mà các cụ cứ đòi hỏi phải viết đủ câu, tròn chữ thì gay to. Thời gian đâu? Phiên phiến cho nhanh gọn. Hiểu nhau là được. Hãy xem như là một sự sáng tạo của tuổi trẻ, một sự lạ hóa tiếng Việt...
Sẽ còn rất nhiều lý do để bao biện cho việc hành xử với tiếng Việt hiện nay nhưng có một lý do mà không một ai dám thừa nhận là tình yêu tiếng mẹ đẻ đang sa sút trầm trọng trong xã hội. Khi chúng tôi đặt ra vấn đề này với học sinh trong tiết học: Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt (sách Ngữ văn 12, NXB Giáo dục) thì hầu hết các em ngẩn người. Có em rụt rè bày tỏ: Bọn em thấy báo chí, nghệ sĩ, người dẫn chương trình và cả những người nổi tiếng vẫn dùng thường xuyên nên nghĩ là đúng, là chuẩn mực…
Cứ tưởng rằng báo chí phải là công cụ phổ biến tính chuẩn của ngôn ngữ dân tộc, bảo vệ tiếng mẹ đẻ khỏi sự xâm lấn của yếu tố ngoại lai. Vậy mà: một cú đá phản lưới nhà vô cùng hiểm hóc…
Những chàng Đông-ki-sốt thời nay
Một lần cầm chiếc vé gửi xe của quán trà Sakura, ở số 125 Hoàng Hoa Thám, Đà Nẵng, chúng tôi cảm thấy nể phục lòng tự tôn dân tộc của người Nhật. Dù cả người giữ và người gửi xe đều là người Việt Nam chính hiệu, nhưng chiếc vé ghi dòng chữ tiếng Nhật đặt trên dòng chữ tiếng Việt. Ở ngay trên đất khách nhưng người Nhật vẫn thể hiện sự trân trọng đối với quốc hồn, quốc túy dân tộc mình. Trong khi đó người Việt lại có thói quen đặt tiếng nước ngoài (hầu hết là tiếng Anh) lên trước, tiếng Việt ở sau… tại các bảng hiệu nhà hàng, khách sạn ngay trên đất nước mình.
Chuyện về chàng Đông-ki-sốt đánh cối xay gió cứ tưởng chừng chỉ là chuyện trong tác phẩm của nhà văn Tây Ban Nha Miguel de Cervantes ở thế kỷ XV-XVI… Vậy mà trong thế kỷ XXI này, chính những người thầy cô giáo dạy Văn phải tả xung hữu đột chống lại thảm họa tiếng Việt hiện nay.
Đầu tháng 11 vừa qua, một trong những nỗ lực của tỉnh Phú Yên là phát động phong trào “Nói không với ngôn ngữ chat”. Qua mỗi bài học, người thầy miệt mài dạy các em tình yêu, lòng tự hào về tiếng mẹ đẻ. Bản thân người thầy phải làm gương trong cách nói và cách viết cho học sinh. Có thể coi đây như một hành động tiên phong trong việc dựng hàng rào bảo vệ sự trong sáng của tiếng Việt của ngành Giáo dục và Đào tạo.
Thế nhưng, nếu chỉ dừng lại trong phạm vi trường học thì quả là nan giải cho “bài toán” tiếng Việt hiện nay. Cần một chủ trương nhất quán và sự phối hợp của cả xã hội mới mong giữ lại những gì tinh túy, sáng trong, thiêng liêng của tiếng Việt - điều mà nhạc sĩ Phạm Duy đã trải lòng trong khúc hát Tình ca: “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đời, người ơi. Mẹ hiền ru những câu xa vời… Tiếng nước tôi! Tiếng mẹ sinh từ lúc nằm nôi. Thoắt ngàn năm thành tiếng lòng tôi, nước ơi!...”.
Như Hạnh