.

K-Pop chiếm lĩnh thị trường Nhật Bản

.

Những ngày đầu năm mới, các ban nhạc Hàn Quốc lại tung hoành và lấn át các ban nhạc nổi tiếng của xứ sở hoa anh đào ngay tại các thành phố lớn của Nhật Bản.

Nhóm nhạc nữ Rainbow đang được giới hâm mộ yêu thích nhất hiện nay.
Nhóm nhạc nữ Rainbow đang được giới hâm mộ yêu thích nhất hiện nay.

Trào lưu chuộng nhạc pop của Hàn Quốc (K-Pop) đã biến dòng nhạc này lấn lướt các bảng xếp hạng và phát triển mạnh tại các khu phố Hàn ở Tokyo. Những người hâm mộ đổ xô tới khu Shin-Okubo mua những tờ poster có hình các ngôi sao thần tượng. Các dịch vụ ăn theo như nhà hàng cũng phát triển rầm rộ nhằm phục vụ nhu cầu văn hóa ẩm thực Hàn Quốc ngày càng tăng.

Không chỉ lan rộng ở châu Á, ngành công nghiệp K-Pop cũng đang ngày càng có hướng xâm nhập thị trường châu Âu và Mỹ. Đặc biệt, giữa lúc việc tiêu thụ đĩa đơn đang ngày càng thu hẹp thì việc đi lưu diễn của các nghệ sĩ luôn đem lại doanh thu khả quan hơn và gắn liền với tên tuổi. Không ít các sự kiện âm nhạc được đầu tư nhiều về quy mô chương trình biểu diễn. Trong năm qua, có thể kể đến buổi biểu diễn nhạc K-Pop có tên Dream Concert, với sự tham dự của 20 ban nhạc ở sân vận động World Cup tại Seoul với 66.800 chỗ ngồi.

K-Pop đã trở thành một ngành công nghiệp khổng lồ khi doanh số bán hàng toàn cầu có giá trị trên 30 triệu đôla Mỹ trong năm 2009. Người ta cũng ước tính con số này nhiều khả năng đã tăng gấp đôi trong năm 2010. Trong năm 2011, công ty sản xuất âm nhạc lớn nhất của Hàn Quốc SM Entertainment cũng đã tổ chức buổi hòa nhạc đầu tiên của mình tại châu Âu, trong đó Paris là điểm khởi đầu trong chuyến lưu diễn vòng quanh thế giới kéo dài một năm. Tiếp đến, vinh dự lớn cho ngành nhạc K-Pop khi vua nhạc pop Hàn Quốc Rain được độc giả tạp chí Time bình chọn là người có ảnh hưởng nhất trong năm. Nhóm nhạc Big Bang cũng lọt vào nhóm 10 album hàng đầu trên iTunes ở Mỹ.

Việc xuất khẩu âm nhạc cũng đã quảng bá nền văn hóa đất nước kim chi ra bạn bè thế giới. Tuy nhiên, bên cạnh những gì đạt được, sự thành công của K-Pop cũng khiến các ngôi sao tiềm năng phải chết dở sống dở với những hợp đồng độc quyền dài hạn mà không được hưởng lợi tài chính bao nhiêu. Điển hình là vụ kiện của nhóm nhạc Dong Bang Shin Ki kiện công ty quản lý của mình ra tòa với lý do hợp đồng 13 năm là quá dài và thù lao thấp. Trong khi đó, nhóm nhạc nữ Rainbow cũng gặp trở ngại tương tự khi có hợp đồng 7 năm với công ty quản lý DSP nhưng chỉ nhận được những khoản tiền nhỏ nhoi so với công sức họ bỏ ra.

So sánh với các chuyến lưu diễn tại Nhật Bản, ông Bernie Cho, người đứng đầu hãng phân phối nhạc DFSB Kollective cho biết, với áp lực giảm giá âm nhạc ở trong nước, nhiều nghệ sĩ hàng đầu có thể kiếm được nhiều tiền hơn từ một tuần trình diễn tại Nhật Bản so với cả năm ở Hàn Quốc. Ca sĩ Hàn Quốc cần phải biểu diễn trên sân nhà, nhưng Nhật Bản là nơi đem lại tất cả tiền bạc. Hiện Chính phủ Hàn Quốc cũng đang quan tâm tới việc thúc đẩy bản sắc của mình để cạnh tranh với hình ảnh văn hóa hấp dẫn của Nhật Bản.

Gia Huy

;
.
.
.
.
.